Bên bờ hạnh phúc

Sáng 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

Các đại biểu đánh giá dự thảo đã bám sát các quan điểm, đường lối, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5. Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo, sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều khoản và kỹ thuật lập hiến của một bản dự thảo dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhằm thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 – Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Điểm mới quan trọng của dự thảo là đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng về chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp, về tổ chức quyền lực nhà nước, về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vừa phản ánh được sự tiến gần đến các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa thể hiện tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị – pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Quyền con người được dự thảo ghi nhận có nhiều đổi mới mạnh mẽ với việc thể chế hoá đầy đủ và sâu sắc đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực nhân quyền, thể hiện tính đúng và tốt hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong việc hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.

Một trong những điểm rất đáng được ghi nhận là dự thảo đã khắc phục bất cập lớn của Hiến pháp hiện hành là bổ sung yếu tố kiểm soát vào nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước; định danh rõ ràng cơ quan thực hiện các quyền như: quyền lập pháp (Quốc hội), quyền hành pháp (Chính phủ), quyền tư pháp (Toà án); thiết kế một chương về thiết chế độc lập nhằm cụ thể hoá cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước (Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước).

Theo đó, dự thảo đề xuất cần xác định rõ ràng vị trí, phân công rành mạch và quy định khái quát nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp theo các chức năng chính của mỗi cơ quan, không liệt kê quá cụ thể vì sẽ dễ mâu thuẫn, chồng chéo giữa các cơ quan, “lấn sân” sang luật tổ chức của các cơ quan thực hiện những quyền trên.

Góp ý tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao những điểm mới được đưa vào nội dung sửa đổi trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 của Ban Chỉ đạo, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung về tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền giữa các cơ quan nhà nước được giao quyền, các quyền cơ bản của công dân như quyền được sống, quyền tự do, quyền về sở hữu hợp pháp tài sản của công dân được Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ban Biên tập cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, nhất là đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến thiết chế nhà nước, quyền công dân, sở hữu tài sản nhà nước và công dân để đưa vào bản góp ý của Chính phủ kiến nghị đối với Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Bên cạnh đó, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của của một số thiết chế, mô hình, tổ chức bộ máy của một số cơ quan nhằm hoàn chỉnh bản góp ý trình cấp có thẩm quyền.

Theo Lê Sơn ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *