Bên bờ hạnh phúc

Nằm ở vùng cao nguyên của dãy đất hình chữ S, tỉnh Đắk Lắk không chỉ nổi tiếng với cảnh quang hùng vĩ, bạt ngàn rừng hồ tiêu, cà phê mà còn là địa phương tự hào về giáo dục hướng nghiệp. Và nơi mà Thần tài gõ cửa dừng chân đầu tiên ở chuỗi hành trình cao nguyên này chính là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đăk Lăk

Tiền thân của trung tâm là Trường khuyết tật Hy Vọng, được thành lập năm 1999. Nhân lực ban đầu chỉ vỏn vẹn có 15 cán bộ, giáo viên, nhận nuôi dạy văn hóa cho 48 em học sinh khiếm thính ở độ tuổi tiểu học. Nhưng với sự tận tâm cả tập thể giáo viên nhân viên, cộng thêm sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm, năm 2002, trường được xây mới phòng ốc, có điều kiện nhận thêm nhiều em học sinh khiếm khuyết ở nhiều vùng miền khác của đất nước đến học tập và nội trú.

Không chỉ dạy chữ và ngôn ngữ ký hiệu ở bậc tiểu học, mà từ ngày nâng cấp thành trung tâm vào năm 2007, các thầy cô còn đẩy mạnh thành lập một số lớp hướng nghiệp như hội họa, làm hoa voan, làm tranh xoắn giấy, nghề mộc…. để các em có nghề nghiệp, tự tin làm việc, tái hòa nhập cộng đồng. Tại ngôi nhà thứ 2 này, những hoàn cảnh không may chịu cảnh khiếm khuyết đã có điều kiện vui chơi, hòa nhập với các bạn đồng trang lứa, nhận thêm tình yêu thương, ân cần của các thầy cô… dần dà nỗi mặc cảm tự ti, tính nhút nhát cũng vơi đi đôi chút.

Không những theo dõi dạy dỗ học sinh trong những ngày học tại trung tâm, mà sau khi các em ra trường, những thầy cô nơi đây cũng chú trọng tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp, giới thiệu cho các em việc làm hoặc học nâng cao ở những ở cơ sở khác trong và ngoài tỉnh.

Mỗi lớp hướng nghiệp mở ra đều dựa trên khả năng và lứa tuổi của từng đợt học sinh để làm sao các em có thể tiếp thu kiến thức được nhanh và hiệu quả. Chính vì thế mà sau từng khóa dạy, trung tâm lại linh động thay đổi môn học hướng nghiệp.

Cũng chính nhờ xem trọng việc dạy và học mang tính thực tiễn, các thầy cô ở trường nhận ra đào tạo kỹ năng sống cho các em là điều cần thiết, bên cạnh việc dạy chữ dạy nghề. Vì chỉ khi thuần thục được những điều đơn giản như nấu nướng, bày trí món ăn, cách buôn bán…. thì sau này các em khiếm khuyết mới đủ tự tin rời bỏ sự bảo bọc của gia đình, thầy cô, mà tìm kiếm cho mình một nghề nghiệp nuôi sống bản thân. Thế nhưng vì không có sẵn nguồn vốn, bao nhiêu ấp ủ về những lớp kỹ năng sống như vậy cũng đành bỏ ngõ…

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Thùy Dương

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *