Bên bờ hạnh phúc

Những ngày giáp Tết, thời tiết cũng bắt đầu vào Xuân. Dọc theo những con đường, chúng tôi đã thấy rất nhiều những thay đổi, chuẩn bị một mùa xuân mới sắp bắt đầu. Năm nào cũng vậy, hoa Tết là một trong những dấu hiệu để nhận biết xuân về và góp phần làm cho mùa Xuân thêm phần rực rỡ.

Từ những tháng trước Tết, người dân ở xứ cù lao đã nhộn nhịp cho những công việc ươm trồng, cắt tỉa… các loài hoa. Không khí nhộn nhịp của Tết quê có khi được cảm nhận từ tháng Chạp, nhóm hoa này được trồng để phục vụ cho bà con địa phương, không quá cầu kỳ về chủng loại và màu sắc. Vẫn là những loại hoa truyền thống như: vạn thọ, cúc, huệ trắng… nhưng chắc chắn sẽ là rất cần thiết để làm đẹp cho không gian ngày Tết. Có lẽ, ngoài mai vàng là loại hoa truyền thống của Tết Nam Bộ thì nhu cầu làm đẹp không gian sống, thờ cúng tổ tiên trong những ngày đầu năm chắc chắn sẽ là các loại hoa dân dã mà gần gũi này.

Công việc của những người trồng hoa địa phương cũng không mang tính thường xuyên, chỉ được bắt đầu vào những tháng trước Tết và kết thúc vào sau Tết. Có nhà chỉ trồng vừa đủ trang hoàng nhà cửa, nhưng cũng có gia đình xem đây là công việc mùa vụ mang đến thu nhập cao trong dịp Tết. Ngoài nhóm hoa địa phương thì kiểng cũng là một trong những loại góp phần làm cho chợ hoa xuân thêm phong phú và đa dạng. Kiểng được trồng quanh năm nhưng công đoạn cắt tỉa và ra hoa, tạo dáng cũng được chuẩn bị từ những ngày cuối năm này. Thường thì các loại mai bonsai, kiểng lá, kiểng hoa… là những chủng loại được ưa chuộng khi tham gia hành trình đến với chợ hoa ngày Tết.

Ảnh minh họa: Moon

 

Có lẽ, người dân đồng bằng đã quen thuộc với địa danh làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), bởi đây là một trong những trung tâm hoa kiểng của miền Nam, nơi sản xuất ra số lượng lớn hàng hóa cung cấp cho phần lớn các chợ hoa ở khu vực ĐBSCL. Nơi đây quy tụ nhiều chủng loại hoa, đa dạng màu sắc, kiểu dáng. Khi cánh én bay về báo hiệu mùa xuân, cũng là lúc làng hoa kiểng Sa Đéc vào hội. Đủ các loại hoa khoe sắc chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Có những loại hoa mang vẻ đẹp kiêu sa rực rỡ, nhưng cũng có loại bình dị gần gũi như đời sống và tâm hồn của những người dân lao động. Ở đây, một năm như có bốn mùa xuân, bởi mùa nào cũng có sự hiện diện đầy màu sắc và hương thơm. Đặc biệt, làng hoa Sa Đéc còn lưu giữ khoảng 50 giống hoa hồng các loại. Ngoài những giống hoa do người dân địa phương gieo trồng và chăm sóc thì ở Làng Hoa Sa Đéc còn có những loại hoa được nhập từ một số nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan v.v.. Những loại hoa nhập khẩu thường chỉ hiện diện vào những tháng giáp Tết để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Mang tâm trạng của một người thưởng lãm chợ hoa xuân, dường như chúng tôi mới chỉ tìm thấy một góc trong các bình dị, gần gũi của hương sắc. Và vẫn còn đâu có cái rực rỡ, kiêu sa của đất trời làm nên cái nhộn nhịp đầu năm. Thật vậy, con đường hoa Tết mang một hành trình có cả chiều dài địa lý và chiều sâu văn hóa địa phương. Hành trình hơn 300 km từ vương quốc hoa Đà Lạt, những loài hoa vương giả đủ màu sắc, đủ chủng loại đi khắp mọi miền đất nước phục vụ cho chợ hoa Xuân. Đặc biệt là những chợ hoa phía Nam.

Xuất phát từ những cánh đồng, nông trại trồng hoa ở Lâm Đồng, những loại hoa cắt cành tập họp về chợ đầu mối Hồ Thị Kỷ là chợ hoa lớn ở TPHCM. Tương tự như chợ đầu mối Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen và Hậu Giang cũng là nơi quá cảnh để những loại hoa cắt cành đà lạt bắt đầu một hành trình khác đến với người tiêu dùng ở khắp nơi. Sau một hành trình dài, hoa có mặt ở đây vào khoảng 11h – 12h đêm. Sau đó, có mặt ở các chợ tỉnh vào lúc 4h – 5h sáng hôm sau. Vậy mà hoa vẫn nguyên hương sắc, vẫn rực rỡ, kiêu sa như không hề trải qua một hành trình nào. Từ nhiều hành trình khác nhau, các loại hoa có mặt đầy đủ ở hội hoa với vẹn nguyên nét rực rỡ, kiêu sa, đậm đà, gần gũi… Mỗi loại có một vẻ đẹp khác nhau, cùng nhau khoe sắc làm đẹp cho ngày Tết. Có những hành trình mang tên gọi gần gũi như Cái Mơn, Chợ Lách, có những hành trình quen thuộc như Sa Đéc, TPHCM… Cũng có những hành trình từ phương xa Đà Lạt, Lâm Đồng v.v.. Tất cả hội tụ về đây, góp phần làm nên hương sắc.

Chiếm diện tích đáng kể ở chợ hoa bao giờ cũng là mai vàng – loài hoa đặc trưng của mùa xuân phương Nam. Nét sinh động và rực rỡ sắc màu là những gian hàng hoa kiểng như: tắc, sung, đào tiên, thanh long… Những loại kiểng hoa, kiểng trái được chuẩn bị công phu, cắt tỉa… từ bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Ngoài kỹ thuật ươm trồng còn có cả tình cảm và tâm hồn của con người trên tác phẩm. Gửi gắm đến khách thưởng lãm chút tâm tình, chút duyên thầm khi đến với chợ hoa muôn màu muôn sắc.

Ven theo dòng Cổ Chiên, Thành phố trẻ Vĩnh Long xinh xắn cũng góp phần làm cho mùa xuân thêm phần rực rỡ bằng con đường hoa được thiết kế phù hợp với khung cảnh tự nhiên. Đồng thời tạo nên cảm xúc thi vị cho du khách khi đến với thành phố ven sông vào những ngày đầu năm mới. Hành trình các loại hoa tuy vất vả nhưng đã góp phần làm nên nét văn hóa độc đáo của chợ hoa ngày Tết, nét văn hóa cộng đồng của một thành phố ven sông.

Những ngày của năm cũ sắp qua đi, một năm mới được bắt đầu. Con đường hoa Tết thực sự là một hành trình thú vị khi tất cả đã hội tụ và có mặt đông đủ tại đây, làm cho mùa xuân thêm rực rỡ. Hy vọng rằng con đường hoa sẽ là một khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *