Bên bờ hạnh phúc

Mỗi một gia đình mà chương trình Chuyến Xe Nhân Ái tìm đến đều có một hoàn cảnh, một câu chuyện đời khác nhau. Thế nhưng, tất cả các gia đình này cùng có chung nỗi lo về cuộc sống chật vật khó nghèo và ước mong về một mái nhà che mưa, che nắng.

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 195: Xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân

1. Gia đình anh Nguyễn Thanh Đạt, ấp Mỹ Tân

Mái lá nhỏ liêu xiêu, rách nát, được che tạm bằng những tấm cao su cũ kỹ bao năm qua vẫn không đủ lành lặn để che chở cho 4 thành viên gia đình anh Nguyễn Thanh Đạt, ngụ ấp Mỹ Tân.

Chị Ly – vợ anh Đạt sức khỏe suy yếu do triệu chứng thiếu máu tim, nên chị chỉ ở nhà chăm sóc con và làm thuê lặt vặt những việc quanh nhà phụ anh.

Một mình bươn chải mưu sinh, gánh áo cơm nặng oằn hơn trên đôi vai anh Đạt. Khi công việc xịt thuốc mướn, đào đất thuê của anh bữa có bữa không, bấp bênh theo mùa vụ, thì không biết đến bao giờ anh chị và các con mới có một nơi ở lành lặn để che nắng, che mưa.

2. Đặng Văn Sang, ấp Mỹ Tú

Căn nhà lá xác xơ, trên nền đất ẩm thấp được xây cất hơn 20 mươi năm, đến nay đã không còn lành lặn để chở che cho hai cha con ông Đặng Văn Sang, ngụ ấp Mỹ Tú. Bước sang tuổi 96, sức khỏe không tốt vì căn bệnh tê, nhức ngày đêm cứ hành hạ, cuộc sống của ông Sang giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào con và cháu.

Không đất canh tác, nên cuộc sống của gia đình nhờ vào công việc làm thuê của chị Tơ – con gái út ông. Thường hay bị đau nửa vùng đầu, nên công việc chị Tơ gặp nhiều khó khăn, bấp bênh bữa có, bữa không. Vì thế ước mơ về một mái ấm lành lặn đối với cha con ông vẫn còn xa lắm.

3. Trần Ngọc Trí, ấp Mỹ Tân

Hôn nhân tan vỡ, một mình lặng lẽ nuôi con, anh Trần Ngọc Trí, ngụ ấp Mỹ Tân không quản những công việc nặng nhọc, để mong kiếm đủ tiền lo cái ăn, cái mặc hàng ngày cho các con.

Không có mẹ bên cạnh, nên 2 đứa con lớn, Trần Ngọc Thiện và Trần Ngọc Hạ sớm phải dỡ dang việc học mà bươn chải mưu sinh, nhường cơ hội đến trường lại cho đứa em út Trần Ngọc Tuyết Nhi.

Bữa cơm đạm bạc của 4 cha con, bao năm qua vẫn hiu quạnh trong không gian chật hẹp được che tạm bằng vách tol cũ kỹ đã không còn đủ lành lặn để che chở cho 4 thành viên mỗi khi mưa to gió lớn.

4. Nguyễn Văn Thọ (1969), ấp Mỹ Trung A

Trí óc không được lanh lợi như bao người khác, chị Thùy Trang – vợ anh Nguyễn Văn Thọ, ngụ ấp Mỹ Trung chỉ phụ chồng làm những việc vặt quanh nhà và chăm sóc hai đứa con thơ.

Mặc dù sức khỏe suy nhược, nhưng ngày ngày anh Thọ vẫn cố gắng, dốc hết sức mình để hái dừa thuê, với hi vọng kiếm chút thu nhập lo cái ăn, cái mặc hàng ngày cho cả gia đình.

Ngôi nhà được dựng lên từ hơn 4 năm, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, nền đất ẩm thấp, mái lá dột ướt, từng cái kèo, cái cột cũng không đủ vững chắc để chở che cho 4 thành viên trong những ngày sắp tới.

5. Trương Văn Thành, ấp Mỹ Tú.

Dù sức khỏe không tốt vì căn bệnh suy thận, thế nhưng, chị Giang – vợ anh Trương Văn Thành ngụ ấp Mỹ Tú vẫn cố gắng miệt mài với công việc làm cỏ thuê quanh nhà để mong kiếm chút thu nhập phụ chồng lo cho các con.

Ba đứa con lần lượt ra đời, bao nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền càng nặng trĩu hơn trên vai anh chị, khi các con đều trong tuổi ăn, tuổi học, nhất là khi đứa con nhỏ của anh chị – bé Hoàng Vĩnh thường xuyên đau bệnh.

Thu nhập từ công việc đào đất thuê, xịt thuốc mướn của anh Đạt bấp bênh, nên chi phí thuốc thang cho vợ vàcác con thêm phần nặng gánh. Số tiền vay mượn 16 triệu đồng để chữa bệnh cho vợ và mua giống trồng rẫy đến nay vẫn chưa trả được.

Ngôi nhà cây lá, vách ván, được che tạm bằng những tấm cao su, được xây cất hơn 5 năm vẫn từng ngày gắng gượng trước bao mùa mưa gió.

6. Lê Quang Tri, ấp Mỹ Thanh B

Cố gắng tìm cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống gia đình bằng công việc chăn nuôi, anh Lê Quang Tri, ngụ ấp Mỹ Thanh B đã mạnh dạn vay mượn vốn để đầu tư nuôi heo, nhưng sau 2 lần chăn nuôi thất bại, nợ nần ngày càng nhiều.

Khó khăn chồng chất bởi hơn 1 năm nay anh Tri phát bệnh gai cột sống, thoái hóa thắt lưng nên những công việc vác đất thuê, xịt thuốc mướn nay đã giảm đi nhiều.
Một mình lặng lẽ gánh vác trách nhiệm cả gia đình, chị Hoa ngày ngày vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng tiền lời từ công việc bán bánh, để mong có chút thu nhập duy trì tốt việc học cho các con và thuốc thang cho chồng. Vì thế, ngôi nhà của gia đình đã xây cất hơn 5 năm, đến nay đã rách nát, liêu xiêu mà gia đình vẫn không khả năng sửa sang dù chỉ một lần.

Minh Cảnh  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *