Bên bờ hạnh phúc

Sinh ra trong gia đình nghèo lại sớm mồ côi cha, chỉ còn mẹ tảo tần nuôi lớn 3 anh em, nên từ nhỏ anh Cao đã sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Bất hạnh lại đổ xuống cuộc đời khi năm 12 tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã cướp mất của anh đôi chân lành lặn. Chuyện học hành từ đó cũng dở dang.

Khi bạn bè trang lứa bắt đầu mơ ước cho tương lai thì người thanh niên tật nguyền lại lênh đênh với chiếc xuồng và tay lưới, chỉ mong sao lo được ít mớ rau mớ cá cho mẹ già. Cảnh nhà 2 mẹ con đã thiếu thốn chật vật quanh năm, vậy mà anh Cao lại cưu mang thêm một thành viên nữa từ năm 19 tuổi, là đứa cháu gái – con người chị ruột, bị tâm thần, dang dở mà sinh con. Thay chị làm tròn trách nhiệm đấng sinh thành, khó khăn đâu chỉ là chuyện mưu sinh sóng nước mỗi ngày, điều khiến anh Cao trăn trở nhất là làm sao có nghề nghiệp ổn định để mai này nuôi cháu gái lớn khôn.

Vậy là vào năm 20, anh Cao quyết định lên bờ, học thí công nghề sửa điện cơ từ một người bà con. Dù chỉ được dạy một số loại máy móc cơ bản nhưng mỗi loại anh đều quyết tâm học, từ hỏng hóc đơn giản bên ngoài đến cách sửa chữa phức tạp bên trong. Sau 4 năm vừa học vừa làm, dẫu không dành dụm đủ tiền mở tiệm, phải đi sửa dạo với vài món đồ nghề cũ được ông chủ thương tình cho lại, nhưng người thợ này vẫn bền chí đeo đuổi vì anh tin vốn liếng lớn nhất của mình chính là dám theo đuổi ước mơ mình đã chọn.

Để rồi từ lúc ra nghề, vừa làm anh vừa phải tự mài mò học thêm, đến nay đã sửa được hầu hết các loại thiết bị điện cơ. Và bằng sự nhạy bén, chịu khó của mình, anh còn học lỏm được nghề sửa điện tử, tivi, đầu đĩa từ những người thợ khác. Không chỉ vậy, vượt qua khiếm khuyết của đôi chân, anh Cao cố gắng tập chạy xe đạp để đi sửa dạo ở cả những nơi vùng sâu vùng xa. Thu nhập nhờ đó cũng tăng lên một chút, nhưng bài toán áo cơm đầy thử thách của cả nhà 3 miệng ăn vẫn chưa thôi đè nặng trên vai người trụ cột.

Thương con khiếm khuyết nhưng lại là người hy sinh nhiều nhất cho gia đình, bà Kiều – mẹ anh Cao – xót lòng khi thấy con nhọc nhằn lo cho mẹ cho cháu mà chưa một ngày nghĩ tới bản thân mình. Rồi bà lại càng xót xa hơn vì ở tuổi xế chiều không thể giúp gì ngoài việc chăm lo cơm nước, vun vén trong ngoài để con trai yên tâm làm lụng. Còn đứa cháu gái vẫn đang tuổi ăn học chưa thể đỡ đần cho cậu nhẹ bớt gánh trên vai.

Một mình bươn chải bao năm qua, nhưng hiểu rằng mẹ già và cháu thơ chỉ có mình là nơi tựa nương duy nhất, nên người đàn ông dẫu với đôi chân không lành lặn vẫn cố đứng vững trước gian nan, từng ngày từng giờ…

Cũng sớm thiếu thốn tình thương từ ngày thơ ấu, càng thấm thía nỗi thiệt thòi của một đứa trẻ mồ côi, nên anh Cao cố gắng bù đắp cho cháu gái cuộc sống đủ đầy hơn. Không nề hà đôi chân yếu sức, mỗi ngày người thợ nghèo vẫn lặn lội đạp xe hàng chục cây số đi sửa dạo, hay đến tận nhà làm theo yêu cầu của khách. Thế nhưng, vài món đồ nghề cũ kĩ người ta cho nhiều năm trước giờ đây cũng đã hư hao gần hết, khiến công việc của anh ngày một khó khăn hơn.

Thềm phần không có vốn sắm sửa linh kiện để đáp ứng nhu cầu sửa chữa nhanh chóng của khách hàng, nên dẫu đã cố chắt chiu từng người khách một, thu nhập mỗi ngày vẫn không cách nào đủ trang trải trong nhà.

Còn chật vật kiếm sống từng ngày thì làm sao anh Cao có khả năng học thành thạo nghề sửa điện tử như dự tính. Mơ ước mở cửa tiệm có chỗ làm ổn định, nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển để nhận thêm nhiều lượt khách, lại càng cháy bỏng khôn nguôi trong lòng người thợ nghèo.

Gian nan là vậy nhưng bao năm qua, chính tình yêu thương giữa những người thân trong gia đình, từ những điều lớn lao hay dẫu chỉ là sự quan tâm thầm lặng cũng đều là nguồn động lực quý giá  giúp anh Cao vững lòng, vững bước. Và anh vẫn luôn tin rằng, chỉ cần cố gắng làm lụng bằng chính sức mình, cả gia đình vẫn luôn đồng lòng bên nhau trước mọi khó khăn, thì một cuộc sống tươi sáng hơn vẫn đang đón đợi gia đình mình ở ngày mai. hơi dài cả bài, nên tâm sự này nhân vật qua phỏng vấn nói luôn đc không?

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Văn Cao, xã Bình  Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. 

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *