Bên bờ hạnh phúc

4 đứa trẻ thơ từ ngày sinh ra cho tới nay đều phải sống trong cảnh bữa đói, bữa no bởi gia cảnh quá khó khăn, thế nhưng chưa ngày nào các cháu thiếu thốn tình thương từ người mẹ nghèo lam lũ. Chồng thường xuyên đi làm thuê xa, một tay chị H Uôi Niê ở lại quê nhà xã Ê- kao, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đak lak vừa chăm sóc các con vừa ngày đêm dệt thổ cẩm kiếm chút đồng lời mặc cho đôi chân khuyết tật cứ đau nhức triền miên…

Từ ngày kết tóc nên duyên cùng anh Y- Thoanh, 2 vợ chồng làm thuê làm mướn khắp nơi vì nhà không có ruộng rẫy trồng trọt. Năm 2005, sau khi chị H Uôi Niê liệt nửa thân người vì cơn tai biến, gánh nặng đổ dồn lên vai anh Y- Thoanh. Muốn kiếm thêm chi phí trang trải trong ngoài, anh phải nhận đi làm thợ hồ hay phụ hồ ở xa nhà. Mười bữa, nửa tháng xa vợ, nhớ con cũng đành cam lòng…

May mắn là 4 đứa con lần lượt sinh ra đều lành lặn khoẻ mạnh, nhưng các cháu ngày một lớn, chi phí ăn học lại tăng cao, làm sao đôi vợ chồng nghèo đủ sức đảm đương….Thương các con hiếu học, càng mong muốn đỡ đần chồng, nhất là không chấp nhận lùi bước trước nghịch cảnh tật nguyền, chị H Uôi Niê quyết định tìm học nghề dệt thổ cẩm thủ công. Đến nay ngót nghét 12 năm chị đồng hành cùng khung cửi, sợi dệt mang đậm hồn dân tộc Ê- đê này. Mỗi một tấm vải được dệt thành gói ghém bao tâm huyết của người thợ khiếm khuyết tỉ mẫn, chuyên cần…

Ngoài dệt thổ cẩm thủ công như công việc của chị H Uôi Niê, để làm ra một tấm vải đầy màu sắc, hoa văn đa dạng thì vẫn có thể sử dụng máy dệt hiện đại nhanh hơn gấp nhiều lần. Bù lại, người thợ trông coi máy móc cần dùng sức cả tay lần chân để kéo máy khởi động – thao tác đơn giản là vậy nhưng lại là trở ngại lớn với người phụ nữ mang đôi chân rút cơ và 1 tay yếu ớt như chị H Uôi Niê.

Hiểu rõ sức mình, chị quyết định gắn bó với cách dệt thủ công, thời gian rảnh thì đến xưởng học cắt may, tạo hình sản phẩm như quần áo, túi xách, đồ lưu niệm từ chính nguyên liệu vải vóc mình làm ra. Tính toán là vậy nhưng làm sao ước mơ có thể trở thành hiện thực khi máy may chưa thể sắm sửa, nợ nần từ lúc sửa nhà rồi chăn nuôi thua lỗ hơn 16 triệu vẫn còn đó… Âu lo càng chồng chất thêm…

Để hoàn thành 1 tấm vải thổ cẩm bằng phương pháp thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn, chính vì vậy cần có sự phối hợp của nhiều người thợ lành nghề mới rút ngắn được thời gian. Đầu tiên là việc so sợi, sau khi chọn chất liệu vải bông hay vải sợi công nghiệp vừa ý, người thợ sẽ sắp sợi sao cho mỗi nhóm màu đủ số lượng chỉ quy định. Đặc trưng của vải thổ cẩm là màu sắc được làm ra bằng lá cây, thân gỗ thiên nhiên. Màu bền và lâu phai nhất chính là đen, thế nên tỉ lệ sử dụng màu đen trên vải thổ cẩm nhiều hơn các màu khác.

Sau khi sắp xếp sợi hoàn tất sẽ đến khâu dệt vải, tạo hình hoa văn của chị H Uôi Niê. Vải dệt tay lúc nào cũng dày và chắc hơn dệt máy bởi lẽ từ bước tra khung, người thợ đã chú trọng việc căng giữ khoảng cách các sợi dọc ngang bằng việc dùng thân người kéo căng khung suốt quá trình dệt. Tuy tay chân thương tê nhức nhưng chị phải giữ tư thế dệt này đến 3 hoặc 4 ngày mới có thể hoàn tất một tấm vải tuỳ độ khó của hoa văn.

Lúc bắt tay vào dệt, chị đã định hình trong đầu sẵn mẫu mã mới phân chia luồng vải trên dưới cho đúng, không dư, không thiếu và dùng thanh ngang dập khuôn thật chắc tay từng hàng một. Khó ở chỗ, sai một bước phải tháo bỏ cả đoạn, làm lại từ đầu. Chính vì thế mà đến nay ít ai có đủ tay nghề kèm lòng kiên nhẫn để gắn bó với việc dệt vải thủ công như người thợ khuyết tật này. Từ vải có kích thước to đến khổ nhỏ nhắn, hoa văn hay hình động vật, cái cồng cái chiêng… tất cả đều không làm khó được người thợ giàu kinh nghiệm.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Y Côn Bkrông, Buôn Kla, xã Drây Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

2/ Chương trình “Trái tim nhân ái”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *