Đêm 31/1, các đảng phái đối nghịch ở Ai Cập đã ký kết một thỏa thuận, trong đó có nội dung lên án bạo lực và cam kết tiến hành đối thoại nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị. Nhiều người cho rằng động thái trên đang mở ra triển vọng cải thiện chính trường quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhận định, hãy còn quá sớm khi xem đây là cơ hội để chấm dứt bất đồng giữa các bên.

Đại diện của đảng Tự do và Công lý cầm quyền, cùng Mặt trận Cứu quốc (NSF) đối lập và nhiều đảng phái khác đã gặp nhau tại thủ đô Cairo và ký kết một thỏa thuận 10 điểm. Theo đó, các bên nhất trí lên án mọi hình thức bạo lực và cam kết tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm túc nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay.

Theo giới quan sát, đây là một động thái bất ngờ; bởi chỉ vài ngày trước đó, một trong các nhà lãnh đạo của NSF – liên minh đối lập chính tại Ai Cập, ông Mohamed ElBaradei đã từ chối tham gia đối thoại đoàn kết dân tộc do Tổng thống Mohamed Morsi đề xuất.

Xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát gần Quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 28/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhiều người cho rằng đã có một bước chuyển biến trong thái độ và lập trường của phe đối lập nhằm đề cao các lợi ích chung, và điều đó mở ra triển vọng xoa dịu bầu không khí căng thẳng hiện nay. Theo đó, phe đối lập đã nhận thức được nếu không có đối thoại và sự thỏa hiệp, đất nước sẽ bị đẩy gần hơn tới bất ổn và NSF có thể bị chỉ trích là góp phần hủy hoại sự ổn định do tẩy chay đàm phán.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo cuộc đối thoại mà các bên cam kết tiến hành sẽ khó mang lại kết quả mỹ mãn bởi tình trạng bất đồng cơ bản giữa phe đối lập và chính quyền Ai Cập. Bất chấp thỏa thuận vừa đạt được, Mặt trận Cứu quốc (NSF) vẫn tiếp tục kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình và tuần hành vào đêm 1/2 tại thủ đô Cairo nhằm nhắc lại điều mà họ gọi là các yêu sách của cuộc cách mạng. Trong đó, NSF đòi chính phủ từ chức, sửa đổi các điều khoản gây tranh cãi trong bản Hiến pháp mới được thông qua và bổ nhiệm Tổng Công tố mới.

Thực tế cho thấy, tình hình đất nước Ai Cập thời hậu Mubarak vẫn chưa ổn định dù đã có một chính thể mới. Chẳng may, chính thể ấy vẫn đang vấp phải sự phản đối quyết liệt, trong khi khả năng dung hòa giữa các bên là không cao. Cuộc đấu tranh hiện nay đang khiến chính trường lẫn xã hội Ai Cập phân cực sâu sắc. Theo giới chuyên gia, nếu không nhanh chóng khắc phục điều đó, chính biến Ai Cập sẽ chưa thể kết thúc.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *