Bên bờ hạnh phúc

Ảnh minh họa

Hiện làng mai có trên 300 hộ chuyên trồng và kinh doanh mai. Nét đặc sắc của làng nghề này là mai được trồng khắp nơi, có thể ngay trong sân nhà, ngoài vườn, hoặc trồng xen với các vườn cây ăn trái. Tùy theo điều kiện và sở thích của từng người mà kiểu chơi mai cũng khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung đặc biệt là toàn bộ làng mai Phước Định đều chơi mai vàng nguyên thủy, hay còn gọi là mai y, hoàn toàn không có mai ghép. Nét đặc trưng nhất của làng mai vàng Phước Định là nghề trồng mai nguyên thủy với kích thước nhỏ, hay còn gọi là mai cây mini. Mai vàng được giữ nguyên gốc ban đầu, tùy theo dáng cây mà người trồng chỉnh sửa sao cho cân đối, trông đẹp mắt. Dạng mai này chủ yếu khai thác bông để chưng vào dịp Tết. Để làm được một cây mai mini, cây phải có độ tuổi ít nhất cũng từ 4 – 5 năm, còn cao nhất cũng có thể lên đến trên 10 năm. Thông thường, cây mai được mua về chưa có hình dáng đẹp, cân đối, người trồng phải thực hiện nhiều công đoạn như cắt tỉa, nuôi dưỡng và điều khiển chi cành theo ý muốn. Tuy không đòi hỏi quá khắt khe như các cách chơi mai khác, nhưng để được một cây mai mini hoàn chỉnh thì cũng phải mất ít nhất 1 – 2 năm chỉnh sửa cây.

Giá trị của mai vàng nguyên thủy mini dao động rất lớn, từ vài trăm ngàn đến 4 – 5 triệu đồng một cây, tùy thuộc vào độ lớn và dáng của chúng. Đối với làng mai vàng Phước Định, đa số người dân áp dụng chỉnh sửa mai theo kiểu tứ diện. Có nghĩa là tán cây cân đối về 4 phía, đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố thân, gốc, tàng với dáng thế của cây. Tàng cây lớn ở phần gốc, cành về trên càng thu hẹp lại, dạng như một cây thông. Những chậu mai có dáng già cỗi, gốc to, rễ cân đối, chi cành đồng đều, đặc biệt là phải ra nhiều hoa và đồng loạt, là tiêu chuẩn chính quyết định giá trị của dạng mai này.

Một dạng mai kiểng khác cũng được nhiều người dân ở làng mai Phước Định trồng kinh doanh là mai bonsai nhưng với kích thước lớn hơn cây bonsai truyền thống, gọi là mai bonsai lỡ. Kích cỡ của dạng mai này tương đương với mai mini, nhưng đòi hỏi cây phải sống lâu năm hơn, hình dáng già nua, và đặc biệt là phải giống như hình ảnh thu nhỏ của một cây mai cổ thụ, sống hoang dã. Những bộ phận như rễ, thân, chi cành phải có sự cân đối và phân chia theo một thứ tự nhất định. Nếu so với kiểu mai mini thì dạng mai này tốn công gấp nhiều lần. Ngoài tốn thời gian tạo hình, có khi lên đến 5 – 7 năm, đòi hỏi những người chơi mai bonsai lỡ phải có những hiểu biết nhất định về nghệ thuật chơi bonsai. Và hầu như qua mỗi dáng, thế mai được tạo thành đều có dấu ấn khá đậm nét của phong cách tác giả. Nhìn chung, nét đẹp của cây mai bonsai lỡ được thể hiện qua những sắc nét của sự già cỗi từ rễ đến thân, cành với những thớ vỏ nhăn nheo, loang lổ rêu mốc, những u nần, hang hốc, vết trầy xước, hiện thân cho những chứng tích tàn phá của thời gian.

Nếu như thế mạnh của mai mini và mai bonsai lỡ là kết hợp vẻ đẹp của cây lúc trổ bông, thì giá trị của những cây mai hóa thú là tái hiện hình dáng của những con vật qua dáng thế của cây. Những con vật thường được liên tưởng đến như lân, sư tử, rồng… Quan trọng nhất của dạng mai này là bộ rễ và phần gốc. Cái khó của dạng mai này là phải tốn rất nhiều thời gian để sưu tầm từ những cây tự nhiên, đồng thời đòi hỏi người chơi phải biết nhìn ra đâu là mai hóa thú ngay khi còn nguyên thủy. Có thể nói, đỉnh cao trong nghệ thuật chơi mai vàng là các loại mai kiểng cổ. Những cây mai có thân hình già cỗi, u nần, da xù, tuổi thọ hàng trăm năm có giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là dạng mai đòi hỏi rất khắt khe về ý nghĩa trong nghệ thuật chơi.

Chúng tôi đến xem cây mai cổ của ông Lê Văn Đức, thường gọi là Tư Đức – một trong những người sáng lập ra nghề trồng mai vàng của làng nghề này. Theo ông Tư Đức, giá trị của cây mai cổ này là ở hình dáng và tuổi thọ của nó. Ông gọi đây là cây mai cổ "tứ diện hình long giáng". Bởi vì tán cây được tạo ra theo kiểu tứ diện, toàn bộ thân cây là hình một con rồng đang đáp xuống với phần đầu là gốc và rễ, đuôi là ngọn cây. Ngay cả ông Tư Đức cũng không thể tiên đoán được tuổi thọ của "lão mai" này là bao nhiêu, bởi vì khi mang về trồng cây đã có hình dáng sẵn, riêng phân chi nhánh cũng có độ tuổi gần 35 năm – thời điểm mới hình thành nghề chơi mai vàng ở xứ sở này.

Là một loại hoa chỉ trổ bông tự nhiên vào đúng dịp Tết, sắc vàng rực rỡ của màu hoa cùng với sức sống mãnh liệt, tất cả những yếu tố đó đã giúp cây mai vàng được xem là một loài kiểng quý. Đặc biệt, do có thể sống lâu năm trong điều kiện khắc nghiệt nên giá trị của cây mai vàng cũng tăng lên theo thời gian. Còn đối với làng mai vàng Phước Định, mai vàng không chỉ tô thắm thêm hương sắc mùa xuân, mà đây còn là nghề tạo ra c&ocir
c;ng ăn việc làm cho nhiều người. Chúc bà con nơi đây ngày càng thành đạt hơn với nghề trồng mai vàng của mình.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *