Bên bờ hạnh phúc

Đối với trẻ thơ, từ khi bắt đầu buổi học đầu tiên cho đến suốt những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh hình ảnh cao đẹp của cha mẹ là hình ảnh người thầy giáo, cô giáo thân thương dạy dỗ các em nên người. Chính vì vậy, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn nghệp vụ để xây dựng nên hình ảnh gương mẫu của người giáo viên luôn là yêu cầu quan trọng đối với những người làm công tác giáo dục.

Theo truyền thống văn hóa nước ta, nhà giáo bao giờ cũng được xã hội tôn vinh, kính trọng. Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo. Đại đa số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều làm việc tận tụy, tâm huyết với nghề, có phẩm chất chính trị, có đạo đức và lối sống tốt. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song đội ngũ giáo viên vẫn miệt mài trên mục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Năm nay, ngành Giáo dục đã bước vào năm thứ hai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngày càng nhiều hơn những tấm gương thầy cô giáo tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy và học hiệu quả hơn. Cô Phạm Thị Thùy Trang, trường mầm non Huỳnh Kim Phụng, Thành phố Vĩnh Long đã 23 năm gắn bó với những em nhỏ. Năm 2004, cô vinh dự đạt danh hiệu viên phấn vàng. Không tự mãn, cô luôn tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Dù bận rộn với công việc mỗi ngày nhưng cô vẫn cố gắng học đại học để nâng cao kiến thức, phục vụ cho công tác chuyên môn của mình tốt hơn. Thấu hiểu được tâm lý của trẻ thơ khi mới tiếp xúc với môi trường giáo dục, cô Trang luôn tạo cho trẻ có một trạng thái thoải mái trong giờ học, sáng tạo nhiều đồ dùng, đồ chơi mới lạ, tạo sự thích thú cho trẻ. Mỗi tiết dạy cô có cách vào bài khác nhau, tránh cho trẻ sự nhàm chán và cô như một người bạn của trẻ để trẻ có ấn tượng tốt với cô giáo, với trường học, từ đó sẽ thích thú học tập hơn.



Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo

 

Hai chị em Thái Thị Ngọc Ngà và Thái Thị Hồng Châu, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Thị trấn Vũng Liêm, vượt lên trên hoàn cảnh có được kết quả học tập tốt hơn và tìm được niềm vui với ban bè, trường lớp là nhờ sự tận tâm, gần gũi và tấm gương của chính bản thân cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Diệu. Cha mất, Ngà và Châu phải sống bằng nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc gánh ve chai của mẹ hàng ngày, trong hai em luôn ẩn chứa một nỗi buồn và sự mặc cảm. Cô Mỹ Diệu đã chịu khó tìm hiểu, an ủi, động viên các em bằng tấm gương vượt khó của chính mình. Nhờ đó, cô đã giúp hai em vượt qua những nỗi đau, bỏ qua những mặc cảm bản thân để sống và học tập tốt hơn. Cô Mỹ Diệu luôn nắm rõ hoàn cảnh, cá tính của từng học sinh của mình. Vừa truyền thụ cho các em kiến thức, cô vừa giáo dục, động viên các em vượt qua hoàn cảnh để vươn lên. Vì vậy, lớp cô dạy không còn học sinh yếu kém. Bản thân cô luôn có ý thức cao trong việc tự học, tự rèn luyện, từ kiến thức, đến những kỹ năng trong giảng dạy. Mỗi tiết học là tâm huyết, là trách nhiệm và tình thương của cô, thể hiện qua từng đồ dùng, nội dung giảng dạy được chuẩn bị công phu. Đặc biệt, cô rất chú trọng đến việc rèn chữ. Nhiều lần cô đã đạt giải trong cuộc thi viết chữ đẹp. Đó cũng là một tấm gương để học trò của cô học tập. Nhiều năm giảng dạy bằng cả tâm huyết với nghề đã giúp cô Nguyễn Thị Mỹ Diệu có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các phương pháp giảng dạy hiệu quả, có những đồ dùng dạy học tự làm đạt giải cao, đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh 3 chu kỳ liên tục.

Xác định nhiệm vụ chính của nhà trường là giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời cũng là môi trường sư phạm nên mỗi hành động, lời nói của cán bộ giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo. Thầy La Phi No, Trường THPT Phạm Hùng, huyện Long Hồ luôn để lại trong lòng học sinh hình ảnh một người thầy mẫu mực. Trong chuyên môn, thầy luôn tìm tòi và ứng dụng những phương pháp dạy mới, vận dụng tốt việc giảng dạy bằng giáo án điện tử, nghiên cứu, thực hành giảng dạy theo phương pháp mới, chống tình trạng đọc chép. Từ đó đem lại sự thích thú và hiệu quả học tập tốt hơn cho học sinh, phương pháp này đã được nhân rộng trong tập thể giáo viên nhà trường.

Cô Thùy Trang, cô Mỹ Diệu, thầy Phi No và biết bao thầy cô giáo khác ở mỗi nhà trường, hàng ngày, hàng giờ là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Mỗi người không chỉ chú trọng rèn luyện nhân cách đạo đức và luôn tự học, nâng cao trình độ mà còn luôn tìm tòi và ứng dụng những phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, giúp các em lĩnh hội, khắc sâu kiến thức, có ý thức cao trong tự học và rèn luyện đạo đức nhân cách. Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động này, thầy cô giáo trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong việc sử dụng đồ dùng dạy học. Mỗi giáo viên đều miệt mài nghiên cứu sáng tạo và tự làm đồ dùng dạy học phù hợp với các bài giảng, tạo cho học sinh sự say mê, thích thú khi học tập. Qua hai năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thầy cô giáo càng có ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình, góp phần quan trọng để tạo sự chuyển biến đáng mừng trong công tác giáo dục của tỉnh nhà.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngay từ đầu mỗi năm học, Ban chấp hành Công đoàn các trường đã kết hợp với Ban Giám hiệu, thành lập ban chỉ đạo và đề ra kế hoạch thực hiện cuộc vận động. Ở các trường, công đoàn đã tổ chức triển khai sâu rộng và có chính sách hỗ trợ cho giáo viên khi tham gia học tập, nâng cao trình độ. Song song đó, công đoàn còn có nhiều hoạt động để chăm lo hỗ trợ cho thầy cô giáo gặp khó khăn để họ cải thiện đời sống và an tâm công tác, có điều kiện tốt hơn trong giảng dạy và rèn luyện bản thân. Công đoàn cũng kết hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua như : làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm… Các phong trào này đã tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ngày càng hoàn thiện mình hơn. Chi đoàn giáo viên ở các trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác giảng dạy. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, để kịp thời động viên về vật chất lẫn tinh thần, giúp cho mỗi đoàn viên giáo viên có động cơ và ý thức học tập, rèn luyện tích cực.

Thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Thầy có giỏi thì trò mới giỏi. Tấm gương đạo đức của thầy cô giáo là một hình ảnh sinh động để giáo dục học sinh. Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cùng với những hoạt động tạo điều kiện hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong trường học đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ giáo viên về việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hiện nay.

Cẩm Âu
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *