Dự kiến hơn 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng trung bình khoảng 30% và được áp dụng cho bệnh nhân chưa có BHYT từ đầu năm 2017

 

Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo thông tư điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

 

Khám chữa bệnh  tại một bệnh viện ở Hà Nội

 

Nặng gánh người không có BHYT

Dự thảo quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT được xây dựng theo hướng kết cấu thêm các chi phí như đã kết cấu vào giá dịch vụ cho người có thẻ BHYT. Theo đó, việc điều chỉnh giá đối với hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ thực hiện theo 2 lộ trình. Cụ thể, từ ngày 1-1-2017: tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù; từ ngày 1-7-2017: cộng tiếp các chi phí tiền lương nhân viên y tế.

Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho biết danh mục này được bổ sung hàng chục dịch vụ hiện không được BHYT chi trả, như: thẩm mỹ; các kỹ thuật điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; khám sức khỏe… Giá khám bệnh và giá ngày/giường phân theo hạng bệnh viện (BV), trong đó giá khám bệnh tăng 9.000-22.000 đồng/lượt (tùy hạng BV). Với các dịch vụ kỹ thuật khác, các BV sẽ áp dụng chung một giá. Đơn cử, giá hiện hành nội soi dịch vụ có sinh thiết là 410.000 đồng sẽ tăng lên 525.000 đồng (đợt 1) và 621.000 đồng (đợt 2). Nội soi ổ bụng giá hiện hành là 575.000 đồng sẽ tăng lên 684.000 đồng và 793.000 đồng…

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, việc điều chỉnh giá dịch vụ ngoài BHYT này thực hiện theo Nghị định 16/2015 của Chính phủ, trong đó từng bước đưa chi phí trực tiếp và tiền lương vào viện phí nhằm thống nhất giá dịch vụ y tế theo hạng BV. Do vậy, giá dịch vụ ngoài BHYT chỉ khác với giá dịch vụ ngoài BHYT hiện nay là có tính tiền lương, phụ cấp. Mức giá này cũng tương đương với giá dịch vụ do BHYT thanh toán. Trước mắt, viện phí cho người không BHYT vẫn chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo…

Bộ Y tế cho biết bình quân giá các dịch vụ y tế tăng khoảng 30% khi tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Nếu tính thêm tiền lương, mức tăng trung bình là khoảng 20%.

Sẽ còn 3 đợt điều chỉnh

Từ tháng 3-2016 đến nay, viện phí đã điều chỉnh 2 lần đối với nhóm có thẻ BHYT. Trong đó, gần đây nhất (tháng 8), Bộ Y tế điều chỉnh viện phí với 16 tỉnh, thành có tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên 85%, bao gồm viện phí được tính thêm lương nhân viên y tế. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 đợt điều chỉnh giá với các địa phương còn lại.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% dịch vụ y tế hiện hành. Với gần 80% dân số có thẻ BHYT, người bệnh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách BHYT. Tuy nhiên, trong trường hợp viện phí tăng, nếu không tham gia BHYT mà chẳng may đổ bệnh, người bệnh sẽ chịu gánh nặng rất lớn.

Theo ông Liên, với khoảng 20% người dân chưa tham gia BHYT, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ người cận nghèo tham gia. Bên cạnh đó, nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (hiện hỗ trợ tối thiểu 30%).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo; chỉ đạo các BV sử dụng một phần chênh lệch thu chi để lập Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh nhằm giúp các trường hợp khó khăn trong chi trả viện phí…

Ba mức viện phí trong 1 bệnh viện

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết nhiều cơ sở y tế đang thu viện phí theo 3 mức: viện phí cho bệnh nhân BHYT, bệnh nhân không BHYT và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Khi thực hiện được BHYT toàn dân, giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ – bao gồm cả chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao – thì chỉ còn một giá khám chữa bệnh BHYT. Mức giá này sẽ không cao hơn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

 

Nguồn: Ngọc Dung ( NLĐ )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *