Bên bờ hạnh phúc

Với những người lao động nghèo quanh năm vất vả với nắng mưa thì cuộc mưu sinh vẫn chưa một ngày nhẹ gánh. Vất vả bên từng luống rau đang vào mùa thu hoạch, hay nhọc nhằn cày thuê trên những cánh đồng vào vụ để đổi lấy chén cơm, 6 hộ gia đình ở 3 xã Tân Long Hội – huyện Mang Thít, Tân Bình – huyện Bình Tân và Tân Hạnh – huyện Long Hồ hôm nay chỉ mong sao từ đôi tay chuyên cần cùng sự bền lòng trước gian nan có thể giúp họ vượt qua thử thách.

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 232: Xã Tân Long Hội – huyện Mang Thít, xã Tân Bình – huyện Bình Tân và xã Tân Hạnh – huyện Long Hồ

Bà Lê Thị Minh, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít

Từ ngày mẹ bị tai biến, cuộc mưu sinh của chị Nhiều – con gái bà Minh, nhiều năm nay vẫn nặng gánh âu lo khi số nợ hơn 40 triệu đồng vay mượn chữa bệnh cho mẹ cùng chi phí học hành của đứa cháu thơ ở những năm cuối Đại học vẫn luôn là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng chị.

Bà Võ Thị Mỹ, xã Tân Bình, huyện Bình Tân 

5 năm kể từ ngày chồng qua đời là chừng ấy thời gian bà Mỹ phải thân cò gồng gánh gia đình, bởi anh Minh – người con trai út của bà sau nhiều năm vất vả mưu sinh, sức khỏe ngày càng suy giảm.

Hơn nửa đời người nếm đủ vị cay nồng của giọt mồ hôi lao nhọc, ở tuổi gần 60, đôi tay người mẹ nghèo vẫn còn nhọc nhằn câu chuyện áo cơm. Không thể cho các con một cuộc sống đủ đầy, lòng bà Mỹ càng thêm xa xót khi nhiều năm nay ước mơ sửa sang mái nhà xiêu dột vẫn chưa thành hiện thực.

Bà Trần Thị Tư, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ 

Cùng nỗi niềm về bệnh tình, nhà cửa rách nát còn là trăn trở của gia đình bà Tư ở ấp Tân Bình, xã Tân Hạnh. Bà Tư tuổi đã gần 80, lại mang trong mình nhiều căn bệnh tuổi xế chiều, nên trách nhiệm trụ cột của gia đình giờ đây phụ thuộc vào công việc may gia công của chị Hương – người con gái duy nhất của bà.

Không để cái nghèo là nguyên nhân khiến cả nhà rơi vào túng quẫn, nên dù đang mang căn bệnh u mạch máu gan quái ác, thế nhưng chị Hương vẫn ngày ngày bền lòng nuôi dưỡng ước mơ có thể sửa lại ngôi nhà cho lành lặn, để mẹ an nhàn hơn trong những ngày sắp tới.

Ông Đỗ Văn Kỉnh, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ

Sức khỏe sa sút sau đợt phẫu thuật khối u đại tràng hơn 4 năm nay nên ông Kỉnh cảm thấy xót xa khi nhìn vợ con trải qua những tháng ngày cơ cực mà bản thân không san sẻ được gì, cùng đó là căn bệnh tiểu đường của bà Nga – vợ ông – cứ đêm ngày hành hạ khiến người mẹ cũng không thể đảm đương những việc nặng nhọc để đỡ đần con gái.

Quần quật với gánh mưu sinh vất vả, nhưng làm sao chị Diệp có thể xây cất cho gia đình một mái ấm vững vàng, khi số nợ hơn 30 triệu đồng vay mượn chữa bệnh cho các thành viên luôn là nỗi trăn trở khôn nguôi đối với cả gia đình bấy lâu nay.

Chị Lê Thị Thủy, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ

Cố nén bao tủi buồn vào lòng kể từ ngày chồng dứt áo ra đi, hơn 10 năm nay bên đôi chân teo tóp tật nguyền, chị Thủy dặn lòng phải mạnh mẽ hơn nữa để đảm đương vai trò trụ cột với công việc kết vòng hoa quan xóm để kiếm tiền lo cho đứa con trai Lê Thanh Tâm được tiếp tục ăn học.

Dẫu cuộc sống còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tình thương con, tình thương gia đình làm động lực, chị Thủy tin rằng 2 mẹ con sẽ vững lòng vượt qua chặng đường sóng gió bên một tổ ấm lành lặn, chắc chắn không còn cảnh gió mưa xiêu dột.

Anh Hà Phúc Ninh, xã Tân Bình, huyện Bình Tân

Hoàn cảnh cuối cùng mà CXNA tìm đến là một gia đình với 5 miệng ăn giờ đây chỉ còn mỗi người vợ là trụ cột với thu nhập bấp bênh từ công việc bán rau cải bấp bênh để chăm lo cho chồng bệnh tật, cùng chi phí học hành của 3 con thơ vẫn còn oằn nặng bên tiếng rao hằng ngày.

Giữa khó nghèo, bệnh tật, nhìn các con lớn lên trong cảnh nhà dột cột xiêu, nên khát khao về 1 nơi an cư vững chắc cứ vì thế lại đêm ngày day dứt trong lòng những người làm cha làm mẹ.

Minh Cảnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *