Bên bờ hạnh phúc

Tên người có khi không phải chỉ để gọi, hay để phân biệt giữa cá thể này với cá thể khác trong xã hội, mà còn là một cách để người đặt ra nó thể hiện khát vọng, ý chí và tình cảm của mình. Thật thú vị là trong số những nhân vật của chương trình Thắp sáng niềm tin đã có không ít những cái tên ấn tượng như thế.

Những cái tên ấn tượng 

Đã hơn một năm rồi, và có lẽ sẽ còn lâu hơn nữa chúng tôi vẫn không thể nào quên cái tên của một cựu học sinh trường THPT Nguyễn Trung Trực, Thành  phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nay là sinh viên trường Đại học Cần Thơ – em Đào Được Vàng.

Đào Được Vàng – một nhân vật ấn tượng của chương trình Thắp sáng niềm tin

Vốn là những cư dân nghèo miền biển, cha mẹ em làm lụng quần quật quanh năm mà vẫn không sao thoát khỏi sự nghèo khó. Có lẽ, điều đó đã khiến cho ông bà không còn đủ tự tin vào khả năng có thể biến đổi cuộc sống bằng chính sức lao động của mình, mà chỉ còn biết mong đợi vào một cơ may, một điều kỳ diệu nào đó, như tình cờ đào được vàng chẳng hạn. Không biết sự suy đoán ấy có đúng không, nhưng điều có thể chắc chắn là khi đặt tên cho con trai út của mình là Đào Được Vàng, cha em – ông Đào Tuấn Cường – đã gởi gấm vào đó cả một niềm mong ước lớn lao là sau này con mình sẽ không còn nghèo khó.

Thấu hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, Đào Được Vàng luôn nêu cao tinh thần vượt khó, phấn đấu, nỗ lực hết mình trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Ở trường em học hành thật chăm chỉ. Không có tiền để đi học thêm, em tăng cường tự học bằng nguồn sách sẵn có tại thư viện trường. Nhờ vậy mà em vẫn đạt thành tích học tập tốt. Và không phụ lòng mong ước của cha mẹ, Đào Được Vàng đã thi đậu vào ngành Tài chánh – Ngân hàng, trường Đại học Cần Thơ. Có điều, em đến đó không phải để đào vàng, mà để tiếp tục con đường học vấn, hoàn thiện bản thân, làm giàu tri thức – những thứ mà ngay cả vàng bạc, châu báu cũng không thể nào sánh được. 

Cùng thể hiện ước vọng của đấng sinh thành còn có cái tên của em Nguyễn Phú Hào – cựu học sinh trường THPT Lưu Văn Liệt,TP Vĩnh Long và nay cũng là sinh viên trường Đại học Cần Thơ. 

Nguyễn Phú Hào

Cha bỏ đi biệt tích từ lúc em mới chào đời. Mẹ em vốn là một người phụ nữ tật nguyền, từ thuở nhỏ đã mồ côi không nơi nương tựa, cuộc đời là cả một chuỗi ngày dài sống trong tủi buồn, nghèo khó, nay lại bị người đàn ông kia hất hủi, khiến bà càng trở nên hụt hẫng, chới với giữa dòng đời. May mà có một người tốt bụng đã cho 2 mẹ con một chỗ ở nhờ. Rồi hàng ngày, bà lê bước chân tật nguyền đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác để kiếm tiền nuôi con.

Đặt tên cho con là Phú Hào, bà thầm nguyện cho con mình được giàu sang, phú quý, để đừng lặp lại cuộc đời lầm than đói rách của mẹ. Và như có một sự khiến xui vô hình nào đó, ngay từ ngày đầu tiên đến lớp, Nguyễn Phú Hào đã rất quyến luyến, không muốn ra về. Lớn lên, em càng yêu mến mái trường hơn bởi ở đó, em không chỉ được tiếp thu các kiến thức khoa học, hiểu biết những giá trị của cuộc sống, mà còn nhận được nhiều tình cảm nồng hậu, thân thương từ thầy cô và bạn bè, giúp em quên đi mọi sự tự ti, mặc cảm về thân phận, để có thêm niềm tin và nghị lực, phấn đấu vươn lên không ngừng trong học tập. Và sau khi kết thúc bậc THPT, Phú Hào cũng đã thi đậu vào trường Đại học Cần Thơ.

Với hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn hiện tại, để đi hết con đường đại học quả là một điều kiện hết sức khắc nghiệt đối với em. Song, với bản tính kiên trì, nhẫn nại vốn có, cùng với bàn tay ân cần chăm sóc của người mẹ đã một đời hy sinh cho em, tin rằng rồi đây, Nguyễn Phú Hào cũng sẽ thực sự trở nên phú hào, như người mẹ kính yêu của em hằng mong ước.

Những thành tích ấn tượng

Thân Trung Liệt – cựu học sinh trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, có một cái tên nghe qua đã khá là ấn tượng. Song, nếu biết thêm về thành tích vượt khó, học giỏi của em nữa thì còn ấn tượng hơn nhiều.

Thân Trung Liệt cùng  cha đi cõng gạch thuê để kiếm tiền đóng học phí

Sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 7 anh em, cha thì làm phụ hồ, cõng gạch, mẹ thì bán ấu, đan nón, thu nhập chẳng bao nhiêu. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, khiến cho 6 người anh chị của Thân Trung Liệt đều phải sớm nghỉ học để phụ giúp gia đình trong cuộc mưu sinh. Duy chỉ có Liệt quyết thuyết phục cha mẹ để được tiếp tục đến trường. Vì em hiểu, nếu không học thì không tài nào thoát khỏi cái vòng lẫn quẫn của sự nghèo đói và dốt nát.

Nhưng để chia sẻ gánh nặng áo cơm với cha mẹ, từ năm học lớp 6, em đã phải làm thêm với đủ mọi công việc, như cõng gạch, bán sương sáo, đan nón… Dù vậy, nhưng với tinh thần hiếu học vốn có, Thân Trung Liệt vẫn vững bước đến trường và học giỏi.

Nhờ có những tố chất tốt đẹp đó mà dù là một học sinh xuất thân từ một vùng nông thôn thuộc huyện Chợ Mới, em vẫn không ngần ngại thi vào lớp chuyên Toán của trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên – một trường trung học danh giá của tỉnh An Giang. Tại đây, em đã phải tá túc ở một ngôi chùa phật để đỡ tốn kém cho cha mẹ. Đồng thời, ngoài giờ học còn đi bán vé số để kiếm tiền tự trang trải các chi phí sinh hoạt và học tập.

Khó khăn, vất vả như thế, nhưng Thân Trung Liệt vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học và Cao Đẳng năm 2011, Trung Liệt đã xuất sắc thi đậu cùng lúc 2 trường đại học với số điểm cao ngất ngưỡng: Đại học Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là 27 điểm và Đại học Cần Thơ là 23,5 điểm. Và Đại học Kinh tế TP.HCM là ngôi trường mà em đã chọn theo học nhằm thực hiện ước mơ trở thành một nhà kinh tế giỏi, để phục vụ xã hội và giúp ích gia đình của mình. 

Trong số những nhân vật có thành tích học tập và đỗ đạt ấn tượng của chương trình Thắp sáng niềm tin năm qua còn phải kể đến Nguyễn Thanh Bình -nguyên là học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là một cậu học trò không cha do cha mẹ đã chia tay nhau từ khi em mới sinh ra đời. Lúc đó, em chính là thứ tài sản quý báu duy nhất mà mẹ em còn có được để mang về nương nhờ nhà ngoại ở thị trấn Bến Lức. Tại đây, người phụ nữ đơn thân kia ngày ngày vừa phải phụ chăm sóc cha mẹ già, vừa phải bươn chải làm đủ mọi công việc: vào mùa vụ thì dải dầu mưa nắng làm thuê trên đồng ruộng, hết mùa vụ thì ở nhà se nhang bán lẻ, nhặt nhạnh từng đồng để nuôi đứa con còn thơ dại.

Nguyễn Thanh Bình và mẹ

Bù lại, ở nhà ngoại, hai mẹ con Nguyễn Thanh Bình đã được bù đấp thật nhiều bởi tình yêu thương, đùm bọc của những người thân. Đặc biệt, trong đó có một người dì còn độc thân, không phải vướng bận chuyện gia đình riêng, nên luôn kề vai sát cánh cùng mẹ em vóc sức nuôi em ăn học. 

Thấm thía với cảnh ngộ nghèo khó của gia đình, thấu hiểu bao nỗi lo toan và hy vọng của hai người phụ nữ mà em yêu quý nhất – mẹ và dì, Nguyễn Thanh Bình luôn nỗ lực hết mình trong học tập, và tự lo liệu cho bản thân tất cả những gì có thể. Kết quả là trong 12 năm học phổ thông, em đã có đến 11 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2011, em đã trúng tuyển cùng lúc 2 trường đại học thuộc loại danh giá nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay – trường Đại học Y dược (24 điểm) và trường Đại học Ngoại thương (24,5 điểm).

Theo nguyện vọng của gia đình và sở thích của bản thân, Thanh Bình đã quyết định theo học ở trường Đại học Y dược. Thế là em đã phải từ bỏ một ngôi trường mà đối với nhiều bạn học sinh khác đó là niềm mơ ước không bao giờ có được. Kết quả thi đại học không phải là một món quà để có thể biếu, tặng cho người khác. Vì vậy mà Nguyễn Thanh Bình đành phải phí phạm một tấm vé vào đại học thuộc hàng “Top”, trong sự tiếc nuối của nhiều người. 

Những nhân vật ấn tượng

Một trong những nhân vật ấn tượng mà chúng tôi muốn nói đến là em Lê Thụy Hải Thi – cựu HS trường THPT Đốc Binh Kiều, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cha mẹ chia tay từ lúc em mới lên 5, Hải Thi lớn lên chỉ bằng tình yêu thương, sự chăm sóc của mẹ. Nhà không có đến miếng đất cắm dùi, mẹ em ngày ngày phải lặn lội khắp làng trên, xóm dưới để mua bán ve chai, chắt mót từng đồng để nuôi 2 đứa con.

Hải Thi đi học tại trường ĐHCT với mái tóc "đặc biệt"

Gia đình nghèo, nhà dột cột xiêu mà Hải Thi vẫn quyết tâm đeo đuổi con đường học vấn, nên sự khó khăn, thiếu thốn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng không biết từ bao giờ, trong em đã hình thành một nhận thức thật chững chạc: học là con đường duy nhất để có thể đổi thay cuộc sống. Hằng ngày, Hải Thi bất chấp tất cả để tập trung toàn tâm, toàn ý vào việc học. Kết quả, suốt những năm trung học phổ thông em luôn là học sinh khá giỏi. Và trong kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm qua, em cũng không mấy khó khăn để thi đậu vào trường Đại học Cần Thơ.

Ngày Lê Thị Hải Thi nhận được giấy báo trúng tuyển, trong ngôi nhà nhỏ, niềm vui như vỡ òa. Vì ở vùng quê này, hàng năm, số học sinh trúng tuyển vào đại học đâu có bao nhiêu, nên đây được xem là niềm kiêu hãnh của gia đình.

Nhưng những nỗi lo lại xen lẫn vào niềm vui bởi đâu chỉ có giấy báo điểm, giấy báo nhập học là đủ, mà để bước đến giảng đường đại học thì còn biết bao khoản chi phí không thể thiếu khác nữa, mà để có được những khoản này thì mẹ em không còn cách nào khác hơn là đi vay nóng của người khác. Nhưng, những khoản nợ cũ còn ê chề chưa trả được, thì ai đâu mà cho vay nữa. Tuyệt vọng trước rào cản vô hình nhưng cao vời vợi này, sau nhiều đêm trăn trở, Hải Thi đã ngậm ngùi xếp lại ước mơ đại học để tìm đến một ngôi chùa xuống tóc quy y, với mong muốn lấy tiếng kệ lời kinh để lãng quên bao khát vọng, và giải thoát cho người mẹ gian truân, tội nghiệp khỏi vòng vây nợ nần.

May mà gia đình, người thân và thầy cô đã sớm phát hiện, để kịp thời có lời phân tích, động viên giúp em bừng tỉnh và nhanh chóng trở về với cuộc sống đời thường, để tiếp tục thực hiện những ước mơ còn đang bỏ dỡ trước cổng trường đại học, sau 3 ngày làm … ni cô. 

Đặc biệt hơn hết có lẽ là trường hợp của em Trần Thị Thúy An. Không chỉ nghèo khó, em còn phải đối mặt với một thách thức thật khắc nghiệt của số phận, đó là sự mù lòa. Hiện, Thúy An đang học lớp 11A, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh, nhưng nơi em sinh ra lại là một vùng quê thuộc xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. 

Hai anh em Trần Thị Thúy An

Thúy An bị mù bẩm sinh từ thuở nhỏ, do mang cùng căn bệnh kỳ quặc với người anh ruột – bong võng mạc. Thương con, bằng số tiền phụ cấp ít ỏi của một cán bộ ngành văn hóa xã, và đồng lương còm cõi của một giáo viên bậc mầm non, ông bà Trần Văn Hai và Trần Thị Chua đã bồng bế 2 đứa con đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Nhưng hết nơi này đến nơi khác, người cha và người mẹ tội nghiệp kia đều phải gạt nước mắt đem con trở về với nguyên bệnh trạng. Vì hầu hết các bác sĩ chuyên khoa đều phải bó tay, không thể nào cứu giúp 2 anh em Thúy An trở lại nhìn thấy ánh mặt trời.

Tuy vậy nhưng cha mẹ Thúy An vẫn quyết không để cho tâm hồn 2 con trẻ cũng tối tăm như đôi mắt của chúng. Với quan niệm “Vô học bất thành nhân”, cha mẹ em luôn tìm đủ mọi cách để 2 đứa con mù lòa của mình cũng được đến trường, dưỡng nuôi một ước mơ thật giản dị là được làm người có ích. Hai anh em Thái Hòa và Thúy An đã lần lượt được cha mẹ đem gởi vào học ở trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – một ngôi trường dành riêng cho trẻ khiếm thị ở TP Hồ Chí Minh.

Là con gái, lại mù lòa và sớm lìa xa mái ấm gia đình, cùng sự chăm nôm của cha mẹ, cuộc sống của Trần Thị Thúy An khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng với bản tính cứng rắn và kiên quyết đã giúp cho Thúy An gặt hái được nhiều thành tích rất đáng trân trọng trong học tập và rèn luyện. Không chỉ học giỏi, viết tốt , em còn hát rất hay, từng đạt nhiều giải thưởng quý giá, mang danh dự lớn về cho trường. Đồng thời nó cũng dần giúp em xóa tan đi sự mặc cảm về thân phận, xóa tan cái cảm giác sống thừa trên cõi đời này, để tiếp tục vươn lên thực hiện trọn vẹn ước mơ trở thành người có ích của mình.

Phụ huynh ấn tượng

Trong cuộc hành trình Thắp sáng niềm tin, chúng tôi đã bao lần chứng kiến sự hy sinh vô bờ bến của những người cha, người mẹ cho việc học hành của con mình. Dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, túng thiếu họ vẫn làm tất cả, sao cho những đứa con yêu quý của mình được vững bước đến trường vun đắp tương lai. Song, ấn tượng sâu sắc nhất năm qua có lẽ thuộc về vợ chồng anh Nguyễn Lê Anh – cha mẹ của em Nguyễn Thị Phúc – nguyên là học sinh trường THPT Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Nay là sinh viên trường đại học Cần thơ.

Ba của em Nguyễn Thị Phúc đi bán vé số dạo nuôi con ăn học

Cả 2 cùng xuất thân từ những gia đình nghèo khó, đến với nhau chỉ bằng một tấm chân tình, không đất đai không ruộng vườn, cũng không có nghề nghiệp ổn định, nên anh chị chỉ còn biết làm thuê, làm mướn kiếm sống. Anh thì làm bảo vệ ao cá cho người khác, có thời gian rảnh thì đi bán vé số kiếm thêm. Còn chị thì làm thuê, làm mướn với đủ mọi công việc đồng áng. Dù cuộc sống nghèo khó, thiếu trước hụt sau, nhưng anh chị vẫn luôn mong ước sao cho con mình được học hành đến nơi đến chốn. Và đáng mừng là nhiều năm liền, 2 đứa con của anh chị luôn là con ngoan trò giỏi. Điều đó như đã xua tan tất cả những nỗi vất vả, nhọc nhằn mà 2 người đã phải nếm trải.

Nguyễn Thị Phúc vừa tốt nghiệp THPT thì gia đình rơi vào cảnh túng thiếu đến cùng cực. Trong khi ngày thi đại học đã gần kề, ba mẹ em không còn cách nào khác hơn là phải đem 5 giạ lúa làm thuê có được bán đi để lấy tiền cho con đi thi. Để đỡ tốn kém, ngày Phúc lên đường ứng thí, ba em còn tạm dừng bán vé số để lấy xe đạp chở em vượt mấy mươi cây số, từ Giồng Riềng lên tận TP Cần Thơ dự thi.

Như một sự đền đáp xứng đáng công lao của cha, Nguyễn Thị Phúc đã thi đậu vào ngành Thú y – trường đại học Cần Thơ. Hôm nghe tin Phúc trúng tuyển, cha mẹ em mừng đến rơi nước mắt. Nhưng ngay sau niềm vui ngút ngàn ấy, thì một nỗi lo đau đáu đã bắt đầu hiển hiện – làm sao có tiền cho con đi học.

Và “cái khó ló cái khôn”, một phương kế nuôi con ăn học đã được hoạch định: cha ở nhà tiếp tục bán vé số lo cho đứa em trai, còn mẹ thì theo sát bước chân của Phúc và cùng em lên TP Cần Thơ xin vào làm lao công tại một bệnh viện để được thường xuyên gần gũi và chăm lo cho con. Thế là, ngày ngày, khi cô con gái đến giảng đường học tập, thì người mẹ chân quê ấy cũng tất tả đến bệnh viện lao động quần quật đúng như một lời ru xưa “Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

Dù mùa Tết đã được cảm nhận ngay từ những làn gió heo mây và cái se lạnh đầu tháng Chạp nhưng có lẽ, mãi cho đến khi chúng tôi đến thì tại những gia đình ấy, mọi người mới chợt nhận ra không khí tết đã tràn vào ngưỡng cửa nhà mình. Cảnh nghèo, mùa xuân dường như cũng đến chậm. Bởi những ngày giáp tết, khi người ta bắt đầu đua nhau mua sắm, sửa sang, thì cũng là lúc những người nghèo như cha mẹ các em phải tranh thủ hết thời gian để bươn chải kiếm tiền. Hơn nữa, năm nay vật giá lại leo thang, nên chuyện chuẩn bị tết càng trở nên ngán ngại đối với họ. Lúc nà,y niềm vui lớn nhất của họ không gì khác hơn là được nhìn thấy những đứa con đi học xa nhà trở về tề tựu. 

THVL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *