Bên bờ hạnh phúc

 Gần đây, nhiều tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL đã phát triển mạnh diện tích trồng cây ca cao, chủ yếu là trồng xen trong vườn dừa hoặc vườn cây ăn trái. Do lợi ích “kép” mà mô hình này mang lại, tỉnh Vĩnh Long cũng đã phát triển được từ vài trăm hecta lên đến hằng ngàn ha ca cao trồng xen trong vườn dừa.

Ca cao phát triển tốt trong vườn dừa

 

 

Là một trong những nông dân tiên phong trong phong trào trồng cây ca cao xen vườn dừa ở huyện Trà Ôn, hiện nay tuy dừa khô đang rớt giá nhưng anh Trần Công Minh ở xã Xuân Hiệp cũng có nguồn thu bù đắp để ổn định cuộc sống.  

Theo ông Trần Công Minh, xã Xuân Hiệp – Trà Ôn: “Diện tích vườn dừa tôi được 5 công. Lúc nhà nước cho giống ca cao, tôi xen vào cho tới nay cũng được 4 năm rồi nhưng hiện nay giá dừa nó rớt quá thấp nên thành thử tôi có được mấy trăm gốc ca cao, trái tương đối ổn định, giá cũng được từ 3.500 – 4.000 đồng/kg hiện nay, nó cũng đỡ lại chút đỉnh khi giá dừa rớt thấp để ổn định đời sống.”

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hiệp – Trà Ôn cho biết: “Hiện nay giá cả về dừa thì nó bấp bênh làm cho một số người dân đốn dừa, còn một số duy trì lại được. Dừa rớt giá, ca cao được giá,  bù lại ca cao về phía Đảng ủy sẽ phát động thêm để người dân ổn định kinh tế cuộc sống, hiện nay Xuân Hiệp có trên 12.000 cây ca cao.”

Xác định ca cao là loại cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao nên vào đầu năm 2011, tỉnh Vĩnh Long bắt đầu thực hiện dự án phát triển cây ca cao xen trong vườn dừa hoặc vườn cây ăn trái giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí thực hiện hơn 12,5 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống chất lượng cao để cung cấp cho nông dân gieo trồng trên diện tích 1.350 ha, phấn đấu đến năm 2015 nâng tổng diện tích trồng ca cao của tỉnh lên 1.900 ha.

Trước tình hình giá dừa thiếu ổn định, việc phát triển diện tích trồng ca cao xen vườn dừa sẽ giúp bà con nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất.Mặc dù hiện nay giá ca cao chỉ còn từ 3.500 – 3.700 đồng/kg nhưng mỗi tháng các vườn dừa có trồng xen cao cao vẫn có thể thu nhập thêm từ 2 đến 3 triệu đồng/ha. Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì ở các mô hình này, năng suất dừa được cải thiện đáng kể do được chăm sóc chu đáo hơn.     

Ông Trương Văn Nối, Chủ tịch UBND xã Hiếu Nhơn – Vũng Liêm cho biết: “Khi giá dừa rớt giá thì thu nhập bà con cũng ảnh hưởng, trong đó cây cao xen vườn dừa phụ vào giá dừa nên thu nhập từ cao cao và dừa cũng ổn định được cuộc sống cho bà con.”

Theo ông Lê Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp – Vũng Liêm: “Hiện nay đối với 1 số hộ dân sau khi giá dừa rớt giá có một số hộ dân cũng bi quan, đốn dừa để trồng các loại cây khác. Về phía góc độ UB chúng tôi thấy rằng trong vấn đề ổn định vườn dừa cũng như biện pháp chúng ta thực hiện trong thời gian tới, chúng ta làm sao trồng một số loại cây ca cao xen vườn dừa để cải thiện hiệu quả của vườn dừa cũng như cải thiện cuộc sống người dân trong thời gian tới, cho nên đề nghị khuyến khích bà con chúng ta không nên đốn dừa.”

Trước những biến động của thị trường, để cây dừa phát triển bền vững các địa phương cần tiếp tục có những chương trình, dự án đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa, nhất là mô hình trồng cây ca cao xen vườn dừa. Ngoài lợi ích “kép” mà nó mang lại, tiềm năng của 2 loại cây công nghiệp này chắc chắn sẽ còn được khai thác hiệu quả hơn nếu có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *