Bên bờ hạnh phúc

Trong những năm gần đây, tình hình gây hại của nhện gié trên cây lúa ở ĐBSCL ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong vụ Hè Thu. Với có kích thước rất nhỏ và có khả năng nhân mật số khá nhanh, nhện gié được đánh giá là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa.

Ở ĐBSCL, nhện gié đã có mặt trên đồng ruộng từ lâu, nhưng lúc trước, mật số của nhện gié chưa cao nên tác hại của chúng chưa đáng kể. Những năm gần đây, sự gia tăng mật số của nhện gié trên ruộng lúa ngày càng nhanh chóng và gây hại đáng kể cho bà con nông dân.

Nhện gié tạo nên những vết bầm tím như cạo gió trên thân cây lúa

 

Nhện gié là loài dịch hại có kích thước rất nhỏ, mắt thường không thể nhận thấy được. Chúng sống tập trung ở mặt trong của bẹ lá lúa phía trên mặt nước. Khi phát triển đến mật số khá cao, chúng chích hút trên cây lúa, tạo nên những vết bầm tím như cạo gió. Không chỉ gây hại cho cây lúa một cách trực tiếp mà những vết chích hút của nhện gié còn là cửa ngõ cho nhiều loài nấm, vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa, gây bệnh thối bẹ, lem lép hạt. Nếu không có biện pháp quản lý tốt, phòng trị kịp thời thì khả năng làm thất thu năng suất rất lớn.

Vòng đời của nhện gié rất ngắn, trung bình khoảng 10 – 12 ngày, được chia làm 03 giai đoạn chính là trứng, nhện non và nhện trưởng thành. Miệng nhện giống như vòi kim nhỏ chích hút bẹ lá, cuống bông và vỏ hoa trước lúa khi trổ bông. Nhện sống tập trung trong phần bẹ lá, ăn phần mô của lá làm bẹ lúa có màu bầm tím. Khi mật số nhện cao, nhện gié có thể tấn công lên bông, làm hạt lúa lép lửng. Do đó, triệu chứng thiệt hại do nhện gié gây ra cho cây lúa phổ biến là hiện tượng đen vỏ trấu, đen thân, bông lúa trổ không thoát khỏi bẹ, hoặc ngay sau trổ thì bông lúa và hạt thay đổi màu.

Trong tự nhiên, nhện gié có thể tồn tại trong rơm rạ, lúa chét, lúa rày hoặc một số loại ký chủ phụ như cỏ lồng vực, lúa dại, từ đó chúng có thể xâm nhập vào ruộng lúa rất dễ dàng. Ruộng lúa nào sạ dầy thì nhện gié sẽ lây lan và phát triển với mật số nhanh hơn.

Nhện gié gây hại hầu hết cá bộ phận của cây lúa, nhưng nơi sinh sống và nhân mật số nhiều nhất là ở bẹ lá lúa. Chúng tấn công lần lượt từ bẹ lá ngoài lúc còn nhỏ đến bẹ lá cờ khi lúa trổ bông. Hậu quả là gié lúa thường bị trổ nghẹn đòng, nhánh gié cong queo, hạt lúa biến dạng. Nếu bị hại nặng, hạt lúa có thể bị lép hoàn toàn.

Để quản lý và phòng ngừa nhện gié trên ruộng lúa, tốt nhất là nên phun thuốc trừ nhện. Khi phun thuốc, bà con nông dân nên cho nước vào ruộng ngập bẹ lúa để nhện bò lên trên lá để việc xử lý bằng thuốc được dễ dàng và mang lại hiệu quả cao.

Nhện gié có nhiều loại thiên địch, do đó, bà con nông dân cần tránh phun thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi để bảo vệ thiên địch, góp phần tiêu diệt nhện. Đồng thời, các nhà chuyên môn còn cho biết, nhện gié còn là đối tượng rất mau kháng thuốc nên không được quá lạm dụng các loại thuốc trừ nhện.

Để việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả, bà con nông dân cần căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và mật số nhện gié trên ruộng. Lưu ý, khi phun thuốc trừ nhện, bà con nên chỉnh béc phun thật nhuyễn và phun ướt đẫm cây lúa để nước thuốc theo bẹ lá chảy sâu vào bên trong, tiêu diệt nhện.

Cũng như những đối tượng dich hại khác, để quản lý nhện gié trong ruộng lúa đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần áp dụng biện pháp tổng hợp. Trong đó khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng có ý nghĩa quan trọng trong việc cắt đứt nguồn lây lan nhện gié từ vụ lúa trước. Theo các chuyên gia, ngoài điều kiện thời tiết thích hợp, nguyên nhân làm cho nhện gié gây hại nặng trong vụ Hè Thu là do chúng tích lũy mật số từ vụ Đông Xuân. Vì vậy, những nơi có thói quen dưỡng chét, hoặc sạ chay sẽ có nguy cơ bị nhện gié tấn công nhiều hơn. Ngoài ra, vấn đề chọn giống và mật độ gieo sạ thích hợp cũng là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế sự thiệt hại do nhện gié gây ra.

Ngoài ra, việc bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm là một biệp pháp giúp bà con nông dân vừa tiết giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần quản lý các đối tượng dịch hại trên lúa tốt hơn, trong đó có nhện gié.

Mặt khác, những ruộng thiếu nước thường bị nhện gié tấn công mạnh hơn, do đó, cần thường xuyên giữ cho ruộng có đủ nước, không để ruộng bị khô hạn, nhất là khi cây lúa bước vào giai đoạn đòng trổ.

Nhìn chung, việc phòng trừ nhện gié bằng thuốc bảo vệ thực vật chỉ là một biện pháp tình thế. Để quản lý nhện gié trên ruộng lúa đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó phải hết sức chú ý đến kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện chương trình IPM, 3 giảm – 3 tăng vào đồng ruộng và sử dụng lúa giống có chất lượng tốt.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *