Bên bờ hạnh phúc

Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.

 

Tại phiên họp, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể vào nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong những tháng còn lại của năm 2015 và trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế  KTTT

Cụ thể, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đề xuất cần hoàn thiện hệ thống giá theo cơ chế giá trị trường có sự điều tiết của nhà nước; đồng thời kiên trì các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế, tiếp cận với thông lệ quốc tế, hình thành hệ thống giá trị trường. Ngoài ra, cần rà soát các luật liên quan để sửa đổi và có cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay thế chấp.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị cần nỗ lực cải cách nhanh, mạnh mẽ và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; hoàn thiện và bổ sung cơ chế chính sách để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện cho khối doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sắp sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất.

Đồng thời, cần xác định rõ lợi thế, thế mạnh, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giống, để nâng cao giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo, có cơ chế phối hợp trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ xem xét cho thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn, đặc biệt là đề xuất cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đại biểu cho rằng cần quan tâm tới các địa phương đã có đề án tốt đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng để nhân rộng mô hình…

Quan tâm tới tiêu thụ nông sản

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần phải nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cần phải phát triển thị trường trong nước, từ thu mua đến chế biến đến tiêu thụ phải xây dựng hệ thống thương mại trong nước, không để tình trạng bị ép giá như hiện nay.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề xuất tăng cường xuất khẩu hàng nông sản theo hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch. Trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, từ đó ấn định quy mô sản xuất cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp.

Đại biểu Lê Thị Yến cho rằng, cần thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách và các giải pháp thúc đẩy liên kết các vùng trên cơ sở vừa khai thác lợi thế so sánh giữa các địa phương và tính liên kết phát triển bền vững lâu dài trong vùng; có biện pháp khai thác kết cấu hạ tầng đã được đầu tư, nhất là đường cao tốc, bến cảng… bảo đảm tính kết nối, lan tỏa và hiệu quả các công trình đối với toàn vùng.

* Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch tại Nghị quyết của Quốc hội, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ 3 liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.

Kết quả trên cho thấy những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014 là phù hợp. Chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt tốt hơn so với số đã báo cáo; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng là 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Nguồn: Lê Sơn ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *