Kể từ khi bức tượng bán thân khắc họa nhan sắc chuẩn mực của Nefertiti được tìm thấy, cuộc đời của nữ hoàng đẹp nhất lịch sử Ai Cập cổ đại trở thành đề tài thu hút giới nghiên cứu.

Sự thật về nhan sắc của nữ hoàng Nefertiti

Bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập cổ đại, trưng bày tại Bảo tàng Neues, Đức

Giữa sa mạc đầy cát nóng và gió lộng ở Ai Cập một ngày năm 1912, nhóm khảo cổ người Đức do Ludwig Borchardt dẫn đầu tiến hành khai quật thành phố bị lãng quên Amarna. Borchardt phát hiện bức tượng bán thân đẹp tuyệt vời bị vùi trong đống đổ nát, có niên đại hơn 3.300 năm, khắc họa gương mặt sắc sảo của người phụ nữ nổi tiếng cả về quyền lực và nhan sắc thời Ai Cập cổ đại, nữ hoàng Nefertiti.

Trải qua hơn một thế kỷ từ khi bức tượng được phát hiện, những mảnh ghép về cuộc đời nữ hoàng tuyệt sắc gắn với thời kỳ cách mạng văn hóa và tôn giáo ở Ai Cập cổ đại, dưới sự cai trị của chồng bà, Pharaoh Akhenaten mới dần dần được hé mở.

Mới đây, tuyên bố về khả năng tìm thấy nơi an nghỉ của Nefertiti lại tạo thêm làn sóng hào hứng quét qua cộng đồng nghiên cứu Ai Cập học toàn cầu. Trong một tuyên bố hồi tháng 7, nhà khảo cổ người Anh, ông Nicholas Reeves cho rằng thi hài của nữ hoàng có thể nằm ở căn phòng đằng sau một lối vào bí mật, được che giấu bên trong lăng mộ Pharaoh Tutankhamun, con trai bà. Lối đi này, theo Reeves, đã bị bịt kín bên dưới lớp tường được quét sơn và trát kín bằng thạch cao.

Lý do Nefertiti được coi là nữ hoàng đẹp nhất Ai Cập

Được phát hiện bởi Howard Carter năm 1922, lăng mộ vua Tutankhamun là khám phá gây chấn động với khoảng 3.000 di chỉ khảo cổ được tìm thấy, trong đó có cả xác ướp nhà vua cùng chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng trên khuôn mặt. Tuy nhiên, Tutankhamun là một vị vua ít được biết đến và chết sớm, trong khi Nefertiti lại là một trong những nữ hoàng nổi tiếng nhất Ai Cập.

Do đó, nếu giả thiết của nhà khảo cổ Reeves là đúng, tìm thấy nơi Nefertiti an nghỉ sẽ là phát hiện làm lu mờ cả việc khám phá ra khu lăng mộ Tutankhamun trước đây, theo lời Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập tại cuộc họp báo hồi tháng 10/2015.

"Nefertiti được xem là Cleopatra trong thời đại của mình. Không chỉ sở hữu nhan sắc tuyệt trần và sự giàu có, bà còn là người phụ nữ vô cùng quyền lực", Michelle Moran, tác giả cuốn "Nefertiti", một tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng về vị nữ hoàng này cho biết. "Sẽ là một chấn động lớn nếu thực sự tìm ra nơi chứa thi hài của bà".

Lịch sử Ai Cập không hiếm những phụ nữ quyền lực lên ngôi trị vì đất nước, song có một lý do khác khiến Nefertiti thu hút sự chú ý của thế giới hiện đại.

"Đó chính là vẻ đẹp bức tượng bán thân. Bạn sẽ thấy bởi đường nét thanh tú của chiếc cổ cao, hàng lông mày mỏng uốn cong cùng gò má cao nhọn của nữ hoàng", Moran mô tả bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Neues, Berlin, Đức.

"Nếu sống trong thời hiện đại, Nefertiti có thể trở thành một siêu mẫu. Những chuẩn mực của cái đẹp dường như không hề thay đổi qua thời gian".

Thực tế, vẻ đẹp huyền thoại này cũng gây ấn tượng mạnh với nhà khảo cổ Borchardt khi ông lần đầu nhìn thấy bức tượng.

"Hoàn toàn tình cờ, chúng tôi có trong tay tác phẩm sống động nhất Ai Cập. Không thể diễn tả hết vẻ đẹp của bức tượng bằng lời. Chỉ còn cách trực tiếp chiêm ngưỡng mà thôi", Borchardt kể lại trong nhật ký.

Hàng giờ đồng hồ ngắm nhìn gương mặt sắc sảo, kiêu hãnh của nữ hoàng chính là nguồn cảm hứng giúp Moran cho ra đời cuốn tiểu thuyết về Nefertiti của mình.

"Bà ấy như tạo ra ma lực. Nhìn vào gương mặt đó và bạn bị sắc đẹp ấy mê hoặc", Moran nhận xét.

Dù vậy, sắc đẹp chỉ là một phần trong câu chuyện cuộc đời nhiều bí ẩn của Nefertiti. Ngoài nhan sắc lộng lẫy, Nữ hoàng Nefertiti cùng chồng, Pharaoh Akhenaten còn gắn với bước ngoặt lớn trong văn hóa Ai Cập cổ. Akhenaten còn được gọi là “nhà vua dị giáo” bởi những thay đổi chóng mặt mà ông đặt ra ngay từ khi lên ngôi.

Phù điêu mô tả Pharaoh Amenhotep IV (hay Akhenaten) cùng vợ Nefertiti tế thần Mặt Trời Aten, Vương triều thứ 17, thời Vương quốc mới

Trị vì từ năm 1352 tới năm 1336 trước Công nguyên, vị Pharaoh này đã đem tới một kỷ nguyên mới cho Ai Cập bằng việc loại bỏ tín ngưỡng đa thần và giới thiệu tôn giáo chỉ thờ thần Mặt Trời Aten, điều bị coi là dị giáo trong thời kỳ này. Cũng thời gian này, Pharaoh đổi tên từ Amenhotep IV sang Akhenaten, để bày tỏ sự sùng kính thần Mặt Trời Aten. Theo nhiều chuyên gia, việc không công nhận những vị thần khác của Ai Cập, đặt biệt là thần Amun, của Akhenaten đã gây chia rẽ sâu sắc cấu trúc quyền lực tồn tại lâu đời ở thủ đô Thebes giữa triều đình với các thầy tế đứng đầu.

Bên cạnh thay đổi tín ngưỡng quốc gia, Akhenaten và gia đình, trong đó có người vợ đầu tiên là Kiya, cùng chính cung là nữ hoàng Nefertiti, dời kinh đô từ Thebes (nay là thành phố Luxor, Ai Cập) tới thành phố mới mà ông đặt tên là Akhetaten, cách sông Nile hơn 400km về phía bắc.

Không dừng lại ở những cải cách quyết liệt này, vương triều Akhenaten còn ủng hộ một trường phái nghệ thuật mới mang tính "nổi loạn". Rời xa quan điểm nghệ thuật truyền thống được xây dựng lâu đời trong lịch sử Ai Cập, các tác phẩm dưới triều vua Akhenaten hướng tới mô tả con người, động vật cũng như các vật thể khác một cách thực tế, sống động hơn với nhiều đường nét, sự không hoàn thiện và các cảnh vận động. Đặc biệt, thời kỳ này có những tác phẩm lần đầu tiên khắc họa cảnh sinh hoạt tình cảm hiếm thấy của gia đình hoàng tộc.

Nghệ thuật biểu đạt mới mẻ này khiến giới khoa học khá bất ngờ đồng thời để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với những nhà văn như Moran. Bà đặc biệt cảm động bởi một bức phù điêu mô tả nữ hoàng Nefertiti bên các con.

"Bức phù điêu khắc họa nữ hoàng trong vai trò một người mẹ, âu yếm đặt con ngồi lên đầu gối", Moran nói.

Bức phù điêu khắc họa nữ hoàng Nefertiti cùng chồng là Pharaoh Akhenaten bên các con

Một nhân vật quan trọng trong kỷ nguyên nghệ thuật mới của Ai Cập lúc bấy giờ không thể không nhắc đến chính là nhà điêu khắc hoàng gia Thutmose. Chính tại nơi chế tác của ông, các nhà khảo cổ đã phát hiện bức tượng bán thân Nữ hoàng Nefertiti.

Hơn 100 năm sau khi vị nữ hoàng cổ đại khiến các tín đồ yêu chuộng cái đẹp sửng sốt vì nhan sắc toàn mỹ của mình, các tiến bộ công nghệ cuối cùng đưa đến một hình ảnh chân thực hơn về nhan sắc của bà.

Năm 2009, bức tượng bán thân được nghiên cứu bằng công nghệ quét CT tinh vi, tiết lộ rằng Thutmose đã trát một lớp vữa che khuyết điểm lên khuôn mẫu đá vôi gốc. Gương mặt bị che giấu bên trong của Nefertiti chân thực hơn với những nếp nhăn chạy quanh khóe mắt, xương gò má bớt góc cạnh và một bướu nhỏ trên mũi. Nhờ những lớp vữa cuối cùng, Thutmose đã trau chuốt lại đường nét và làm cho gương mặt nữ hoàng trở nên hoàn hảo. Đây là một trong những câu chuyện thú vị nhất về Nefertiti, theo Moran. Nhà văn này mô tả rằng, thao tác hoàn thành bức tượng có thể xem là "phiên bản photoshop thời cổ đại".

Tới tận ngày nay, cuộc đời nhiều bí ẩn của Nữ hoàng Nefertiti chỉ được chắp nối lại với nhau từ những mảnh ghép rời rạc, với không ít nghi vấn chưa tìm được lời đáp. Khám phá ra lăng mộ chứa thi hài nữ hoàng sẽ là manh mối hàng đầu giúp các nhà khoa học hiểu được cả về cuộc đời người phụ nữ tài sắc lẫn thời kỳ nhiều cải cách trong lịch sử Ai Cập, được các học giả nhắc đến là thời đại Amarna, gắn với vương triều mà Nefertiti cùng chồng cai trị.

Theo phong tục chôn cất của người Ai Cập, rất nhiều vật dụng thường ngày được chôn cùng để theo người chết về thế giới bên kia. Các di chỉ này đã được tìm thấy cả trong lăng mộ của thường dân lẫn thành viên hoàng tộc, và đặc biệt vẫn còn trong tình trạng bảo quản tốt. Đây là cơ sở để giới chuyên gia từng bước tái hiện lại cuộc sống của người Ai Cập cổ.

Bên cạnh đó, lăng mộ một khi được tìm thấy sẽ dẫn các nhà khoa học tới những kết luận chính xác hơn hơn về gia đình quyền lực của vị vua chết trẻ Tutankhamun. Sau cái chết của Akhenaten, các học giả tin rằng Ai Cập đã loại bỏ tôn giáo sùng kính duy nhất thần Mặt Trời Aten và dời trung tâm quyền lực trở lại Thebes. Nhiều người còn đoán, sau khi nhà vua băng hà, nữ hoàng lên nắm quyền như Pharaoh, lấy hiệu là Smenkhkare.

"Nếu tìm được mộ Nerfertti, nó sẽ giúp trả lời hàng loạt những câu hỏi chưa có lời đáp như nữ hoàng qua đời khi nào và vì sao, cũng như đưa ra suy đoán việc bà lên ngôi nhiếp chính thế nào sau cái chết của chồng", Moran nhận định.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *