Bên bờ hạnh phúc

Mùa thu năm nay, cố Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa 97 tuổi. Vị Giáo sư – Viện sĩ lừng lẫy ấy được chôn nhau cắt rốn ở làng quê Chánh Hiệp, huyện Tam Bình nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Người ta đã nghe kể nhiều về tài chế tạo vũ khí hiển hách của ông, nhưng những câu chuyện của vị Giáo sư – Viện sĩ ở quê nhà đẹp đến giản dị thì chưa được nghe nhiều. Những câu chuyện đó như dấu ấn đeo mãi trong hồn cốt người làng Chánh Hiệp ngày ấy và cho đến bây giờ. Đó là “chí học và câu chuyện tự lực” của Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Đã trải qua bao thế hệ mà trong lòng người dân làng Chánh Hiệp xưa, xã Hòa Hiệp bây giờ, vẫn còn lắng đọng mãi câu chuyện về chí học của Giáo sư, Viện Sĩ Trần Đại Nghĩa, như một mẫu mực cho các thế hệ học trò noi theo. Các bậc cao niên làng Chánh Hiệp kể rằng, năm lên 7 tuổi, ông phải chịu đại tang. Người cha thân yêu của ông, một giáo viên trường làng, trước lúc mất, đã trăng trối với đứa con trai duy nhất của mình rằng: “Con phải ráng học để trở thành người có ích, sau này giúp đỡ người nghèo khổ”. Vâng lời cha dặn, ông quyết chí học tập.

 

 
Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Ở lớp tiểu học, ông là người học giỏi đều các môn, đặc biệt là môn toán, và là một học trò ngoan, luôn giúp đỡ bạn bè. Hè năm 1926, Lễ tốt nghiệp bậc tiểu học, ông đạt hạng tối ưu. Năm 1927, ông thi đậu vào trường Collège de Mytho (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang). Lấy xong bằng Thành Chung (tương đương với tốt nghiệp THCS hiện nay), ông trúng tuyển vào trường Lycée Pétrus Ký ở Sài Gòn (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong – TPHCM) và vẫn là học trò nghèo nhưng học giỏi nhất lớp, đậu học bổng liên tục 3 năm liền. Năm 1933, ông thi đậu lọai giỏi cùng lúc hai bằng Tú tài trong nước và Tú tài “Tây”:

Năm 1935, nhờ sự vận động của một nhà báo yêu nước (Dương Văn Ngưu), ông nhận được học bổng sang Pháp học ban Dự bị Đại học. Ở tại Pháp, ông miệt mài học tập, bất kể ngày đêm. Sau này, ông kể: “Hồi ở Pháp, tôi cứ bị bạn học gọi là “ông Lý Toét ở Paris”, với ý chê tôi là “nhà quê”, bởi vì, tôi chẳng hề đi chơi, sau giờ học cứ đóng cửa trong phòng mà học, mà đọc sách và làm việc. Tôi học và làm việc 16 giờ mỗi ngày mà vẫn cứ thấy là không đủ. Cũng vì tôi cứ luôn luôn canh cánh bên lòng về cảnh tự tử của hai người dân nghèo bên cầu Thiềng Đức ở quê tôi, cũng như về tính mạng của đồng bào mình trước sự tàn bạo và vũ khí hiện đại của thực dân Pháp …”. Chính vì thế, chỉ trong vòng có một năm, ông đã học hết chương trình hai năm dự bị, để sau đó, thi đậu và học cùng lúc ba trường đại học nổi tiếng của nước Pháp là trường Quốc gia Cầu cống, Đại học Kỹ thuật (ngành Điện) và Đại học Sorbonne (ngành Toán).

Một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của người con ưu tú đất Vĩnh Long ấy, là vào tháng 9 năm 1946, ông được gặp Bác Hồ khi sang tham dự hội nghị tại Pháp. Những ước mơ hòai bảo của ông ôm ấp bấy lâu nay được Bác Hồ tiếp sức, hướng dẫn, tạo điều kiện trở thành hiện thực. Lúc ấy ông đã là một kỹ sư trưởng của hãng nghiên cứu chế tạo máy bay, với mức lương tương đương 22 lượng vàng một tháng, nhưng ông đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống danh vọng giàu sang và đầy đủ vật chất ở xứ người. Ông đã xin theo Bác Hồ về nước, tham gia vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ. Với tài trí vượt bậc và tinh thần vì nước, vì dân, vì nghĩa lớn ấy, ông được Bác Hồ đặt cho cái tên Trần Đại Nghĩa. Ông đã xứng đáng với sự dìu dắt, tin tưởng, mong mỏi của bác Hồ, đóng góp rất lớn vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong việc chế tạo vũ khí và khoa học quân sự. Ông được phong tặng Anh hùng lao động, được công nhận Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học của Liên Xô và Công hòa dân chủ Đức. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa qua đời năm 1997 để lại tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau để học tập và noi theo.

Năm 2009 – 2010, ngoài 1000 suất học bổng dành cho học sinh trong tỉnh, qũy học bổng Trần Đại Nghĩa còn mở rộng thêm 1300 suất, trị giá mỗi suất 1 triệu đồng dành cho học sinh, sinh viên hiếu học và học giỏi ở các tỉnh ĐBSCL, với sự đồng hành của Công ty ADC. Trên cơ sở đó, Đài Truyền hình Vĩnh Long sẽ chọn ra 52 em tiêu biểu tham gia chương trình “Thắp sáng niềm tin” với suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. Trong vườn hoa hiếu học và học giỏi của học bổng Trần Đại Nghĩa và Thắp sáng niềm tin của Vĩnh Long, phần lớn các em đều là con em của những gia đình nghèo khó. Trong đó, có rất nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đều có đặc điểm chung, đó là tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên hoàn cảnh đã trở thành con ngoan, trò giỏi và sớm thành đạt.

Đến hôm nay, Chương trình Thắp sáng niềm tin đã phát sóng 50/52 chương trình của năm 2009 – 2010, chung tay chia sẻ với 50 học sinh, sinh viên gặp khó khăn 13 tỉnh – thành ĐBSCL. Đồng hành cùng chương trình còn có những trái tim nhân ái, những vòng tay ấm nồng, giúp các em phần nào vơi bớt khó khăn. 50 chương trình là 50 cảnh đời được trợ giúp. Có lẽ con số đó quá nhỏ bé so với hàng trăm, hàng ngàn những cuộc mưu sinh, vất vả bươn chải trên đường đời. Có thể nói, chương trình học bổng mang tên vị Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa của Đài Truyền hình Vĩnh Long là một tín hiệu vui cho cả ĐBSCL. Những lĩnh vực mà các em sinh viên được hưởng lợi từ chương trình này đã chọn, thường là: công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí chế tạo, qui hoạch và quản lý đô thị, tài chính, thương mại, ngân hàng, v.v… đã phần nào cho thấy một tương lai tươi sáng hơn. Tuy chưa có một thống kê về con số có bao nhiêu học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi và thành đạt, thế nhưng, có thể khẳng định, đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, để đưa giáo dục và đào tạo ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục của cả nước.

Trọng Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *