Bên bờ hạnh phúc

Để khắc phục những khó khăn do dịch cúm gia cầm gây ra, trong những năm qua, các ngành chuyên môn và bà con nông dân ở nhiều nơi đã thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Trong đó, mô hình nuôi gia cầm theo quy trình an toàn sinh học đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với người chăn nuôi.

Ảnh minh họa

 

Dịch cúm AH5N1 bùng phát vào năm 2003 đã đặt ngành chăn nuôi gia cầm cũng như những bà con theo nghề này đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Với nhiều quy định của nhà nước nhằm ràng buộc người chăn nuôi tuyệt đối ngăn chặn sự tái phát dịch bệnh đã làm cho rất nhiều người trong nghề phá sản, bỏ nghề, những ai muốn tiếp tục bám nghề thì phải thay đổi phương thức chăn nuôi. Trang trại nuôi vịt của gia đình của anh Hàng Tấn Tài – Thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang – đã cho thấy điều đó. Chăn nuôi và sản xuất vịt giống là nghề truyền thống của gia đình. Nhà anh Tài có hơn 10 anh em, trong đó có trên 5 người theo đuổi nghề nuôi và ấp vịt nhưng sau đợt dịch cúm năm 2003 chỉ còn anh Tài trụ được đến hôm nay.

Đạt được kết quả như thế, là nhờ anh Tài yêu nghề và rất nghiêm túc với nghề. Nhà nước quy định thực hiện ra sao thì anh thực hiện đúng như vậy. Ngành chức năng khuyến cáo nên nuôi theo hướng an toàn sinh học, anh Tài cũng cố gắng đầu tư vốn theo đúng mô hình. Hiện nay, trang trại nuôi vịt của gia đình anh được xem là điểm điển hình tiên tiến của địa phương. Anh Tài cho biết, muốn bám theo nghề này trong giai đoạn có dịch cúm như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng. Kiến thức mới và kinh nghiệm là điều quan trọng để có thể tiến tới thành công. Anh Tài đã có gần 35 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi và sản xuất vịt giống, nhưng anh nhận thấy không năm nào giống năm nào, kiến thức chăn nuôi mỗi ngày một đổi mới. Ngày xưa, lúc mới 16 tuổi theo cha học tập nghề làm lò ấp, anh thấy rất đơn giản, dễ làm và dễ kiếm tiền. Chính vì dễ dàng như vậy nên các anh em của ông ai cũng có được cơ ngơi khá vững khi lập gia đình riêng.

Ban đầu, anh Tài cũng chỉ làm nghề lò ấp vịt giống, tuy nhiên, do thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, yếu tố chất lượng con giống đã khiến cơ sở của anh gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1990, anh không mua trứng ngoài thị trường tự do nữa mà bắt đầu nhảy vào nghề chăn nuôi vịt. Việc tự chăn nuôi giúp anh tự túc được sản lượng và giá trứng đầu vào góp phần kiểm soát chất lượng con giống đồng thời giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, anh Tài vẫn còn nuôi vịt theo hình thức chạy đồng. Được vài năm, bắt đầu có nhiều khó khăn khác xuất hiện dần trên đàn vật nuôi của anh. Làm nghề lâu năm, anh cũng học tập và ý thức được việc đổi mới thường xuyên con giống bố mẹ là điều nên làm, thế nhưng đàn vịt vẫn hay hao hụt nhiều trong quá trình nuôi. Dần dần, anh phát hiện ra, hao hụt là do vịt bị bệnh như thương hàn, tụ huyết trùng,… Bởi trước nay, đàn vật nuôi ít khi hoặc không hề được quan tâm để tiêm phòng các loại bệnh này. Thế là, anh bắt đầu tìm tài liệu mới nghiên cứu, đến trạm thú y địa phương xin tư vấn… Sau đó, anh Tài mới biết nuôi vịt phải tiêm ngừa đúng và đủ liều lượng theo lịch tiêm phòng của ngành đưa ra. Thế rồi, dần dần, chất lượng con giống của cơ sở Thuận Nguyên ngày càng được hoàn thiện, nhiều bà con chăn nuôi gần xa đến mua về nuôi. Cơ sở anh nên làm ra, phát triển rộng về quy mô. Từ trên 1.000 con giống và quy mô lò ấp khoảng trên 10.000 con mỗi tháng, đến năm 2000, trang trại đã có gần 10.000 ngàn vịt giống, quy mô sản xuất của lò ấp trên 100.000 trứng mỗi tháng. Tuy lúc này anh đã chuyển sang nuôi nhốt nhưng đến mùa thu hoạch lúa, anh vẫn cho vịt chạy đồng ở gần nhà. Và lò ấp vẫn còn thô sơ, mang nặng tính thủ công.

Cho đến thời điểm năm 2003, đây có thể gọi là giai đoạn khó khăn nhất trong nghề mà anh Tài gặp phải. Dịch cúm gia cầm AH5N1 bùng phát khắp các miền, trại vịt của anh nằm trong bán kính phải dập dịch, lúc đó anh Tài dù thiệt hàng hàng tỷ đồng nhưng vẫn nghiêm túc và là một trong những cơ sở tiên phong dập dịch của địa phương. Sau thời điểm khó khăn đó, các anh em của anh ai cũng bỏ nghề do không còn đủ sức để đầu tư. Riêng anh Tài, do đã nắm bắt tốt khoa học kỹ thuật mới, thường xuyên cập nhật và lắng nghe sự tư vấn của ngành chức năng, anh bắt đầu nghề cũ với phương thức nuôi hoàn toàn đổi mới, đó là nuôi theo hướng trang trại an toàn sinh học. Với diện tích 2 ha, anh chia thành nhiều ô chuồng, mỗi ô chuồng có thể nuôi 400 vịt đẻ. Tại mỗi ô anh thiết kế ao tắm, sân phơi, chỗ ăn, chỗ ngủ, hệ thống cấp và thoát nước đảm bảo vệ sinh tốt cho đàn vịt. Hiện trang trại có trên 10.000 vịt đẻ và 7.000 vịt thịt, quanh năm nuôi nhốt như thế này, tuyệt đối không thả chạy đồng như trước nữa. Nhờ vậy, từ sau năm 2003 đến nay, trang trại của anh Tài chưa hề có dịch bệnh xảy ra. Anh Tài cũng cho biết việc xây dựng hoàn thành mô hình nuôi vịt như thế này tốn nhiều chi phí hơn và vì vậy lợi nhuận cũng khiêm tốn hơn, anh nuôi có lời là nhờ biết chọn điểm nuôi vịt thịt, trong mô hình có kết hợp nuôi cá và nuôi vịt với số lượng lớn. Có lẽ chính vì thế mà ít người chịu đầu tư đúng như thế này, số lượng trang trại lớn như của anh Tài hiện nay cũng chưa nhiều.

Bên cạnh đầu tư chuồng trại đúng quy trình kỹ thuật, anh Tài còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đổi mới lò ấp theo hướng chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, quy mô lò ấp có thể lên đến hàng trăm ngàn trứng mỗi tháng. Đồng thời, việc nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng con giống cũng được anh Tài quan tâm rất nhiều. Với việc đầu tư kịp thời, đúng đắn hiện nay trang trại nuôi vịt anh toàn sinh học của gia đình anh Hàng Tấn Tài đã trở thành địa chỉ học tập, tham khảo đáng tin cậy cho bà con yếu thích nghề này. Mặt khác, đây còn là mô hình điểm để nhân rộng tại địa phương.

Có thể thấy, với sự thành công và hoạt động ổn định trong nhiều năm qua của trang trại anh Hàng Tấn Tài cũng như nhiều trại khác trong khu vực, mô hình nuôi vịt an toàn sinh nói riêng và nuôi gia cầm an toàn sinh học nói chung đã khẳng định được tính đúng đắn của nó. Ngành chức năng nhiều địa phương đang tiếp tục hướng bà con chăn nuôi đi theo con đường bền vững này.

Thúy Hằng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *