Bên bờ hạnh phúc

Cấp xe lăn cho người nghèo

Người nghèo nếu chẳng may bị bệnh thì sự lo lắng càng thêm chất chồng. Đa số mỗi bệnh nhân khi nhập viện có thời gian điều trị ít nhất một tuần, có người kéo dài hơn 1 tháng, tiền ăn uống có khi còn hơn cả tiền thuốc thang. Người khá giả thì có thể xoay sở được, còn người nghèo thì rất vất vả. Bếp ăn từ thiện của Hội đã phần nào giúp cho người bệnh vơi đi gánh nặng đó. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8 bếp ăn từ thiện, cấp cơm, cháo, nước chín hàng ngày cho bệnh nhân nghèo. Với phương châm “lá lành đùm lá rách”, từ ngày thành lập đến nay, bếp ăn từ thiện của Hội đã trở thành điểm tựa của bệnh nhân nghèo và bất cứ ai cần đến. Nấu từng nồi nước sôi, nồi cháo trắng, cơm dẻo v.v.. để sẵn chờ người nhà bệnh nhân đến nhận là công việc hành ngày của những người phục vụ bếp ăn, như là sự san sẻ của những tấm lòng nhân ái đối với người nghèo. Vì bệnh nhân nghèo, các anh chị sẵn sàng sắp xếp công chuyện gia đình để vào bếp ăn nấu nướng.

Căn nhà nhỏ ở góc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhiều năm là người bạn đồng hành của những bệnh nhân nghèo. Mỗi ngày 3 buổi, nơi đây nhộn nhịp người. Ai ai cũng cầm trên tay chiếc cái tô, cái chén để nhận cơm, canh cả cho người bệnh và người nuôi bệnh. Chính từ ý nghĩa nhân văn của hoạt động này mà bếp ăn từ thiện đã được nhiều người biết đến và ủng hộ. Người đem cho củi, cho đường, bột ngọt, gạo muối, hay rau cải v.v… Nhiều tấm lòng cộng lại làm thành nồi cơm, nồi canh thấm đậm nghĩa tình. Đặc biệt, bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã vận động được nhiều nhà tài trợ thường xuyên để có nguồn kinh phí ổn định nhằm duy trì hoạt động. Do yêu cầu sức khỏe của người bệnh, hiện nay, bếp ăn đã chuyển từ phục vụ các món chay sang món mặn, góp phần tích cực vào việc điều trị cho người bệnh.

Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh ở vùng đồng bằng có nhiều sông ngòi chằng chịt. Nhiều vùng nông thôn chưa có hệ thống nước sạch. Qua kiểm tra của ngành Y tế, tỷ lệ bệnh phụ khoa của phụ nữ ở Vĩnh Long còn khá cao. Do kinh tế còn khó khăn, thiếu hiểu biết và ngại ngùng, nhiều chị em đã âm thầm chịu đựng bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo hàng chục năm trời. Bức xúc trước những hoàn cảnh phụ nữ nghèo còn khá trẻ phải chết vì các bệnh phụ khoa, từ năm 2006, những người làm công tác hội đã vận động và được sự tài trợ của Ban từ thiện – xã hội, Báo Giác ngộ TPHCM giúp chi phí điều trị và phẫu thuật cho chị em phụ nữ tại các bệnh viện ở TPHCM. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban Dân số tỉnh tổ chức khám cho hơn 1.300 phụ nữ và đã đưa đi phẫu thuật 294 chị.

Thông qua chương trình này, nhiều phụ nữ đã được điều trị bệnh và đã vượt qua cơn hiểm nghèo. Chị Nguyễn Ngọc Phượng – ở ấp Mỹ Phú Tân, xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình – là gười đã được hỗ trợ chi phí để điều trị bệnh trong đợt đầu tiên. Hiện nay, chị đã hoàn toàn bình phục, có cuộc sống khỏe mạnh. Trước đây, khi phát hiện bệnh, chị không dám đi điều trị vì gia đình quá khó khăn. Được sự động viên và hỗ trợ của hội, chị đã mạnh dạn đi phẫu thuật…

Trước những hoàn cảnh thương tâm của các cháu nhỏ bị tim bẩm sinh, những năm qua, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng để cứu sống nhiều em bị tim bẩm sinh. Em Nguyễn Thị Mỹ Lộc sống ở Phường 9, Thành phố Vĩnh Long. Nhà nghèo, bản thân bệnh tật, hàng ngày, em phải vật lộn với những cơn đau tim. Nỗi đau lại chồng chất nỗi đau khi cha mẹ em đột ngột qua đời cùng căn bệnh ung thư vào cuối năm 2007. Từ đó, cái ăn còn phải nương nhờ vào tình thương yêu, sự đùm bọc của bà con dòng họ thì tiền đâu để chữa bệnh. Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo đã đem lại cho em sự sống. Năm 2008, em được hỗ trợ mổ tim thành công. Hiện tại, sức khỏe của em đã hoàn toàn được hồi phục và em đã được tiếp tục đến trường.

Chia tay em Lộc, chúng tôi được Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh hướng dẫn đến thăm một trường hợp vừa được phẫu thuật tim cách đây hơn một tháng. Đó là em Trần Thị Hổ, ở xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm. Gia đình nghèo, em phải đi làm thuê để kiếm sống. Khi chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng thì em phát bệnh. Mưu sinh hàng ngày đã khó, giờ bản thân lại đau yếu thì tiền đâu em nuôi con, tiền đâu điều trị bệnh. Gia đình em Hổ thật sự rơi vào cảnh khốn cùng. Được chữa lành bệnh không chỉ đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho bản thân em Hổ, mà còn cứu vớt được một cảnh đời bất hạnh. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, bé Nguyệt – con của Hổ – sẽ được sống trong vòng tay yêu thương, sự chăm sóc của mẹ.

Mỗi ca mổ tim phải cần nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, chương trình tim được thực hiện với nhiều khó khăn nhất. Bước đầu, khi đề ra chương trình này, tưởng chừng như khó có thể thực hiện được. Thế nhưng, sự tích cực và nhiệt thành của những người trong Hội đã kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp cho chương trình này. Từ khi thực hiên chương trình, t&iacute
;nh đến tháng 4/2009, Hội đã vận động phẫu thuật đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho 205 em bị tim bẩm sinh. Hội tiếp tục đề ra chương trình cứu sống thêm 200 ca tim trong 2 năm 2009 – 2010 và trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có 31 ca tim đã được phẫu thuật.

Các chương trình hoạt động của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo đã khơi dậy lòng nhân ái của mỗi con người, thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Người thì góp công, người thì góp của, tất cả đều tham gia hoạt động với tinh thần nhân đạo tự nguyện là chính và đều tích cực tham gia các hoạt động chăm lo sức khỏe cho người nghèo. Với những nỗ lực đó, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo đã đóng vai trò quan trọng trong xã hội, là chỗ dựa cho người nghèo khi bệnh hoạn, ốm đau.

Cẩm Âu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *