Bên bờ hạnh phúc

Với một gia tài âm nhạc đồ sộ, phần lớn những ca khúc của cố nhạc sĩ Anh Bằng luôn thấp thoáng những bóng hồng với chuyện tình sầu, được kể lại qua Người kể chuyện tình đêm 25-1.

Thúy Huyền mở đầu đêm nhạc bằng bài hát Nếu hai đứa mình chất chứa nhiều hoài niệm về một thời yêu đương của nhạc sĩ Anh Bằng.  

Bài hát 'Nếu hai đứa mình' được Thúy Huyền trình bày nhận được điểm cao nhất đêm thi – Ảnh Lý Võ Phú Hưng

 

Trong khung cảnh bến xe khách, Thúy Huyền hóa thân thành cô gái Hà Thành tên Trúc Đào đưa tiễn chàng trai Anh Bằng vào Sài Gòn. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối họ trao nhau nụ hôn, để lại lời hẹn ước rằng ngày tái ngộ sẽ không xa.

Theo bước chân về phương Nam, Anh Bằng đến với Sài Gòn hoa lệ, nơi cuộc đời đã đưa anh trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng từ trong tận trái tim, không bao giờ Anh Bằng quên được hình bóng người con gái năm xưa.

Bài hát Trúc đào được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Ca khúc gợi lên hoài niệm về một mối tình thơ ngây với hình bóng người con gái luôn khiến Anh Bằng day dứt.

Khi hình bóng cũ vẫn còn đó, thì một cuộc tình chưa biết hạnh phúc hay thương đau lại chờ sẵn người nhạc sĩ. Anh Bằng tình cờ gặp và đem tình cảm dành cho cô ca sĩ tên Trang, người có gương mặt giống Trúc Đào năm xưa. 

Cuộc tình mới có thể là cảm hứng cho nhạc sĩ Anh Bằng viết nên những tình khúc lay động lòng người, nhưng cũng mang lại cho ông một món nợ tình mới. 

Thúy Huyền, Phú Quí, Nam Cường, Triệu Long sẽ lần đầu kết hợp để kể lại chân thật cuộc tình đầy nước mắt và tang thương của nhạc sĩ Anh Bằng về người con gái tên Mỹ Dung, bạn rất thân của danh ca Phương Dung.

Thúy Huyền hóa thân thành nữ ca sĩ phòng trà đem lòng yêu thương chàng nhạc sĩ Anh Bằng. Thế nhưng, dù tình yêu có lớn đến thế nào thì cuối cùng cô cũng đành nhận lấy đau khổ một mình. 

Phú Quí, Nam Cường, Triệu Long lần lượt trở thành nhạc sĩ Anh Bằng, nói lên những dằn vặt khi phải rời xa người yêu để giữ trọn hạnh phúc gia đình đang có.

 

"Tôi là bạn thân của ca sĩ Mỹ Dung. Mơ ước lớn nhất trong đời cô ấy là có một đứa con với Anh Bằng. Nhưng chính anh ấy nói với tôi, anh yêu Mỹ Dung rất nhiều, nhưng không thể bỏ vợ con. Chính vì vậy, anh đành cắt đứt chuyện tình đó vì nếu cứ tiếp tục sẽ khiến bốn đứa con và vợ đau khổ. Sau đó hai người chia tay, một thời gian sau Mỹ Dung mất, anh Bằng tự tay làm đám tang cho cô. Có hai bài tôi biết Anh Bằng viết dành cho Mỹ Dung là 'Anh còn yêu em' và 'Anh còn nợ em'. Cho tới khi mất, anh không có thêm mối tình nào".

 

Danh ca Phương Dung

 

Triệu Long với ca khúc Anh còn nợ em kể lại chuyện tình ngang trái và cũng là mối tình cuối cùng trong cuộc đời nhạc sĩ Anh Bằng. Qua giọng hát đầy cảm xúc, người nghe như cảm nhận được nỗi đau mà người nhạc sĩ đã trải qua. 

Anh còn nợ em chính là món nợ mà nhạc sĩ Anh Bằng muốn người đời thấy rằng ông nợ người con gái ấy quá nhiều.

Về sau này, khi tuổi tác đã lớn, thính giác của nhạc sĩ Anh Bằng bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ có thể nghe được 10% âm thanh bên ngoài. Tưởng điều đó sẽ chấm dứt luôn sự nghiệp sáng tác của ông, nhưng trong nhiều thập niên qua, ông vẫn sáng tác, thậm chí còn nhanh hơn ngày xưa. 

Cố nhạc sĩ vẫn hay đùa: "Cả thế giới này không còn nhạc phẩm nào, không còn ca sĩ nào lọt tai tôi nữa, mọi chuyện đều bỏ ngoài tai".  

Anh Bằng sinh năm 1926 tại Thanh Hóa, là nhạc sĩ nổi tiếng với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc, trong đó có nhiều ca khúc đi vào lòng người như Chuyện tình Lan và Điệp, Anh còn nợ em, Chuyện giàn thiên lý, Khúc thụy du, Sầu lẻ bóng, Anh cứ hẹn, Bây giờ còn nhớ hay không...

Ông cũng là một trong những nhạc sĩ được xem là rất mát tay khi phổ thơ vào nhạc. Những bài thơ như Nhà tôi của Yên Thao, Trúc đào của Nguyễn Tất Nhiên, Cần thiết của Nguyên Sa… đi vào âm nhạc của ông chân thật và gần gũi.

Ông qua đời năm 2015 tại Mỹ, sau hơn tám năm điều trị bệnh ung thư gan.

 

 

Nguồn: Hải Trung ( TTO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *