Bên bờ hạnh phúc

Để xóa bỏ tình trạng lơ là, thờ ơ dành cho văn hóa đọc, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cho rằng, cần xây dựng tình yêu đọc sách từ gia đình, nhà trường và từ nỗ lực ý thức của bản thân mỗi người.

Ngày 16/9, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp Ban điều hành dự án giáo dục giáo dục Sachhay.com tổ chức hội thảo: “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam”.

Nhà văn Nguyên Ngọc có nhiều phát biểu tâm huyết tại hội thảo.

Có gần 20 tên tuổi như: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nhà nghiên cứu Inrasara, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, nhà báo Lý Trường Chiến… đóng góp tham luận cho hội thảo.

Ngay từ đầu chương trình, nhà văn Nguyên Ngọc có bài phát biểu ngắn gọn, phác thảo khá đầy đủ thực trạng lười đọc của không ít người. Từ chuyện dạy văn, học văn "vùi dập" tình yêu đọc sách trong nhà trường, đến chuyện số lượng phát hành sách ít ỏi so với đầu người, hay vai trò của gia đình, nhà trường trong phát triển thói quen đọc sách ở trẻ… được ông bàn lại với nhiều tâm huyết. "Khi con người chưa thấy đói sách thì không chịu được, khi đó mới thật sự có văn hóa đọc", Nguyên Ngọc chia sẻ.

Cùng chung ý kiến như thế, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho rằng cần xây dựng văn hóa đọc từ tuổi thơ. Bùi Văn Nam Sơn lấy kinh nghiệm từ việc phát triển thói quen đọc sách ở Đức để rút ra kết luận: "Văn hóa đọc cần bắt đầu một cách bền bỉ ở cấp học cơ sở và phổ thông. Để tập cho chúng ta thói quen thích đọc, cần bớt những gì phải đọc". Theo ông, việc đọc ngày nay không chỉ gói gọn trong sách in mà còn cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa với Internet, sách điện tử, các phương tiện nghe nhìn…

Cũng có ý kiến cho rằng, chính sự tấn công ồ ạt của mạng Internet và các loại hình nghe, nhìn… khiến thói quen đọc sách in dần bị "đè bẹp". Từ kinh nghiệm cá nhân, nhà báo Lý Trường Chiến góp ý: nếu mỗi người biết sắp xếp thời gian, chẳng hạn nghe nhạc ít đi một chút, bớt xem tivi một chút, dành ít nhất 30 phút một ngày cho việc đọc sách thì óc tư duy và vốn kiến thức sẽ ngày càng được bồi đắp.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng nên có một “Ngày đọc sách Việt Nam" để cổ vũ, khuyến khích toàn xã hội quan tâm, chú ý tới việc đọc sách của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Dù các vấn đề nêu ra tại hội thảo không mới, những ý kiến của đại biểu tham dự được xem là cần thiết để góp phần xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” do Chính phủ đề xướng.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần phát biểu tại hội thảo.

Đây là lần thứ ba, tổ chức SachHay.com tham gia tổ chức hội thảo xoay quanh văn hóa đọc. Hai chương trình trước đây với đề tài: “Người Việt có mê đọc sách” (vào năm 2008) và “Ngày đọc sách Việt Nam, tại sao không?” diễn ra tại Hội sách TP HCM lần 6 năm nay cũng đón nhận được nhiều phản hồi tốt từ bạn đọc cả nước.

Sắp tới, một hội thảo tương tự được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thất Sơn – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *