Bên bờ hạnh phúc

Cha mất vì bệnh lao não năm Vy học lớp 8. Mẹ hàng ngày phải mưu sinh bằng nghề bán bánh canh dạo. Bản thân Vy ngoài giờ học còn phụ mẹ làm mọi việc trong nhà, phụ mẹ làm bánh canh để bán. Nhiều lúc trời mưa bán không hết, ba mẹ con chỉ biết ăn bánh canh thay cơm. Ý thức được hoàn cảnh sống của mình, Thúy Vy luôn sống chăm ngoan, chuyên cần trong học tập.

Đường đến An Phú – một huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, vừa xa xôi, vừa chật hẹp, khó đi. Nhưng có lẽ câu chuyện với nhiều chi tiết khá đặc biệt về tinh thần vượt khó, hiếu học của em Đỗ Thị Thúy Vy – học sinh lớp 12/9, trường THPT An Phú, đã khiến cho chúng tôi dường như quên đi quãng đường dài và sự mệt mỏi để đến và chia sẻ cùng em bao nỗi niềm trong cuộc sống.

Thúy Vy phụ mẹ nấu bánh canh để bán hằng ngày

So với bạn bè đồng trang lứa, Thúy Vy bắt đầu việc học không phải từ sự đam mê, càng không phải từ truyền thống học tập sẵn có của gia đình. Bởi cha mẹ của em đều xuất thân từ thành phần nghèo khó trong xã hội, không đất sản xuất, chỉ biết lấy sức lao động của mình ra làm mướn, làm thuê mà sống, học hành là một cái gì thật xa lạ. Anh trai em đã sớm nghỉ học cũng vì không thể vượt qua được cái vòng luẫn quẫn ấy. Những ngày mới đến trường, Thùy Vy cũng chưa đam mê học tập, nên trong những năm học tiểu học, kết quả học tập của Thúy Vy cũng bình thường. Nhưng càng lớn, càng tiếp thu được nhiều điều mới lạ dưới mái trường, Đỗ Thị Thúy Vy càng nhận ra được ý nghĩa sâu sắc của việc học. Đó là sự cần thiết, là niềm hạnh phúc lớn lao đối với mọi người, từ thuở còn thơ cho đến lúc trưởng thành. Đặc biệt, đối với những đứa trẻ nghèo, sống ở vùng nông thôn sâu như em thì chỉ có học tập mới có cơ may đổi thay số phận, cải biến cuộc đời.

Cách đây hơn một năm, cha em phát bệnh lao não rồi đột ngột qua đời. Gia đình mất đi trụ cột chính, mẹ em – chị Phạm Thúy An – mất đi bờ vai nương tựa, đã phải cố gắng hết sức mới có thể gượng dậy, và vượt qua nỗi đau, tảo tần làm lụng nuôi con. Với tấm thân gầy yếu, thể lực hao mòn, không còn đủ sức để tiếp tục làm thuê, làm mướn, chị đã chuyển sang nghề bán bánh canh dạo. Đó là cái nghề vất vả, nhưng thu nhập thì chẳng bao nhiêu. Đặc biệt, những hôm trời mưa bão, không bán được, thì cả nhà phải ăn bánh trừ cơm.

Thương mẹ, Thúy Vy chỉ còn biết nỗ lực hết mình trong học tập để mẹ được vui lòng. Ngoài giờ học, em còn tranh thủ làm giúp mẹ đủ mọi công việc trong nhà, từ chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, cho đến việc phụ làm bánh canh hàng ngày. Một ngày của Thúy Vi bao giờ cũng rất tất bật. Sáng thì phải dậy thật sớm, còn tối thì phải thức thật khuya mới có đủ thời gian học bài, làm bài. Thậm chí, có lúc, em bỏ cả bữa ăn trưa mới kịp hoàn tất công việc và bài vỡ trước khi đến trường. Vất vả là thế, nhưng em vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc đong đầy vì đã được chia sẻ sự nhọc nhằn, yêu thương, an ủi đối với người mẹ đơn thân, phận bạc của mình. Và nhất là ngày ngày vẫn còn được mặc chiếc áo dài tinh tươm đến lớp.

Cuộc sống đầy bất hạnh và lo toan. Đường học vấn cũng đầy chông chênh, trắc trở nhưng nhờ có những suy nghĩ và định hướng đúng đắn nên Đỗ Thị Thúy Vy vẫn luôn có thừa ý chí và niềm tin trong học tập. Tuổi thơ là chuỗi ngày dài sống trong nghèo khó, thiếu thốn, góc học tập chỉ là một khái niệm, phương tiện đi học là chiếc xe đạp cũ kỹ, được mua dưới hình thức trả góp mỗi ngày, bằng đồng tiền bán bánh canh ít ỏi của mẹ … nhưng Thúy Vy luôn biết bằng lòng và trân trọng những gì mình đang có. Em đã nhận ra được một lý tưởng sống hết sức quý giá đó chính là dù nghèo vật chất, nhưng luôn giàu ý chí, giàu nghị lực và luôn có quyết tâm cao, biết vươn lên trong học tập. Đây chính là yếu tố làm nên tính cách của một Đỗ Thị Thúy Vy ngoan, hiền, chăm học và vững vàng trong cuộc sống, xứng đáng là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực của lứa tuổi học trò. Thành công luôn đến với những ai biết bền lòng vững chí, biết ước mơ, biết hy vọng và biết nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ ấy. Tin rằng, Thúy Vy cũng sẽ vươn đến với ước mơ của mình trong một ngày không xa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Đỗ Thị Thúy Vy, học sinh lớp 12/9, trường THPT An Phú, H.An Phú, tỉnh An Giang.

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long
– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh long

Kim Phụng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *