Bên bờ hạnh phúc

Lê Bá Mai (SN 1982), người hai lần bị tuyên án tử hình về tội giết người, hiếp dâm trẻ em nay vừa được tòa án tuyên vô tội, đã tâm sự với chúng tôi trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Lê Bá Mai từ tốn trả lời những câu hỏi dồn dập của báo chí với nụ cười rộng mở trên môi. Dường như niềm vui được tự do kể từ 8 giờ 45 phút sáng 24-5 – giờ phút mà TAND tỉnh Bình Phước tuyên Mai vô tội – đến nay vẫn còn nguyên vẹn trong ánh mắt, giọng nói của Mai.

 
Bị tuyên án tử hình vẫn cười
 
Chuyện khó tin nhưng có thật, với riêng Mai – một thanh niên có trình độ học vấn 5/12, sống ở nông thôn, chưa một lần làm gì vi phạm đến pháp luật. Kể về chuyện này, Mai nói: “Hôm xử lưu động (sơ thẩm lần 1), tòa tuyên án tử hình xong, tôi cười. Không phải tôi cứng đầu cứng cổ hay xem thường pháp luật. Chỉ vì tôi không biết tội đó là tử hình và thật sự không biết tử hình là gì. Cứ đơn giản nghĩ, mình không làm thì không có tội, vậy thôi”. 
Bị mời lên công an xã làm việc khi đang làm rẫy, Mai cứ bình thản đi. Đến khi nghe đọc lệnh bắt, Mai cũng không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Được hỏi về cái chết của bé Thị Út, Mai không nhận đã rủ Út đi rồi thực hiện hành vi hiếp dâm, giết người. Nhưng những bản khai sau đó và tại phiên tòa sơ thẩm, Mai khai nhận hành vi phạm tội.
 
 “Vì sao không làm mà lại nhận tội, sau đó lại làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt?’’, chúng tôi hỏi. Mai lắc đầu trả lời: “Bị ép cung, tôi nhận bừa cho xong. Với lại nghe người cùng giam nói, nhận tội thì ở tù 3, 4 năm rồi ra, không nhận chỉ có chết… Đến khi tòa tuyên án tử hình xong, về phòng, bạn tù nói sẽ bị đem xử bắn, tôi sợ quá và vì không hiểu biết nên mới kháng cáo xin giảm nhẹ. Ở Tòa Phúc thẩm, tôi đã kêu oan. Không phải tôi cố tình phản cung hay chối tội mà sự thật tôi không phạm tội’’. Lần xử phúc thẩm vào ngày 4-8-2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác kháng cáo, y án tử hình đối với Mai. Từ lần đó, Mai và gia đình làm đơn kêu oan gửi các cơ quan tiến hành tố tụng, báo chí và cả Văn phòng Chủ tịch nước.  
 
Ròng rã gần 7 năm ngồi tù, trong đó có gần 2 năm bị biệt giam, Mai vẫn sinh hoạt bình thường, sống hòa đồng với bạn tù bởi luôn có niềm tin: “Mình không phạm tội, rồi có ngày sự thật sẽ được phơi bày”. Chỉ duy nhất người giam chung phòng bị thi hành án tử hình, Mai hoang mang, nếu chẳng may nỗi oan không được giải…
 
“Tôi vô tội. Tôi được tự do. Từ hôm qua (24-5) đến nay, trong đầu tôi chỉ có nghĩ và vui mừng về điều đó. Tôi vẫn chưa chuẩn bị gì cho tương lai. Có lẽ tôi tiếp tục làm ở trang trại của bác Tuân – người chủ trang trại đã không bỏ rơi mà luôn theo sát, giúp đỡ tôi và gia đình kiên trì đi tìm ánh sáng công lý. Tôi mang ơn bác Tuân” – Mai nhìn ông Tuân với ánh mắt đầy biết ơn.
 
“Tôi luôn tin Mai vô tội!”
 
Đó là lời khẳng định của ông Dương Bá Tuân (SN 1959, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) – chủ trang trại ở xã An Khương, huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước). Ông Tuân nói: “Tôi là người gần gũi, quản lý Mai trong 3 năm, biết rõ tính tình Mai thật thà, ngoan hiền, siêng năng, chịu khó, không thể làm ra chuyện tàn ác như vậy. Hơn nữa, những chứng cứ, vật chứng thu giữ tại hiện trường cũng như theo lời khai nhân chứng hoàn toàn không phải như vật dụng cá nhân của Mai và trang trại có… Vì vậy, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, dù Mai nhận tội, tôi – với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan – vẫn khẳng định Mai vô tội”.

 



Lê Bá Mai (trái) và ông Dương Bá Tuân, người đã tích cực giúp đỡ Mai kêu oan 

 
 
Với niềm tin nội tâm mãnh liệt đó, sau khi Mai bị tuyên án tử hình, ông Tuân đã bỏ thời gian, công việc đến báo chí nhờ làm rõ oan sai của Mai. Được giới thiệu luật sư Trịnh Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư người nghèo, ông lại lặn lội đến cậy nhờ. “Gia đình Mai ở tận Thanh Hóa, lại rất nghèo, không có tiền đi lại thăm nuôi lấy tiền đâu thuê luật sư? Vì vậy, tôi phải tìm một luật sư thật sự có tâm, giúp Mai bằng hình thức miễn phí” – ông Tuân kể tiếp.
 
Nghe Mai nói, ông Tuân là người gửi tiền cho gia đình Mai đi thăm nuôi, mỗi khi tòa xử lại chở bố mẹ Mai lên tòa, chở luật sư đi tới đi lui lo giấy tờ…, ông Tuân cười hiền lành: “Tôi chỉ nghĩ, nếu mình bỏ nó thì ai sẽ cứu nó bây giờ? Nhiều lúc tôi cũng nản lắm, nhất là khi mình lo hết hơi mà nó lại nhận tội, ra tòa vẫn cười, bị tuyên tử hình cũng cười. Nó cười mà mình đau. Sợ tôi nản chí, bỏ ngang, vợ tôi khuyên: “Dù Mai nhận tội hay không không quan trọng, quan trọng là Mai không liên quan đến vụ án. Nếu bán hết tài sản mà minh oan được cho Mai, em cũng cam lòng”. Sự ủng hộ của vợ tôi là động lực để tôi đi tiếp và cuối cùng cũng gần đến đích…”.
 
Còn chờ 15 ngày nữa để VKSND cùng cấp kháng nghị bản án và 30 ngày nữa VKSND Tối cao kháng nghị. Cũng có nghĩa vụ án vẫn chưa kết thúc. Dẫu vậy, đến giờ phút này, Mai và những người thân của anh có quyền tin và mừng vì công lý đã được thực thi.

 

Diễn biến vụ án

 
Khoảng 8 giờ ngày 12-11-2004, cháu Thị Hằng (SN 1995) và cháu Thị Út (SN 1993) đi mót củ sắn tại bãi đất trống. Đến tối cùng ngày, do không thấy Út về nên gia đình đi tìm. Hằng kể lại với mọi người là có một thanh niên mặc áo xanh, quần đen, đội nón lá, đi xe máy màu xanh, trên xe có chở một bình xịt thuốc rầy màu xanh loại 14 lít đến 16 lít, một thùng đựng đá màu đỏ treo ở tay lái xe máy, đã chở Út đi. Qua mô tả của Hằng, mọi người trong gia đình nghi Lê Bá Mai- người làm công cho ông Dương Bá Tuân. Ngày 16-11-2004, phát hiện xác Út ở vườn mít nhà ông Tuân. Cũng trong ngày hôm đó, Hằng khẳng định Mai là người chở Út đi. Ngày 17-11-2004, Mai bị bắt. 
 
Xử sơ thẩm lần 1 và phúc thẩm, tòa tuyên án tử hình đối với Mai. Mai làm đơn kêu oan. Ngày 12-12-2006, VKSND Tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao theo hướng hủy bản án để điều tra lại, với lý do: “Chưa có căn cứ vững chắc”. Cùng quan điểm Hội đồng Thẩm phán đã tuyên hủy bản án phúc thẩm. Tháng 7-2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2 trả hồ sơ để điều tra bổ sung. VKSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Ngày 18-5, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm lần 3 và ngày 24-5, Mai được tuyên vô tội.
 

Theo Tố Trâm (Người Lao động) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *