61 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng khi về tiếp quản Thủ đô dường như vẫn vẹn nguyên đối với nhà báo Như Đàm, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308, người trực tiếp tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội tháng 10-1954.

Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân. Ảnh tư liệu

 

Vinh dự biết bao, Đại đoàn 308 – Quân Tiên phong chúng tôi được trao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô thân yêu. Không ai nói với ai, nhưng chúng tôi đều có chung tâm trạng náo nức. Tôi và một số anh em được đơn vị chọn vào đội tiếp nhận những công sở của địch trong nội thành từ ngày 9-10-1954. Xe ô-tô của chúng tôi đi từ phía Ngã Tư Vọng, qua Nhà thương Bạch Mai, tiến về phía Ga Hàng Cỏ. Hai bên đường vắng teo, hầu như không có một bóng người dân. Tới gần phố Khâm Thiên mới thấy có vài nhà ngói nằm sát kề nhau, nhưng cửa nhà nào cũng đóng im ỉm. Sát ga Hàng Cỏ là những bãi than. Trước sân ga và từ các ngả đường chỉ thấy lính Pháp đi trên các xe tải nhà binh. Xe của chúng tôi dừng lại trước sân ga để trưởng đoàn trao đổi với đại diện chỉ huy của Pháp về việc bàn giao, tiếp nhận các công sở trong nội thành. Bộ phận của chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận tòa án, nhà tù Hỏa Lò, Đài Phát thanh 58 phố Quán Sứ, Nhà thương Phủ Doãn, nhà Dầu, ga Hàng Cỏ… Chúng tôi đi tới đâu, lính Pháp rút tới đó. Vì chưa tới ngày chính thức tiếp quản Thủ đô, cho nên trên các đường phố vẫn trong tình trạng giới nghiêm, cửa từng nhà vẫn đóng kín. Thế nhưng, trong mỗi gia đình, dãy phố, các cụm dân cư, người dân đang âm thầm khẩn trương chuẩn bị may cờ, kết hoa và băng-rôn, khẩu hiệu… chờ đón giờ phút Thủ đô được hoàn toàn giải phóng. Nhà nào cũng chong đèn rất khuya, mỗi lần thấy chúng tôi đi tuần tra qua, các cánh cửa sổ lại hé mở, bà con nhìn chúng tôi đầy trìu mến, thân thương.

Đúng 5 giờ sáng 10-10-1954, hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội như bừng lên đón một ngày hội lớn. Tất cả các nhà, các dãy phố, trên các tầng lầu đâu đâu cũng rợp bóng cờ đỏ sao vàng tung bay. Trên nhiều ngả đường, bà con nhanh chóng dựng cổng chào và căng khẩu hiệu. Nhân dân Hà Nội, già, trẻ, gái, trai đều túa ra đường. Người nào cũng mặc quần áo chỉnh tề làm cho cả thành phố mang đầy mầu sắc rực rỡ.

Mọi người mừng vui với ngày hội lớn của Thủ đô và đất nước. Niềm vui như trào lên trong mỗi người. Từng đoàn nam, phụ, lão, ấu cầm cờ, hoa náo nức đổ về những phố chính để đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về. Niềm vui chờ đón những người thân yêu sau chín năm kháng chiến làm cho mọi người như nghẹn thở.

Từ các cửa ô ở phía tây và phía đông, các đơn vị bộ binh, cơ giới, pháo binh, cao xạ rầm rập tiến vào trung tâm thành phố theo ba hướng. Chung quanh hồ Gươm mọi người đứng đông nghịt. Dẫn đầu đoàn quân là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, tiếp đến là Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88. Đoàn quân đi tới đâu, cờ hoa ở hai bên hè phố như bừng nở tới đó. Các thiếu nữ ôm hoa ùa ra, tặng các anh bộ đội. Từng tốp thiếu nhi tung những cánh hoa giấy như những đàn bướm muôn màu lên mũ, lên vai, lên xe pháo.., reo vang niềm vui sướng khôn tả chào các chú bộ đội với bộ quân phục oai hùng. Nhân dân hò reo, phất cờ, vẫy hoa.

Càng tiến sâu vào trung tâm thành phố, anh em chúng tôi càng không nén được nỗi xúc động trước tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với quân đội ta. Từ hồ Gươm, các đoàn quân tiến qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, rồi lên Cửa Bắc. Đoàn quân chúng tôi như đi giữa rừng cờ, rừng hoa, rừng người thân yêu. Nhiều bà con tìm gặp được người thân trong đoàn quân đã ôm choàng trong niềm vui sướng, mắt nhòa lệ. Tiếng đàn, tiếng hát ca bừng lên khắp các phố. Cả Hà Nội nhộn nhịp khác thường. Ai ai cũng đầy tràn niềm vui, đâu đâu cũng vang tiếng cười. Người từ ngoại thành cũng kéo vào nội thành tham dự chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô, cho nên phố phường càng thêm đông đúc, rực rỡ sắc mầu. Cùng với tiếng đàn hát rộn ràng là tiếng trống múa rồng, múa sư tử sôi nổi trên nhiều tuyến phố. Khi mặt trời lên đến chính ngọ là lúc chiếc xe cuối cùng của đơn vị pháo binh tới sân vận động Cột Cờ. Tại đây, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới đã xếp thành từng khối hàng. Chung quanh sân vận động và cả trên đường Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu và những đường lân cận đã đông nghịt người đến tham dự lễ mừng chiến thắng.

15 giờ chiều 10-10, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài vang vọng toàn thành phố như hiệu lệnh thiêng liêng của lịch sử. Bài Quốc thiều vang lên hùng tráng dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên. Tất cả mọi người đều đứng nghiêm, xúc động ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trên đỉnh cột cờ.

Sau lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội long trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày Hà Nội được giải phóng, trong đó, có đoạn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”. Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp.

Nguồn: Nhà báo Như Đàm, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308 ( Trang Hà nội )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *