Bên bờ hạnh phúc

Từ tờ mờ sớm, khắp các ngả đường tại TP HCM đã đón biết bao dòng người ngược xuôi tìm kế mưu sinh. Cũng chính vì nhịp sống hối hả ấy mà đôi khi ta không nhận ra những hạnh phúc bình dị quanh mình. Nhưng đâu đó trong con hẻm vắng ở quận 12, vẫn có một gia đình nhỏ đang trân trọng từng ngày bên nhau. Với họ, chỉ cần người chồng lành lặn còn đủ sức làm điểm tựa vững chắc để người vợ có đôi chân khập khiễng chuyên tâm may vá, con gái thì được tiếp tục đến trường đã là niềm vui khôn xiết…

Là một người vợ, người mẹ đặc biệt vì đôi chân teo tóp từ sau cơn sốt bại liệt thuở nhỏ, chị Lê Thị Mỹ Phương, quê gốc Tiền Giang luôn dặn lòng phải gắng sức bám nghề may vá đã học được từ thời con gái để san sẻ phần nào gánh âu lo cùng chồng. Nhìn những trang phục đa dạng kiểu dáng, sắc sảo về đường may, ít ai biết rằng để tạo ra chúng, chị Phương phải vượt qua biết bao trở ngại do khiếm khuyết của bản thân

Làm sao kể hết những lần người thợ cần mẫn này phải bò di chuyển khó nhọc mới có thể hoàn thành được việc vẽ rập tạo hình quần áo; để trải vải vóc thẳng thóm cho từng đường kéo thêm chuẩn xác, mượt mà. Đến cả khâu đạp máy may đơn giản cũng có thể khiến các khớp xương vốn yếu ớt của chị trở nên đau nhức sau một ngày dài miệt mài làm việc. Dường như với chị, việc thỏa sức thể hiện sự khéo léo của đôi tay trên vải vóc, kim chỉ đã xua tan đi bao mặc cảm, tự ti về đôi chân khiếm khuyết. Dần dà việc tạo ra những bộ trang phục làm đẹp cho đời không chỉ là công việc giúp chị kiếm sống hàng ngày mà nó còn là niềm đam mê không thể thiếu!

Có được một nghề nghiệp ổn định trong tay, chị Phương càng hiểu hơn những chật vật của các bạn khiếm khuyết khi chưa tìm thấy công việc phù hợp. Chính vì lẽ đó mà ước mơ được dạy nghề miễn phí cho các bạn càng thôi thúc trong suy nghĩ người phụ nữ này dù chị vốn cũng chẳng dư dả về kinh tế.

Gắn bó với chị Phương hơn 11 năm qua, anh Lâm- chồng chị càng trân quý tấm lòng rộng mở muốn đùm bọc, sẻ chia với những hoàn cảnh cùng cảnh ngộ của vợ. Ở cái tuổi 60, anh vẫn miệt mài chạy từng chuyến xe ôm bất kể nắng mưa để tích góp chút đồng lời giúp vợ sắm sửa từng loại máy móc. Nhưng để tạo dựng một nơi làm việc ổn định, hỗ trợ được chi phí ăn ở cho học viên những tháng đầu học nghề là điều không hề dễ dàng. Đoạn đường phía trước vẫn còn quá nhiều chông gai với đôi vợ chồng người thợ may đầy tâm huyết. Và anh chị rất cần một tiếp sức để những ước mơ được sống có ích cho đời, giúp đỡ nhiều hơn cho những người đồng cảnh ngộ được một cơ hội vươn lên số phận sẽ sớm trở thành hiện thực.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 

1/ Lê Thị Mỹ Phương, đường Nguyễn Thị Kiểu, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *