Bên bờ hạnh phúc

Tại Khoa Huyết Học – Trẻ Em thuộc bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM, những hình ảnh quen thuộc là những bệnh nhi xanh xao, mệt mỏi, tóc rụng với những lần hoá trị liều cao để chống chọi với bệnh tật hiểm nguy. Thế nhưng, đối lập với những lo âu, sợ hãi của người lớn, không gian nơi đây vẫn tràn ngập những sắc màu tươi vui, lạc quan từ chính lòng yêu đời, yêu cuộc sống của các em. Đó là những bức tranh vẽ với ánh nắng mặt trời, hoa lá, cánh buồm và cây xanh…

Video clip chương trình Trái tim nhân ái – Kỳ 275: Cháu Nguyễn Trần Yến Nhi

Cô bé Nguyễn Trần Yến Nhi cũng có sở thích giống như các bạn, thích vẽ tranh, hát và đến trường học tập. Thế nhưng, cách đây vài tháng, những cơn sốt li bì mệt mỏi kéo dài, cơ thể em xanh xao gầy yếu dần. Yến Nhi vẫn gắng gượng để đến trường học tốt, chỉ khi đến ngày căn bệnh biến chứng nghiêm trọng, khiến em ngất xỉu trên đường đến lớp. Nhi đã được chuyển viện và xác định mang phải căn bệnh ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tuỷ)

Đối với mọi người, căn bệnh Nhi đeo mang như là dấu chấm hết trước nỗi đau sinh tử nhưng với Nhi đó chỉ mới là sự bắt đầu. Sự bắt đầu của ý chí, nghị lực và niềm tin trước bệnh tật. Tuổi 13 với Yến Nhi thật đẹp: đó là được trò chuyện và giúp đỡ ông bà nội những công việc gia đình, được đến trường trong chiếc áo dài trắng học sinh, cùng các bạn học hành, chơi đùa,… cho đến khi nhập viện truyền máu, truyền tiểu cầu Nhi vẫn hồn nhiên chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm trước diễn tiến căn bệnh của mình.

Trong hành trang đem theo vào bệnh viện, Nhi vẫn gói theo sách vở, chú gấu bông nhỏ thân quen. Với Nhi bệnh tật em đang mang bên mình cũng chỉ như những lần nóng, sốt cảm nhẹ, chịu khó uống thuốc rồi cũng sẽ qua đi… Đôi khi những cơn đau đến bất ngờ, Nhi chỉ biết rằng em vẫn còn bà nội bên cạnh yêu thương, chăm sóc. Với Nhi, ông bà là tình thương lớn lao, duy nhất mà em có được giữa bệnh tật nghiệt ngã ập đến bất ngờ kể từ ngày cha mẹ bỏ đi… Thế nhưng Nhi càng vui vẻ, hồn nhiên thì nỗi lo thêm trĩu nặng trong lòng bà Võ Thị Mành, khi chứng kiến đứa cháu gái ngày thêm xanh xao, suy yếu vì bệnh tật. Nỗi lo về số tiền lớn để có thể giúp Nhi điều trị bệnh trong thời gian dài mãi là nỗi băn khoăn không nguôi với người bà tuổi cao sức yếu.

Sau những đợt điều trị đầu tiên, cơ thể Nhi đáp ứng khá tốt. Niềm vui của cô bé là có thể nhanh chóng ra viện trở về quê nhà, nơi có dòng sông, con đường, vườn cây yên tĩnh, nơi có mái trường đang đón đợi em về với ước mơ: ngày mai sẽ được đi học. Ngày mai là một ngày bình thường như mọi ngày suốt 13 năm qua…

Mỗi đợt đi điều trị tại bệnh viện về, điều Nhi mong đợi nhất là có thể gặp lại được các bạn. Thương cho cô bạn cùng lớp sớm mang nhiều bất hạnh, các bạn đều tranh thủ thời gian đến chơi và trò chuyện cùng Nhi, Nhi tranh thủ nhờ các bạn chỉ giúp những bài học ở trường mà suốt thời gian nằm viện mình không thể đến lớp. Nụ cười hồn nhiên của những cô bé, cậu bé mới lớn như xoá tan không gian u buồn, quạnh quẽ của ngôi nhà. Các bạn không chỉ mang đến cho Nhi niềm vui mà còn giúp cô bé cảm nhận được sự quan tâm ấm áp của thầy cô, bè bạn, nỗi sợ hãi bệnh tật cũng dần lùi xa…

Thế nhưng các bạn cũng chẳng thể ở lâu bên cạnh, những khi còn lại một mình, Yến Nhi lại chạnh buồn khi nghĩ về khoảng thời gian sắp tới. Tuổi thơ thiếu vắng bàn tay yêu thương chăm sóc của mẹ cha, Nhi đã tự vượt khó học tốt để mang đến niềm vui cho ông bà nội, thế nhưng trước biến cố bệnh tật bất ngờ, Nhi không khỏi buồn tủi khi em chẳng thể có mẹ cha bên cạnh chăm sóc, động viên…

Ở tuổi ngoài 60, bà Mành chẳng dễ tìm công việc làm thuê để có thêm thu nhập chăm lo cho các cháu. Cái ăn, cái mặc trong gia đình đã lắm chật vật thì bà biết làm sao kiếm được số tiền vài chục triệu cho mỗi lần điều trị cho cháu gái. Lặn lội bắt từng con ốc hay hái từng cọng rau để trang trải bữa cơm đạm bạc, ánh mắt già nua theo năm tháng vì tuổi cao sức yếu, vì những nỗi lo không dứt cho sức khoẻ của Yến Nhi, trái tim người bà vẫn luôn thắt thỏm theo từng diễn biến căn bệnh của đứa cháu nhỏ. Tài sản quý giá nhất mà bà có được là tình yêu thương, sự tận tuỵ hết lòng, mong cháu luôn đủ niềm tin vượt qua bệnh tật.

Những ngày từ bệnh viện trở về, niềm vui của Nhi là được chơi đùa cùng em trai và chỉ dạy em học bài. Góc học tập của hai chị em nơi góc nhà bé nhỏ thật tươi vui với những dòng chữ Nhi viết về thành tích mình đạt được, với những tờ giấy khen mang tấm lòng thơm thảo em dành tặng cho ông bà. Những bức tranh Nhi vẽ vẫn từng ngày ấp ủ bao sắc màu tươi mới với ước mong em sẽ được hết bệnh, tiếp tục là chỗ dựa yêu thương cho em nhỏ, có thể đỡ đần ông bà những công việc gia đình.

Từ ngày Nhi trở bệnh, ông Nguyễn Văn Phước sức khoẻ thêm suy giảm vì bao nỗi lo trước tình hình sức khoẻ và điều kiện chữa trị bệnh cho cháu. Mùa này, ở vùng quê hẻo lánh chẳng có công việc gì làm thêm, ông Phước thêm thắt lòng khi nghĩ đến số tiền chữa trị bệnh lâu dài cho Yến Nhi, ông hiểu rằng sự sống của đứa cháu nhỏ giờ chỉ có thể cầm cự bằng những đợt điều trị tích cực. Những ngày Nhi cùng bà đi điều trị tại TPHCM, ông Phước một tay lo toan và chăm lo cho cháu Nguyễn Nhật Trường. Dưới cơn nắng trưa gay gắt, ông vẫn đều đặn ngày hai buổi đưa đón cháu đến trường. Nén chặt vào lòng những ưu tư trước bao biến cố ập đến gia đình, ông Phước vẫn nhẫn nại mang đến cho các cháu tình thương lớn lao và nghị lực vượt qua khó khăn phía trước. 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Trần Yến Nhi – ấp Phú An 2, xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Tường Vi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *