Bên bờ hạnh phúc

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII sáng nay (20/5, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo đánh giá kết quả bổ sung thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008, tình hình kinh tế – xã hội đầu năm 2009 và mục tiêu sắp tới.

Khai thác hiệu quả tài nguyên

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra 6 điểm nghẽn cần tháo gỡ. Ảnh: VA

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu thời gian tới là ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo tiền đề cho kinh tế phục hồi.

Theo đó, một trong những trọng tâm là đẩy mạnh công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đẩy mạnh công nghiệp hoá.

Phó Thủ tướng yêu cầu "khẩn trương chấn chỉnh công tác khai thác than và các loại khoáng sản khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không tái tạo".

Phó Thủ tướng lưu ý, cần triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 – 2015 có tính đến năm 2025.

Chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản triển khai các dự án bô-xít tại Tân Rai và Nhân Cơ, xử lý tốt các vấn đề về công nghệ, lao động nước ngoài, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư; bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.

Cân đối ngân sách căng thẳng

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008, Phó Thủ tướng cho hay, đã đạt được 3 mục tiêu cơ bản. Đó là kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế; an sinh xã hội bảo đảm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc và Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn trước giờ khai mạc kỳ họp QH. Ảnh: VA

Nhưng vẫn có 3/25 chỉ tiêu chưa đạt, đó là tốc độ tăng trưởng GDP (đạt 6,2%); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và độ che phủ rừng.

Năm nay, do chủ động và dự báo được tình hình nên Chính phủ đã kịp thời đề ra các chính sách kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Sau nhiều tháng liên tục sụt giảm, đến tháng 2/2009, sản xuất công nghiệp đã bắt đầu tăng. Theo đó, cả quý I tăng 2,1%, tháng 4 tiếp tục tăng 5,4%.

"Cùng với các biện pháp kích cầu, cần tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiếp tục cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong những lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế".

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra 6 "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Đó là suy thoái kinh tế đang tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu, khuynh hướng bảo hộ mậu dịch đang tăng lên. Cơ cấu hàng xuất khẩu chưa được cải thiện.

Cân đối ngân sách căng thẳng. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách Nhà nước bị co hẹp, trong khi nhu cầu chi lại tăng lên, buộc phải có những biện pháp cân đối bổ sung. Cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 chưa vững chắc, có thể tác động bất lợi tới các cân đối vĩ mô khác. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội triển khai chậm, lúng túng và còn có hiện tượng tiêu cực.

Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh vẫn đang là bức xúc.

Xử lý các điểm nghẽn phát triển

Mục tiêu thời gian tới là xử lý tốt các điểm nghẽn phát triển. Phó Thủ tướng đưa ra 6 trọng tâm.

Sử dụng tốt các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực của nền kinh tế cả về cơ sở hạ tầng, cả năng lực sản xuất – kinh doanh lẫn chất lượng nguồn nhân lực.

Mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn cố định giúp các DN tận dụng thời cơ giá thấp để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất; mở rộng bảo lãnh cho các DN vay vốn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo tiền đề cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Ảnh: VA

Phó Thủ tướng yêu cầu: "Kiên quyết không vì chủ trương kích cầu mà buông lỏng quản lý, dễ dãi chấp nhận những dự án kém hiệu quả. Cùng với các biện pháp kích cầu, cần tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là DN vừa và nhỏ".

Tiếp tục cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong những lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế.

Một trong những trọng tâm là chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát.

Để giữ nguyên tổng mức chi như QH đã quyết định từ đầu năm, đề nghị QH cho phép tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 lên không quá 8% GDP. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm chi tiêu, thực hiện chính sách "khoan sức dân" bằng các biện pháp miễn giảm thuế.

Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.

Tăng trưởng 5%: Thách thức lớn

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 5% và bội chi không vượt 8% GDP, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế vẫn đề xuất các mức khác nhau: 5 – 5,5%; 5% và 4,5 – 5%…

Theo đó, nếu tập trung được các điểm nghẽn, sớm cụ thể hóa chương trình kích thích kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống các giải pháp chống suy giảm kinh tế thì có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Tuy nhiên, do tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,1% nên tăng trưởng cả năm 5% là một thách thức lớn. Giả định GDP có tốc độ tăng dần qua các quý, muốn đạt tăng trưởng 5% cả năm thì phải có gia tốc tăng mỗi quý còn lại 1,3%, nghĩa là đến quý IV, sẽ đạt 7%. "Đây là nhiệm vụ khó khăn", Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền chỉ rõ.

Về bội chi ngân sách, UB Kinh tế cho rằng, còn một số khoản chi chưa được tính vào cân đối ngân sách, ví dụ nguồn vốn phát hành trái phiếu, nguồn tạm ứng ngân sách… Do đó, thực tế, tỷ lệ bội chi sẽ còn cao hơn.

Xung quanh gói kích cầu, ông Hà Văn Hiền cho rằng, vừa qua mới tập trung hỗ trợ tài chính cho DN, trong khi kích cầu đầu tư, tiêu dùng vẫn hạn chế trong khi khó khăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. UB Kinh tế đề nghị nên tập trung đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế đất nước về nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, xã hội, với những địa chỉ cụ thể.

Ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh, khủng hoảng đã làm bộc lộ rõ nét những điểm yếu và mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế. Do đó, cần đánh giá toàn diện nền kinh tế, xây dựng chủ trương chiến lược cho nền kinh tế sau khi ra khỏi khủng hoảng và phục hồi, kể cả cấu trúc nền kinh tế và lựa chọn mô hình phát triển. Đặc biệt, nghiên cứu để có đối sách phù hợp với chính sách bảo hộ mậu dịch.

Ngày mai, các ĐBQH sẽ thảo luận tại tổ về các vấn đề này. Phiên thảo luận sau đó tại hội trường, dự kiến ngày 26 và 27/5, sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Lê Nhung (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *