Tái tạo dây chằng bằng gân tự thân và nhân tạo, bảo tồn gốc dây chằng; phẫu thuật nội soi, kỹ thuật khâu sụn chêm all-inside, sử dụng vật liệu chỉ siêu bền… là những kỹ thuật mới hiện đại giúp điều trị hiệu quả chấn thương dây chằng, đang được áp dụng thường quy tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Thông tin trên được ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ – Trưởng khoa Y học thể thao & Nội soi, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Tái tạo dây chằng sau chấn thương – Từ tự thân đến nhân tạo công nghệ cao – Hồi phục nhanh, khôi phục vận động sớm”, diễn ra vào tối 6/6/2024.

Chương trình tư vấn thu hút hơn 300 ngàn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, hàng trăm câu hỏi của khán giả cũng được gửi về và nhận giải đáp kịp thời từ các chuyên gia, bác sĩ. Người dân có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Chương trình tư vấn “Tái tạo dây chằng sau chấn thương – Từ tự thân đến nhân tạo công nghệ cao. Hồi phục nhanh – khôi phục vận động sớm”

ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ cho biết, dây chằng có mặt ở các khớp như khớp gối, khớp vai, khớp cổ chân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số liệu thống kê bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho thấy, 50% chấn thương dây chằng là ở đầu gối, 30% chấn thương dây chằng khớp vai và 20% chấn thương dây chằng khớp cổ chân.

Đây là ba vùng khớp mà dây chằng dễ bị tổn thương, trong đó chấn thương dây chằng đầu gối có tỷ lệ cao nhất. Tùy vào mức độ chấn thương như viêm dây chằng, giãn dây chằng hay đứt dây chằng, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Bác sĩ Trần Anh Vũ lưu ý, ngay khi nhận thấy dấu hiệu tổn thương dây chằng như đau, sưng, cứng hay lỏng lẻo khớp, người bệnh nên đi khám để can thiệp điều trị sớm, tránh kéo dài thời gian phục hồi và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.

ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ chia sẻ về các tình trạng tổn thương dây chằng

Bác sĩ Nguyễn Văn Lưu – Bác sĩ chuyên sâu Chấn thương thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong phẫu thuật dây chằng, kỹ thuật, dụng cụ phẫu thuật và vật liệu đặt vào cơ thể hiện đại đóng vai trò quan trọng giúp hiệu quả điều trị được nâng cao. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong số ít đơn vị y tế áp dụng đầy đủ các kỹ thuật mổ và vật liệu tân tiến ngang tầm thế giới trong tái tạo dây chằng sau chấn thương.

Đơn cữ là kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, ít xâm lấn, ít đau, kết hợp với những mảnh ghép dây chằng bằng sợi chỉ siêu bền, giúp tăng độ vững chắc sau khi tái tạo, hỗ trợ bệnh nhân sớm phục hồi và quay lại hoạt động thể thao sau mổ.

Tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng dây chằng nhân tạo hoặc kết hợp cùng lúc dây chằng nhân tạo và dây chằng tự thân để đảm bảo yếu tố sinh học cũng như chức năng vận động.

Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng đang sử dụng thế hệ dây chằng mới nhất được cấu tạo từ những sợi polyethylene. Chất liệu mới nhất này như một cầu nối giúp cho những mô xơ của sợi dây chằng mọc lên và lõi bằng dây chằng nhân tạo vẫn sẽ tồn tại vĩnh viễn với cơ thể và không biến mất, trừ khi mổ lấy nó ra.

Kỹ thuật khâu sụn chêm All-inside (không cần mở thêm cổng phụ ở ngoài), phù hợp với đầu gối của từng bệnh nhân, đảm bảo khả năng tái tạo và tạo độ vững chắc tối ưu cho đôi chân sau khi mổ. Quá trình phẫu thuật còn bảo tồn được gốc dây chằng, hạn chế làm tổn thương mạch máu, thụ thể thần kinh…

ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu chia sẻ về những kỹ thuật tái tạo dây chằng mới

Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Trần Tuấn Anh – Bác sĩ chuyên sâu về Chấn thương Chỉnh hình & Y học thể thao, khoa Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết thêm, xác kỹ thuật đang được triển khai là sử dụng mảnh ghép tự thân, chẳng hạn gân hamstring, gân tứ đầu, mảnh ghép của dây chằng nhân tạo, nhằm mục đích tái tạo dây chằng tổn thương, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động và sớm trở lại hoạt động thể thao.

Khoa quy tụ đội ngũ bác sĩ hàng đầu, được đào tạo chuyên sâu ở trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị, phẫu thuật nội soi cho các tổn thương dây chằng vùng gối, vùng khớp vai, khớp cổ chân.

BS.CKII Trần Tuấn Anh tham gia tư vấn cho người dân trong chương trình

Bác sĩ Huỳnh Hoàng Anh – Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, việc tập luyện phục hồi chức năng đối với phẫu thuật tái tạo dây chằng nên bắt đầu trước khi mổ, giúp quản lý tình trạng sưng đau khớp tốt nhất, bảo vệ và duy trì sức mạnh cơ, đồng thời đẩy nhanh quá trình bỏ nẹp để trở lại sinh hoạt bình thường. Chương trình tập luyện sau mổ nên được thực hiện ngay sau mổ một ngày. Quá trình đi nạng, đi nẹp sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện cho đến ngày bệnh nhân xuất viện.

Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục trải qua 5 giai đoạn luyện tập, phục hồi, kết hợp tái khám ít nhất sau 2 – 4 tuần để theo dõi sát sao tình trạng vết mổ.

Bác sĩ Huỳnh Hoàng Anh chia sẻ về phục hồi chức năng sau mổ dây chằng

Những tư vấn của 4 chuyên gia trong chương trình đã cung cấp rất nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến các kỹ thuật, công nghệ phẫu thuật và tái tạo dây chằng mới nhất hiện nay. Những phương pháp điều trị này sẽ mang đến hiệu quả tối ưu, đẩy nhanh quá trình phục hồi, hỗ trợ người bệnh sớm quay trở lại vận động sau chấn thương và hạn chế tối đa biến chứng không mong muốn.

Chương trình do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phối hợp cùng Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện nhằm chia sẻ những kỹ thuật, công nghệ, vật liệu thế hệ mới, hiện đại bậc nhất trong mổ và tái tạo dây chằng cho người bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *