Bên bờ hạnh phúc

Sinh ra với cơ thể lành lặn nhưng ngày một lớn, đôi chân anh Tuấn lại bị rút cơ, khó đi lại bình thường. Chính vì thế, trong việc làm các vật dụng thờ phượng của quê hương Chợ Mới, An Giang và cũng là nghề truyền thống của gia đình anh, anh Tuấn đã không chọn theo đuổi loại hình vẽ tranh thờ có kích thước lớn mà thay vào đó, anh Tuấn chú trọng việc tạo ra bộ lư, bộ kỷ, chân đèn… những vật dụng nhỏ nhắn nhưng đều là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt từ ngàn đời nay.

Lập tổ ấm với vợ rồi có 2 cô con gái, anh Tuấn càng miệt mài làm lụng với cắt kiếng và pha màu bởi với anh, nghề làm vật dụng thờ cúng này không chỉ là đam mê mà còn trở thành nguồn sống giúp anh gồng gánh gia đình. Thế nhưng chặng đường mưu sinh nào có bằng phẳng, hơn 40 tuổi, anh Tuấn lần lượt phát hiện bản thân đeo mang hết chứng phổi ứ nước, suy tim độ 2, thiếu máu cơ tim rồi đến suy thận giai đoạn 2. Lắm lúc ngẫm lại phận mình lận đận vì cảnh khiếm khuyết, người thợ nghèo chỉ còn biết lau đi giọt mồ hôi để mà vùi mình vào việc cắt mài, đo, dán… bởi công việc này với anh là tất cả nguồn sống và ý nghĩa.

Hơn 20 năm cùng  nhau đi qua bao nhọc nhằn, gian khó, chị Thủy – vợ anh Tuấn càng dặn lòng dùng đôi chân mình thay chồng trụ vững giữa đường đời nhiều chông gai. Nhất là khi chị nhận ra cơ thể chồng ngày càng yếu ớt, không thể dùng sức ghì giữ những khuôn lụa của nghề tranh.

Không chỉ phụ giúp chồng những khâu nặng nhọc trong việc làm đồ thờ cúng mà chị Thủy còn tranh thủ bán đồ ăn sáng cho bà con quanh xóm kiếm thêm chút chi phí. Gắn sức bươn chải, hai vợ chồng chỉ mong sao có thể lo lắng cho 2 đứa con gái đồng cảnh tật nguyền ở chân vì di truyền từ cha. Nhưng với thu nhập ít ỏi, vợ chồng anh làm sao đủ sức trang trải chi phí học hành của cả 2 con. Thương cha mẹ vất vả, con gái lớn Phượng Linh đành chấp nhận ngừng việc học khi vừa xong lớp 12 để đi học nghề làm móng, trang điểm những mong sớm phụ giúp gia đình lo lắng cho em gái Ngọc Linh tiếp tục ăn học đến nơi đến chốn.

Để bám trụ được với nghề làm đồ dùng thờ cúng này, điều cần nhất với người thợ là sự tỉ mẫn, chi tiết trong từng khâu một. Mỗi mảnh kiếng vụn thô sơ đủ kích cỡ sau khi thu mua về, được tính toán, đo đạc kỹ lưỡng để làm sao có thể tận dụng hết nguyên liệu. Đồ nghề chỉ gói gọn có cây dao cắt kiếng, vài ống bắn keo, khăn lau và sơn màu, giấy decal… vậy mà thành phẩm làm ra lại rất đa dạng mẫu mã, từ bộ lư, bộ kỷ, đến chân đèn…

Sáng tạo nhất, có lẽ phải nhắc đến bàn thờ thần tài, thổ địa do anh Tuấn tự tìm tòi tạo hình. Như một người thợ cẩn trọng xây những ngôi nhà thu nhỏ, anh Tuấn biến không gian thờ cúng quen thuộc của bà con trở nên lung linh hơn nhờ bờ tường, 2 vách bên hông và mái nhà được chạm khắc, tạo khía bắt mắt, lấp lánh. Khâu tạo hình mất từ 2 đến 3 tiếng, và thời gian đợi khô keo dán cũng không phải là ngắn. Kỳ công là vậy nhưng mỗi thành phẩm làm ra chỉ bán được từ 60 đến 80 ngàn 1 bộ. Với chừng ấy thu nhập thì giấc mơ mở vựa thu mua kiếng vụn và bỏ mối sản phẩm thờ cúng của anh biết bao giờ mới trở thành sự thật?

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Anh Nguyễn Thanh Tuấn, ấp Long Thạnh 1, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *