Bên bờ hạnh phúc

Cuộc sống của đồng bào Khmer ngày một khởi sắc hơn. Ảnh minh họa: Báo Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long có 4.859 hộ dân tộc Khmer, với gần 24.000 người, chiếm phần lớn trong số các dân tộc thiểu số trong tỉnh, chiếm 2,26 % dân số. Người Khmer sống tập trung ở các xã vùng sâu thuộc 4 huyện : Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh và Vũng Liêm. Cuộc sống của bà con đa phần còn khó khăn, thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 53%. Trong đó có 5% hộ gia đình không có đất ở, 2% không có nhà ở, trên 18% không có đất sản xuất.

Từ năm 2005, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai chương trình 134 của Chính phủ (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer). Chương trình này được lồng ghép trong cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương. Điển hình như ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, đến nay, đã có 112 hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được xây cất nhà đại đoàn kết, trong đó có hộ anh Thạch Thiêng. Trước đây, gia đình anh phải nương náu trong một căn chòi dột nát, siêu vẹo, mà không có tiền sửa chữa. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã bình xét và đề nghị chính quyền địa phương cất cho anh một căn nhà mới khang trang.

Riêng đối với những hộ Khmer nghèo không có đất cất nhà cũng được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã vận động trong họ hàng thân tộc “nhường cơm xẻ áo”. Căn nhà của Anh Thạch Ruôl – xã Tân Mỹ, Huyện Trà Ôn – cất trên nền đất của một người thân nhường cho là nhờ các đoàn thể đứng ra vận động. Giờ thì gia đình anh không còn phải ở nhờ, ở đậu nhà người khác. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã có 2.779 hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được xây cất nhà đại đoàn kết, với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Nhờ vậy mà tất cả bà con Khmer đã có nơi ăn, chốn ở ổn định. Trong đó, phải kể đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tham gia điều tra, khảo sát nắm hộ nghèo, tổ chức bình nghị đúng đối tượng được hưởng thụ chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở của nhà nước.

Cũng từ chương trình 134 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long còn xây dựng 9 trạm cấp nước tập trung ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng. Nhờ sự vận động của các đoàn thể nên đến nay, đa phần bà con Khmer đã thay đổi được tập quán sư dụng nước kênh rạch bị ô nhiễm, chuyển sang sử dụng nước máy hợp vệ sinh hơn. Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, những hộ Khmer nghèo còn được các đoàn thể bảo lãnh vay vốn từ Ngân hành Chính sách Xã hội, được hướng dẫn phương cách làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân đã thành lập hàng trăm tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà đến nay trong đồng bào Khmer không còn hộ đói, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã được nâng lên đáng kể.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long phát động đã và đang được đồng bào Khmer tích cực hương ứng. Nó không chỉ góp phần to lớn trong việc xóa đói giảm nghèo cho bà con mà còn làm thay đổi căn bản diện mạo các xã nông thôn sâu. Ở các ấp văn hóa, hộ nào cũng có điện sinh hoạt thắp sáng, ấp nào cũng có trụ sở làm việc kiên cố, có đường giao thông thuận tiện dễ dàng, có hệ thống thủy lợi khép kín, có trường học, trạm truyền thanh, có phòng đọc sách báo, có sân bãi luyện tập thể dục thể thao. Tổng kinh phí dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể đã vận động người dân đóng góp một phần kinh phí đáng kể.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng được đông đảo bà con Khmer hưởng ứng, bởi nó gắn liền với lợi ích thiết thực của bà con. Chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer, là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này đã và đang được thực hiện có hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long, trong đó, phải kể những cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer luôn đi đầu trong cuộc vận động. Thông qua việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer. Những cuộc họp tổ tự quản, những buổi sinh hoạt chi, tổ, hội đã làm cho bà con nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó có ý thức trách nhiệm hơn đối với khu dân cư.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” đã thật sự phát huy và nâng cao đư
ợc vai trò của Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể. Sự đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào Khmer của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân. Nhiều đoàn viên, hội viên, là người dân tộc Khmer, những điển hình tiên tiến từ phong trào “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, góp phần làm cho thực lực chính trị ở vùng đồng bào Khmer ngày càng vững mạnh.

Có thể nói, từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể đã tập hợp được đông đảo bà con Khmer. Đây là nguồn lực to lớn tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở vùng đồng bào Khmer. Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức đoàn thể đang quyết tâm đưa cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” vùng đồng bào Khmer đi vào chiều sâu, làm cho phum sóc ngày càng khởi sắc.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *