Ngoài sáu mươi, sức khỏe ông Đặng Văn Thôi và bà Nguyễn Thị Xương ở ấp Bờ Xáng, xã thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, tỉnh kiên Giang đau ốm triền miên nhưng vẫn rộng lòng cưu mang 3 đứa trẻ mồ côi, mặc cho cái nghèo cứ đeo đẳng theo ngần ấy thời gian. Cứ vậy rồi Giang, Trân, Nghĩa, 3 đứa trẻ sớm thiếu vắng tình thương của cha mẹ lớn lên trong sự bảo bọc của ông bà ngoại…

Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 346: Bà Nguyễn Thị Xương

Thiếu thốn, chật vật, rồi tuổi thơ các em cũng lấm lem trong những ngày tăm tối cơ cực khi từ sớm các em đã phải bươn chải mưu sinh để đỡ đần ông bà. Ba chị em lớn lên trong nỗi ám ảnh đi vay mượn từng lon gạo của bà con từ ngày này qua tháng nọ, với vài ba con cá, con tép, mớ rau mà mấy anh chị em phải lặn ngụp dưới mương mới có được, rồi người cũng xanh xao, gầy nhom. Nhưng có lẽ từ những tháng ngày cơ cực ấy mà các em thấy mình càng phải yêu thương nhau nhiều hơn, để cùng nhau vượt qua nỗi cơ cực đời nghèo và những trống trải nơi tâm hồn khi trẻ thơ sớm thiếu vắng hơi ấm của gia đình.

Thiếu vắng hơi ấm tình thương, 3 đứa nhỏ tự bươn chải lo cho bữa cơm của chính mình

với vài ba con cá, con tép, mớ rau…

Từ trái qua: Nghĩa, Trân, Giang – 3 đứa cháu mà ông Thôi – bà Xương cưu mang, nuôi nấng

từ khi cha mẹ chúng bỏ rơi từ tấm bé

Có những ước mơ rất đỗi bình thường, nhưng với những đứa trẻ này đó vẫn mãi xã tầm tay với. Mười mấy năm không có cha mẹ bên cạnh, tưởng rằng đó là sự thật mà các em đã quen dần và xem nó như một điều tất yếu của cuộc đời mình, nhưng từ sâu trong những tâm hồn trẻ thơ non nớt, các em vẫn cần một vòng tay để chở che, yêu thương của cha mẹ. Để rồi, mỗi lần nhắc đến cha mẹ như vô tình chạm vào nỗi đau hằn sâu theo năm tháng mà các em đã cố kiềm nén, khiến giọt nước mắt tủi buồn vẫn lăn dài trên đôi má đen đúa khét nắng.

Mái lá xác xơ này đã cưu mang các em từ những ngày tấm bé, nơi mà các em vẫn gọi là tổ ấm. Mười mấy năm dựng cất, từng tấm lá, cái cột mà ông Thôi và bà Xương phải đi xin bà con lối xóm mới cất được nay cũng đã tả tơi, mối mọt. Mỗi mùa mưa, khi không có ông bà ở nhà, ba chị em nằm co ro một góc vì căn nhà có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Chiếc tivi cũ kĩ, vốn là tài sản quý nhất đối với những đứa trẻ nơi vùng quê heo hút này được người ta cho cũng hư hao chập chờn khiến điều kiện sống vô cùng thiếu thốn.

Từ hơn 3 năm nay, trạm xá trở thành chốn lui tới của người ông đã ngoài sáu mươi này. Tuổi đã cao thêm phần căn bệnh viêm phế quản hành hạ mấy năm nay, ông Đặng Văn Thôi càng tiều tụy, ốm yếu, không đủ sức gánh vác trách nhiệm của người trụ cột. Đôi mắt sâu thẳm của ông như chất chứa bao nỗi âu lo, buồn tủi khi nhìn cái nghèo và bệnh tật đang từng ngày làm héo hắt cơ thể này, rồi tương lai của các cháu sẽ ra sao khi cuộc sống cứ lắt lay trong cảnh thiếu hụt. Thế nhưng tấm chân tình và sự sẻ chia an ủi của bà luôn là lời động viên mạnh mẽ khiến ông vượt qua được tất cả.

Ông Thôi thường xuyên phải lên trạm xá khám bệnh và xin thuốc uống bởi sức khỏe ngày càng yếu đi

Cuộc trò chuyện diễn ra trong nước mắt của người phụ nữ mang dáng vẻ cơ cực, chân quê đã giúp chúng tôi hiểu hết được tấm lòng bao dung của một người bà. Bà khóc không chỉ cho phận đời khổ cực của mình mà còn cho nỗi bất hạnh của những đứa cháu lớn lên trong cảnh thiếu thốn ấy. Chính tình yêu thương và tấm lòng bao dung đã giúp bà dang rộng vòng tay để đón các cháu về nuôi nấng. Cuộc sống đều đặn nối tiếp bằng những ngày cơ cực, không làm mướn dặm lúa, nhổ cỏ thì cắt lục bình bán. Thu nhập chỉ được hơn 30 ngàn đồng cho cuộc sống của một gia đình 5 thành viên.

Từng chiếc đũa được dùng trong nhà gia đình cũng đều tự làm để không phải tốn tiền mua. Vốn có nghề đan lát, nhưng ông đã không thể tiếp tục gắn bó với nghề nên việc vót đũa xem như một công việc phù hợp khi sức khỏe ngày một suy yếu. Loay hoay với những chuyện vụn vặt, ông dường như không giấu được nỗi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình bởi cái dáng vẻ suy tư, từng nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ, tiều tụy cứ ngày một nhiều hơn. Mấy con vịt cũng được ông chăm sóc kĩ lưỡng, để phòng hờ khi ngã bệnh còn có tiền thuốc thang. Tiện tặn, chắt chiu, tuổi già biết đến bao giờ mới có được những ngày không còn âu lo, khắc khoải cho tương lai gia đình và tương lai các cháu.

Nỗi âu lo đó cứ mãi đeo đẳng theo năm tháng của người ôn, người bà lúc nào cũng vì cháu. Có thể cuộc sống quá nhiều cơ cực, thiếu thốn nhưng ông bà vẫn cố gắng thoát ra khỏi cảnh nghèo tù túng đó để cho cháu mình một tương lai rộng mở hơn từ con chữ. Đó là tất cả yêu thương, hi vọng của người ông người bà cho những đứa trẻ mai sau sẽ có được một cuộc đời khác hơn, với ấm no và đủ đầy.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Bà Nguyễn Thị Xương, ấp Bờ Xáng, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *