Thương làm sao khi giữa gian nan nghèo khó, những giọt mồ hôi vẫn lặng thầm rơi xuống, những đôi bàn tay chai sần vẫn miệt mài làm lụng vì vun đắp cho yêu thương, cho mái ấm gia đình. Để rồi, khi bệnh tật nợ nần bất ngờ ập đến, gánh áo cơm càng nặng oằn hơn trên đôi vai của những người lao động nghèo lam lũ….
Gia đình ông Lê Phát Trường, ấp An Hiệp
Cả đời người lam lũ mưu sinh để nuôi dạy các con nên người, ở tuổi 80 sức khỏe sa sút, cuộc sống của ông Trường, bà Lẹ đành trông nhờ vào sự giúp đỡ của vợ chồng người con trai út – anh Lê Phát Tấn trong cảnh nhà khốn khó.
Vụ tai nạn giao thông từ 2 năm nay với vùng đầu bị chấn thương nghiêm trọng đã khiến chị Luận – vợ anh Tấn – không thể gánh vác được những công việc nặng nhọc như trước, càng khiến gia đình rơi vào thắt ngặt. Không đành lòng nhìn cảnh nhà thiếu hụt, tranh thủ những lúc khỏe chị vẫn cố gắng làm những thuê những việc vừa sức với hy vọng san sẻ cùng chồng gánh nặng áo cơm.
Thương cha mẹ tuổi già sức yếu, thương vợ bệnh tật vẫn miệt mài lao động và lo lắng con thơ đang trong tuổi ăn tuổi học, anh Tấn lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn trên chặng đường mưu sinh phía trước. Thế nhưng, thu nhập từ công việc làm hồ vốn bấp bênh nên số tiền mà anh kiếm được không đủ lo bao khoản trong ngoài, cùng đó là nỗi trăn trở về mái nhà dột xiêu, rách nát từ nhiều năm nay không còn lành lặn để chở che 5 thành viên trong những ngày mưa bão.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Thành, ấp Long Tân
Cùng tình yêu thương dành cho gia đình, cùng nỗi lo về bệnh tật của các thành viên còn là câu chuyện về gia đình anh Nguyễn Tấn Thành, ngụ ấp Long Tân. Nén vào lòng từng cơn đau quặn thắt sau đợt phẫu thuật ung thư dạ dày, sức khỏe không cho phép chị Vân – vợ anh Thành – gắng sức lao lực nhiều. Vậy mà, vì chén cơm manh áo chị vẫn ngày đem miệt mài bên gánh ve chai khắp xóm để kiếm chút tiền phụ chồng trang trải gia đình.
Thương vợ bệnh tật vẫn vất vả làm lụng, anh Thành tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm chỗ dựa vững chắc cho vợ và con. Dù sức khỏe đau yếu thường xuyên nhưng hết phụ hồ, anh chuyển sang xịt thuốc mướn, đào đất thuê, cố chắt chiu từng đồng kiếm được để lo thuốc thang cho vợ, cùng trang trải số nợ hơn 6 triệu đồng chăn nuôi thất bại khi xưa.
Bao nỗi lo toan khi mái nhà nhỏ hơn 15 năm dột xiêu giờ chỉ còn mỗi anh là trụ cột duy nhất, lòng người đàn ông nghèo càng không thôi trăn trở khi nghĩ về tương lai sắp tới.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ấp Long Tân
Tìm đến phòng hồi sức cấp cứu Khoa Sơ sinh của bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – nơi cháu Phạm Thành Nam, đứa con trai út của vợ chồng anh Phương, chị Tuyền đang điều trị chứng bướu cổ quai nón bẩm sinh đã khiến những người thực hiện chương trình không khỏi xót xa.
Nhìn bệnh tật dày vò sự sống của con trẻ từng ngày, lòng người làm cha làm mẹ như anh chị không khỏi âu lo khi không biết tìm đâu ra tiền để giúp con chạy chữa đến nơi đến chốn.
Cảnh nhà vốn khó khăn nay lại rơi vào bế tắc khi chỗ tá túc duy nhất của gia đình là mái lá xập xệ hơn 10 năm nay đã bất ngờ đổ sụp trong cơn giông lớn vừa qua. Giữa lúc thắt ngặt khi gánh áo cơm, chuyện học hành của 2 con lớn cùng chi phí bệnh tình của con út và vợ ngày thêm nặng gánh thì anh Phương tự nhủ càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tranh thủ thời gian đi làm hồ cho các công trình, người cha nghèo luôn cố gắng không đầu hàng nghịch cảnh, vững vàng để chèo chống con thuyền gia đình bình yên vượt sóng gió ở ngày mai.
Gia đình anh Nguyễn Văn Long, ấp An Phú B
Trăn trở với bài toán áo cơm của gia đình anh Phương chị Tuyền, chúng tôi tìm đến ấp An Phú B, gặp gỡ gia đình anh Nguyễn Văn Long với chặng đường khởi nghiệp gian nan. Trước đây, vì cuộc sống ra riêng không vốn liếng, anh Long dắt díu vợ con lên tận TP.HCM để làm thuê làm mướn với mong ước có thể vượt qua cảnh nhà nghèo khó. Thế nhưng, công việc làm thuê ở xứ người vốn bấp bênh, tiền công làm ra không trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên anh chị quay về quê, sống nhờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của bà con lối xóm.
Cuộc mưu sinh chật vật của cả gia đình anh Long, chị Thay đến nay vẫn chưa một ngày nhẹ gánh từ khi đứa con gái đầu lòng Thủy Tiên phát bệnh tắt nghẽn mạch máu não và động kinh, không thể kiểm soát được hành vi của mình.
Thương con bị bệnh tật hành hạ, anh chị cố gắng vay mượn khắp nơi để chạy chữa, bao nhiêu tiền làm ra cũng tiêu tan theo chuyển biến ngày càng xấu từ căn bệnh của con.
Là người chồng, người cha trụ cột, anh Long dặn lòng phải cần cù, chăm chỉ để cuộc sống gia đình bớt chật vật ở tương lai. Hết làm thuê ở xưởng ghế salon, bán trái cây dạo cho đến phụ hồ, bốc vác hoặc làm rẫy làm vườn… việc gì anh cũng chẳng từ nan miễn sao kiếm ra tiền để chăm lo cho tổ ấm nhỏ. Tuy nhiên, bao nỗ lực bấy lâu nay của anh Long vẫn chưa thể giúp cho mái nhà cất đã 8 năm qua bớt dột xiêu, rách nát, vì thế khi nghĩ về chặng đường tương lai lòng các thành viên lại càng trĩu nặng âu lo.
Gia đình chị Trần Hồng Tươi, ấp Bà Lang
Ra riêng với hai bàn tay trắng giống như anh Long chị Thay, vợ chồng anh Dũng, chị Tươi ở ấp Bà Lang cũng hiểu rằng mình phải cố gắng thật nhiều mới có thể lo cho 2 con được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, sau đợt phẫu thuật căn bệnh thoát vị bẹn, sức khỏe dần sa sút nên anh Dũng đã không thể đảm đương trách nhiệm trụ cột gia đình.
Từ ngày chồng phát bệnh, lòng chị Tươi lại trĩu nặng khi vài ba chục ngàn tiền lời kiếm được từ công việc bán cá ở chợ, không đủ trang trải thuốc thang cho chồng, chuyện ăn học của con cùng số nợ 20 triệu đồng vay mượn trồng trọt khi xưa gặp thất bát. Mái nhà vì thế sau 10 năm dột nát, tạm bợ cũng đang chực chờ ngã nghiêng trước bài toán áo cơm khốn khó.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phong, ấp Long Tân
Cùng nỗi lo về cảnh nhà nghèo khó như gia đình chị Tươi, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Phong, ngụ ấp Long Tân đã từng mạnh dạn vay vốn chăn nuôi vịt và ba ba, những mong từ sự cần cù, chịu thương chịu khó rồi đây gia đình sẽ sớm vượt qua chật vật. Thế nhưng, sau 3 lần chăn nuôi liên tiếp gặp thất bại vì dịch bệnh và giá cả bấp bênh, bao vốn liếng vay mượn đã biến thành số nợ chất chồng.
Mong muốn cùng chồng lo lắng cho đứa con trai nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, cùng xoay sở bớt một phần nợ chăn nuôi đang ghì nặng lên gánh áo cơm, nên ngoài giờ làm ở công ty may, chị Cẩm tranh thủ tìm thêm những việc vặt quanh xóm, mặc cho cơn đau từ chứng bệnh tim vẫn đêm ngày hành hạ.
Giữa bao khó nhọc đời nghèo, có lẽ niềm ước ao lớn nhất đối với anh chị lúc này là một mái gia đình lành lặn, không còn cảnh mưa tạt gió lùa, là động lực để anh chị tiếp tục cố gắng nhiều hơn trên chặng đường vượt qua sóng gió.
Minh Cảnh