Bên bờ hạnh phúc

Niềm mong mỏi lớn nhất của bậc làm cha mẹ không gì khác hơn là được chứng kiến con cái lớn lên khỏe mạnh, thành tài. Thế nên để nối dài ước mơ được bước chân vào giảng đường của con mà có phải chọn cách rời xa tổ ấm, lặn lội lên thành phố Bến Tre tìm thuê nhà trọ, sánh bước đồng hành cùng con thì người mẹ này cũng bằng lòng.Thiếu đi ánh sáng từ thuở ấu thơ, chặng đường đi tìm một công việc ổn định chưa bao giờ là điều dễ dàng với chị Võ Thị Cẩm- quê gốc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đến khi có được nghề mat-xa, chị càng trân quý hết lòng. Ráng bám trụ với nghề nhưng ở vùng quê nhà hẻo lánh, chị không thể xoay sở đủ tiền để cùng chồng trang trải mọi chi phí trong ngoài.Từ ngày con gái lớn Trúc Nghi đậu cao đẳng Điều dưỡng người mẹ khiếm khuyết như có thêm động lực để tiếp tục rong ruổi lên thành phố Bến Tre, vừa ở cạnh con vừa tiếp tục nghề mat-xa dạo. Dẫu cho phải trải qua nhiều gian truân vất vả, nhưng chỉ cần kiếm thêm được chút đồng lời là chị lại gắng sức tiếp tục chăm chút vào từng đường di tay, ấn huyệt.Thương vợ chẳng ngại gian nan đi tìm tương lai cùng con gái lớn, nơi quê nhà, anh Trần Văn Trung lại ra sức giữ gìn “cơ sở” xoa bóp chỉ vỏn vẹn 2 giường mat-xa cũ kĩ. Chịu cảnh khiếm thị từ năm 3 tuổi, trải qua biết bao nghề mưu sinh, cuối cùng anh Trung chọn công việc giúp bà con xua tan đi những mệt mỏi, đau nhức sau một ngày làm việc. Ấy vậy mà những vất vả chất chồng trên vai anh thì vẫn mãi nặng oằn. Bởi ngoài chặng đường học hành của con gái lớn thì vợ chồng anh còn phải chăm lo cho con gái nhỏ Phương Nghi đang học lớp 8.


Hết xoa bóp, mát-xa rồi đến lần dò trên khắp các nẻo đường để bán vé số, đôi vợ chồng khiếm thị chỉ mong sao đời các con mình vơi đi những khoảng trống của nghèo khó, thiếu hụt. Kể sao cho hết những buồn tủi khi hành trình mưu sinh khiến tổ ấm tách đôi. Ấy vậy mà anh chị vẫn luôn bền lòng vững chí, cùng nhau vượt qua từng gian nan, sóng gió…
Vừa làm nhân viên mat-xa vừa tranh thủ nhận thêm đàn hát đám tiệc, mỗi đồng tiền anh chị tích góp được đều dành dụm để lo lắng cho các con. Hơn hết là sửa chữa căn nhà đã rệu rã, không còn đủ sức che mưa chắn gió cho gia đình. Mãi đến năm 2009, 2 vợ chồng được hỗ trợ 12 triệu đồng và 1 phần vật liệu để xây nhà tình thương. Vay mượn thêm 40 triệu cả nhà mới sửa chữa được tổ ấm vững chải hơn.

Tích góp thêm vài năm, một căn phòng nhỏ làm cơ sở tại nhà để kiếm thêm thu nhập dần thành hình. Thế nhưng nơi đây làm sao có đủ sức cạnh tranh khi thiếu thốn đồ nghề, phòng ốc tạm bợ.
Không nản chí, anh Trung tranh thủ học đàn organ để kịp thời đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Khát khao luôn là trụ cột vững chãi che chở cho người thân được người nhạc công nghèo nắn nót trong từng phím đàn. Hy vọng rồi đây, bằng sự kiên trì của mình, 2 anh chị sẽ sớm chèo chống, đưa con thuyền gia đình vượt qua giông bão…

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:
1/ Anh Trần Văn Trung (1972)-Võ Thị Cẩm (1975), ấp Lộc Thành, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

 

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *