Bên bờ hạnh phúc

Gần đây, bệnh lem lép hạt lúa có xu hướng gia tăng cả về diện tích lẫn mức độ gây hại. Hầu như vụ lúa nào cũng có sự hiện diện của chúng trên đồng ruộng, trong đó, phổ biến nhất là trong vụ Hè Thu.

Bệnh lem lép hạt làm cho vỏ trấu sậm màu, hoặc biến đổi màu từ nâu đến đen. Ảnh minh họa

Lem lép hạt là loại bệnh xuất hiện gây hại chủ yếu trên hạt lúa, làm vỏ trấu sậm màu, hoặc biến đổi từ màu nâu đến đen, từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu, bao gồm cả trên hạt lúa có gạo và hạt lúa lép khi cây lúa còn ở trên đồng ruộng. Lúa bị bệnh lem lép hạt nặng sẽ làm giảm năng suất, phẩm chất lúa gạo kém, giảm giá trị thương phẩm. Nếu không có biện pháp quản lý, phòng ngừa kịp thời, đối tượng bệnh hại này sẽ làm thất thu năng suất lúa rất lớn.

Hiện nay, ở ĐBSCL, tình hình bệnh lem lép hạt lúa ngày càng xuất hiện phổ biến trên đồng ruộng. Bệnh phát sinh, phát triển và gây hại từ khi cây lúa trổ bông trở về sau, nhất là giai đoạn cây lúa trỗ và ngậm sữa. Hầu như bà con nông dân đều nhận biết được bệnh lem lép hạt nhưng chưa biết rõ nguyên nhân gây hại. Nếu ruộng lúa bị nấm bệnh tấn công sớm, nhiễm bệnh nặng, lại gặp thời tiết không thuận lợi như nhịêt độ thấp, ẩm độ không khí cao và mưa nhiều thì tỷ lệ lúa bị lem hạt và lép lửng rất cao, có khi lên đến 20 – 25%

Lem lép hạt lúa là tên gọi để chỉ chung hiện tượng hạt lúa có vỏ trấu sẫm màu, đen lốm đốm hoặc đen toàn bộ vỏ trấu, hạt bị lép lửng đến lép hoàn toàn. Song nguyên nhân gây nên bệnh này thì rất nhiều như do nấm bệnh, vi khuẩn, nhện gié… Theo các nhà khoa học, có đến trên 10 loài nấm khác nhau gây bệnh trên hạt lúa. Nấm có thể bám trên vỏ trấu để gây hại và tiếp tục lưu tồn trên giống. Trên các chân ruộng nhiễm phèn, đất nghèo dinh dưỡng, khô cằn, cây lúa sinh trưởng kém dễ bị các loài nấm, bệnh gạch nâu, đốm nâu phát triển gây hại làm hạt lúa bị lem lép.

Ngoài ra, các loại sâu, bệnh hại tấn công lúa vào giai đoạn đòng trổ cũng làm gia tăng bệnh lem lép hạt. Bên cạnh đó, những ruộng bị cỏ dại, bị đạo ôn cổ bông, đốm vằn, bệnh vàng lá chín sớm…cũng gây nên lem lép hạt lúa

Bệnh lem lép hạt làm giảm năng suất, sản lượng và đặc biệt là làm giảm chất lượng hạt lúa, gây thất thu rất lớn cho bà con nông dân. Nếu lúa dùng làm giống thì chất lượng của hạt giống kém, là nguồn bệnh ban đầu gây hại cho cây lúa ở vụ sau

Hiện nay, bệnh lem lép hạt lúa do nhiều loài nấm bệnh khác nhau gây nên và chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu, do đó vẫn áp dụng biện pháp phòng ngừa là chính. Để quản lý và phòng ngừa bệnh tốt bệnh này, bà con nên chọn đúng thời điểm phun thuốc: thời kỳ lúa bắt đầu trổ và trổ đều. Lưu ý, không nên phun thuốc muộn khi lúa vào mẩy hoặc ngậm sữa.

Ngoài việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ nấm gây bệnh lem lép hạt, việc áp dụng những biện pháp canh tác tốt cũng làm hạn chế được đối tượng bệnh này. Cụ thể, bà con nên chọn hạt giống có chất lượng và gieo sạ với mật độ vừa phải, không sạ dày; bón phân cân đối, có thể áp dụng phương pháp bón phân theo bảng so màu lá lúa hoặc bón phân đón đòng theo kỹ thuật "không ngày, không số” và không để cho ruộng bị thiếu nước khi lúa đang trổ. Ngoài ra, bà con nông dân nên vệ sinh đồng ruộng, phòng ngừa cỏ dại bởi đây cũng là ký chủ cho nhiều loài nấm bệnh gây hại trên lá và hạt lúa.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *