Bên bờ hạnh phúc

Tân An Luông là một xã nằm bên dòng sông Mang Thít, thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một địa danh rất nổi tiếng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, gắn liền với buổi đầu đi theo cách mạng của Bác Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Ngày nay, nơi đây còn là một điểm sáng, một nhịp cầu nhân ái của nhiều gia đình nghèo khó, bất hạnh ở Vĩnh Long.

Về thăm Tân An Luông, có dịp ngồi tâm sự với các thành viên trong Hội Chữ thập đỏ xã, chúng tôi càng thấm thía hơn về tấm lòng của người dân vùng sông nước miệt vườn này. Ở đây có thầy giáo Nguyễn Thành Hổ hết lòng vì người nghèo. Tuy thầy đã nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Ngày ngày, thầy luôn tất bật với công tác nhân đạo và còn vận động nhiều người cùng tham gia việc làm này. Nơi thầy đến thường là những con đường xa xôi, lầy lội, cách trở… với những ngôi nhà trống trước, trống sau, cột kèo siêu vẹo, mái lá dột nát… Và những người mà thầy tìm đến thường là những phận đời bất hạnh, những thân thể đớn đau, bệnh tật, cả kiếp người chỉ ước mơ sao cho xác thân được lành lặn, mạnh khỏe… nhưng cũng chẳng có được bao giờ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thanh – 41 tuổi, ở ấp 4 xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình – là gia đình được thầy giúp đỡ thường xuyên. Hai đứa con: Nguyễn Thị Diễm (23 tuổi) và Nguyễn Thị Kiều Trang (18 tuổi) đều bị khuyết tật. Khi mới sinh ra, cơ thể hai cháu cũng bình thường như bao trẻ khác, nhưng về sau, tay chân cứ ngày một teo tóp và co quắp lại. Chị Thanh – mẹ hai cháu – đã nghèo lại càng khốn khó hơn khi phải dồn hết tiền của để chạy chữa cho con. Cứ thế, tuổi thanh xuân của chị trôi qua lúc nào không biết, chỉ còn đọng lại nỗi buồn hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ, đầy dấu chân chim. Vì thế, nhiều năm nay, thầy Hổ đã động viên cô con gái ở Trường Đại học Cửu Long tặng chiếc ti vi và hỗ trợ hàng tháng cho hai cháu Diễm và Trang, giúp gia đình chị vơi đi những khó khăn, bất hạnh.

Ông Nguyễn Thành Hổ tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Long

Bi đát hơn là gia đình chị Võ Thị Khuyến, ở ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông – Vũng Liêm. Gia đình có 6 người con, 5 trai, 1 gái, nhưng đã có đến 5 người con trai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó có 4 người đã chết vì căn bệnh này, chỉ còn duy nhất một đứa con trai út – Nguyễn Chí Tâm (15 tuổi) – là còn sống sót, nhưng tứ chi cũng dần dần bị tê liệt và co quắp lại. Chén cơm, manh áo mà cả gia đình trông vào là nhờ cái nghề bắt ốc, cua để nuôi gà, vịt của chị nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Thầy Hổ cũng dành dụm đồng lương hưu, giúp gạo, tiền hàng tháng. Các thành viên khác, có người giúp vốn để chị vừa nuôi gà, vịt vừa nuôi con. Rồi sau đó, chị được chính quyền xã quan tâm, cất cho căn nhà đại đoàn kết.

Làm sao nối kết giữa bà con nghèo và các nhà hảo tâm là điều mà thầy luôn trăn trở! Anh Nguyễn Văn Tèo (39 tuổi, ấp Bờ Sao, Tân An Luông) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Anh sống với vợ và hai con, bị nhiễm trùng máu, cơ thể sưng phù vì không tiền điều trị. Biết được hoàn cảnh của anh Tèo, thầy Hổ đã lặn lội lên Thành phố Vĩnh Long tìm báo, đài nhờ viết về hòan cảnh của anh. Sau khi báo đăng, đài phát sóng, ngay lập tức anh Tèo đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ trên 30 triệu đồng. Nhờ số tiền ấy mà anh đã vượt qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”.

Một bức thư cảm ơn của chị Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1973, ở ấp Cái Cui, xã Hòa Lộc – Tam Bình, viết:

"Gia đình của chúng tôi cảm ơn thầy nhiều lắm, cho đến bây giờ, nhìn lên mái nhà, tôi và các con tôi luôn nhớ ơn thầy. Người xưa nói: “Con không cha như nhà không nóc”, các con tôi không cha thế mà chúng vẫn có nóc để chở che qua năm tháng, khi mưa đến, khi nắng về. Thầy chính là mái che cho các con của tôi. Những điều thầy giúp, những việc thầy làm sẽ luôn sống mãi trong lòng chúng tôi, trong lòng những người mà thầy đã quan tâm gúp đỡ”…

Muốn cho chùa Long Thành (cơ sở phật giáo ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ- Vĩnh Long) có một mái ấm để những người già neo đơn, không nơi nương tựa về tá túc, không phải sống cảnh hẳm hiu, đói rách… là khát vọng mà thầy luôn ấp ủ. Nghĩ đến công lao của đấng sinh thành, thầy Hổ cùng các nhà sư ở đây vận động quý phật tử trong tỉnh xây dựng “Mái ấm dưỡng lão” gồm 15 phòng, mỗi phòng 5 cụ, được trang bị đầy đủ tiện nghi cá nhân. Mái nhà chung này hiện nuôi dưỡng khỏang 70 cụ. Đến đây, thấy được cảnh ấm lòng, no bụng của các cụ, mới thấy được ý nghĩa của việc tiết kiệm vài ngàn đồng ở mỗi cá nhân là quý giá đến nhường nào…

Hơn 20 năm qua, trong gian nhà “thường thường bậc trung” của thầy Hổ, lúc nào cũng nhộn nhịp bởi các họat động từ thiện, nhân đạo…Thầy cũng không nhớ xuể qua từng năm, tháng, có bao nhiêu người, bao nhiêu mảnh đời nghiệt ngã đã được giúp đỡ để vượt qua số phận. Với người nầy là túm gạo, với người kia là mái ấm tình thương, với người nọ là chiếc xe đạp, còn với trẻ em là những những suất học bổng hoặc tấm áo, mảnh quần, giúp các cháu vững bước đến trường… Dù đã huy động dưới nhiều hình thức đóng góp từ thiện, nhân đạo đạt tổng giá trị đến trên 1 tỉ đồng để trợ giúp cho những gia đình nghèo khó, bệnh tật nhưng có lẽ con số đó vẫn còn quá nhỏ bé so với hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời rách nát, khổ đau, ngày ngày bươn chải với cuộc mưu sinh…

Thầy đã kết nối những trái tim với trái tim, từ những đóng góp thầm lặng của những người con xa xứ, đến những đồng lương tích cóp, chắt chiu của các cụ già hưu trí…Từ những đồng tiền dành dụm trong ống heo của các em nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường, đến các đơn vị, các doanh nghiệp… tất cả đều muốn sẻ chia, đều muốn chung tay góp sức, với mục đích là đem lòng nhân ái làm tan chảy những khó khăn, thử thách trong mỗi phận người. Điều hạnh phúc nhất của thầy – kể cả người vợ đầy lòng yêu thương của thầy – cũng thấy ấm lòng, vì số lượng địa chỉ được trợ giúp ngày càng nhiều hơn… Bất ngờ nhưng thầy không ngạc nhiên bởi địa chỉ nào cũng rất thương tâm và tấm lòng nhân ái thì luôn tiềm ẩn trong mỗi con người.

Một câu mà thầy thường nói với mọi người:

"Việc chi tiêu của mình có thể ít đi một chút, khó khăn hơn một chút, nhưng chia sẻ được phần nào cho những người khốn khó hơn mình nhiều, đó là việc thật sự nên làm”.

Với tất cả những nỗ lực có thể… thầy Hổ và những người đồng hành cùng thầy vẫn tiếp tục và sẽ đồng hành với những số phận đói nghèo, bệnh tật… để che chở, vỗ về, cảm thông, và biến những ước mơ, hòai bảo tưởng chừng như không thể trở thành có thể… Sự chia sẻ từ thầy Hổ và những tấm lòng nhân ái sẽ biến những số phận không may như được hơi ấm của tình yêu thương làm tan chảy ra, vơi nhẹ đi.

Trọng Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *