Bên bờ hạnh phúc

Đi đến những vùng sâu vùng xa thì Chuyến xe nhân ái càng hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của bà con nghèo nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Họ còn gặp nhiều trở ngại khi phải tha phương kiếm sống, không đất đai ruộng vườn, trình độ văn hóa còn thấp nên chỉ có thể làm thuê làm mướn bấp bênh. Họ đang rất cần một công việc làm ăn ổn định để thay đổi cuộc sống và hơn hết là vượt qua những biến cố bệnh tật, tai nạn bất ngờ ập đến với gia đình mình.

Thấu hiểu những điều đó, Chuyến xe nhân ái đã tìm đến 2 tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang –  2 địa phương có nhiều đồng bào dân tộc nhất ở miền Tây – để chia sẻ, giúp đỡ cho 4 hộ gia đình người dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Gia đình anh Danh Thên, ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Hộ gia đình đầu tiên là vợ chồng người dân tộc Khmer – anh Danh Thên và chị Danh Thị Thu ở xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Vợ chồng ra riêng không có cơ sở làm ăn nhưng khó khăn hơn hết là từng đứa con mắc bệnh sốt bại liệt, đứa lớn bị teo 1 tay, đứa nhỏ không được bình thường dù đã tốn nhiều tiền chạy chữa.

Một mình anh Thên bôn ba khắp nơi với công việc thợ xây làm sao có thể lo lắng cho cả gia đình khi mà vợ anh phải túc trực ở nhà chăm sóc cho người con trai út.

Gia đình Nguyễn Thị Bé Tư, ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Hộ gia đình thứ 2 là chị Nguyễn Thị Bé Tư, ngụ ấp Tràm Chẹt. Cách đây 14 năm, chị Tư nên duyên với chồng là 1 thanh niên người dân tộc Khmer siêng năng, chịu khó. Hai vợ chồng cùng làm lụng xây đắp gia đình nhưng biến cố ập tới khi chồng chị bị điện giật rồi qua đời.

Chồng mất khi 2 con còn quá nhỏ, đứa lớn mới học lớp 6, thằng nhỏ mới lớp mẫu giáo. Vì vậy, vừa làm cha, vừa làm mẹ, chị phải cố gắng gấp bội phần để 2 con không bị gián đoạn việc học. Tuy nhiên, nghề may vá ở vùng nông thôn sâu như chị thì việc kiếm đủ tiền lo cho cuộc sống của 3 mẹ con không phải là điều dễ dàng.

Gia đình anh Sơn Ngọc Hải, ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Ngụ ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, gia đình anh Sơn Ngọc Hải và chị Thạch Thị Tha là hộ dân tộc Khmer có hoàn cảnh đặc biệt nhất của xã, khi nhà có 5 người nhưng hết 3 người không còn sức lao động. Cha vợ anh Hải năm nay là gần 80, mắt không thấy đường, còn người em vợ thì bị có tật, bản thân anh thì cũng không nhìn thấy gì vì lúc anh theo máy suốt lúa bị lúa văng vào mắt, bị nhiễm trùng rồi dẫn đến tình trạng như hiện tại.

Gia đình anh Cái Văn Thuận, ấp Trường Phú, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Bị té trong lúc cưa cây mướn cách đây 5 năm, anh Cái Văn Thuận ở ấp Trường Phú, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.   liệt cả 2 chân nhưng không vì vậy mà anh lùi bước trước nghịch cảnh.

Con còn nhỏ dại, anh Thuận tìm đến nghề bán vé số phù hợp sức khỏe với mong muốn có thể nuôi cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *