Tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, lượng trẻ khám và nhập viện đang tăng gấp đôi so với tháng trước. Trẻ chủ yếu mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cúm; và các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… do thời tiết thất thường lúc giao mùa.
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Cúm & các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ lúc giao mùa” được phát sóng vào tối 10/11 vừa qua.
Các chuyên gia trong chương trình
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cả nước đang bước vào thời điểm giao mùa Thu – Đông. Ở miền Bắc có đặc trưng 4 mùa, ở miền Nam chỉ có mùa khô và mùa mưa. Thời điểm giao mùa bắt đầu có những đợt mưa lớn, nước ứ đọng tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy, muỗi sinh sôi. Thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh đột ngột khiến trẻ dễ bị kích ứng đường hô hấp, virus, vi khuẩn dễ tấn công và gây bệnh.
Thời gian gần đây, lượng bệnh nhi khám ngoại trú và nhập viện điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tăng gấp đôi, trong đó chủ yếu trẻ mắc bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, cúm. Nhiều bệnh nhi có diễn tiến ban đầu là nhiễm siêu vi, sốt, cảm thông thường sau đó bội nhiễm virus dẫn đến nhiễm trùng, viêm phổi ở mức độ vừa. Với bệnh mức độ vừa, phụ huynh chủ yếu cho trẻ điều trị tại nhà với kháng sinh, thuốc ho… Tuy nhiên gần đây nhiều trẻ phải nhập viện, thậm chí phải thở oxy bởi diễn tiến nặng.
Theo bác sĩ Hạnh Lê, ngoài nguyên nhân thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển nhiều hơn, một số phụ huynh có phương pháp chăm sóc trẻ chưa đúng cách, tăng nguy cơ gây bệnh cho trẻ. Điển hình như thói quen bật máy lạnh nhiều ở nhiệt độ quá thấp, ngay cả vào ban đêm, hoặc ủ ấm cho trẻ quá kỹ khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược vào cơ thể gây nhiễm lạnh. Một số phụ huynh khác có tâm lý chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho trẻ dẫn đến đề kháng kém và dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn.
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê tại chương trình
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nhiều phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn giữa bệnh cảm và cúm, chủ quan điều trị sai khiến tình trạng của trẻ dễ trở nặng.
Bệnh cảm và cúm đều là bệnh lý lây truyền đường hô hấp nhưng về nguyên nhân gây bệnh và bản chất thì khác nhau. Cảm lạnh thường gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau như là Rhinovirus, Coxsackie virus, Para. Cảm cúm gây ra bởi Influenza virus và có thể thành dịch.
Bệnh cảm và cúm có triệu chứng khá giống nhau như trẻ có thể hắt hơi, sổ mũi, sốt, đau họng, đau mỏi cơ, nhức đầu, khó chịu… Tuy nhiên, nếu trẻ mắc cảm lạnh sẽ có biểu hiện khởi phát từ từ, em bé vẫn chơi vui vẻ, sinh hoạt bình thường và thường các triệu chứng đó sẽ hết dần trong vòng từ 4 – 10 ngày. Trẻ mắc cảm cúm sẽ có biểu hiện bệnh rầm rộ, sốt cao liên tục, ho nặng tiếng hoặc các biểu hiện đột ngột trên đường hô hấp như khó thở, thở mệt, lừ đừ, có thể thêm tiêu chảy, nôn ói, các triệu chứng kéo dài đến khoảng 3 tuần. Trẻ mắc cúm có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ bị viêm phổi, phải nằm viện, nhập viện kéo dài.
Trẻ bị cảm thông thường có thể điều trị tốt tại nhà. Trường hợp trẻ bị cảm nên được bác sĩ chuyên khoa khám, chỉ định phương pháp điều trị phù hợp để tránh bệnh diễn tiến nặng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đặc biệt chú trọng công tác đánh giá ban đầu và phân loại bệnh. Việc phân loại bệnh nhân dựa trên có yếu tố cần cấp cứu ngay không. Trường hợp bé có triệu chứng cần được cấp cứu ngay sẽ nhanh chóng được chuyển đến phòng cấp cứu tại khoa khám bệnh. Tình trạng khẩn cấp hơn sẽ được chuyển thẳng tới khoa cấp cứu trung tâm. Nếu bé không có triệu chứng cần cấp cứu nhưng có dấu hiệu cần được ưu tiên thăm khám ngay như nôn ói nhiều, tiêu chảy, nguy cơ mất nước, đau bụng dữ dội hoặc em bé quá nhỏ sẽ được ưu tiên thăm khám với bác sĩ.
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang tại chương trình
Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, người dân ở tất cả mọi độ tuổi đều có thể nhiễm cúm, tuy nhiên có ba nhóm đối tượng có nguy cơ dễ gặp biến chứng, thậm chí tử vong do cúm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Nhóm đầu tiên là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi hệ thống hô hấp và hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển chưa toàn diện, hoạt động kém hơn so với người bình thường. Theo các báo cáo, hàng năm có khoảng 20 triệu trẻ bị cúm trong đó khoảng 400.000 trẻ tử vong do cúm.
Nhóm thứ hai là người cao tuổi, có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn,… Lúc này, chức năng miễn dịch của người bệnh bị suy giảm, tăng các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong. Thống kê cho thấy ở nhóm người dân đang mắc bệnh lý về xơ vữa động mạch mắc cúm thì biến chứng nhồi máu cơ tim có thể tăng 8 – 10 lần, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 8 lần.
Nhóm thứ ba là phụ nữ mang thai. Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của người mẹ phải giảm xuống mức tối thiểu để đảm bảo không đào thải thai nhi, khi đó nguy cơ nhiễm bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh cúm nói riêng có thể tăng cao. Phụ nữ nhiễm cúm trong thai kỳ ngoài việc tình trạng bệnh kéo dài còn tăng các biến chứng cho thai nhi như: dị tật hở hàm ếch, tim bẩm sinh, trẻ sinh ra nhẹ cân…
“Do đó Bộ Y tế thường xuyên khuyến cáo trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai đều cần tiêm vắc xin để tăng cường đề kháng phòng ngừa bệnh cúm. Người trưởng thành cũng cần tiêm vắc xin để tránh trở thành nguồn lây bệnh cho gia đình”, bác sĩ Phong chia sẻ và cho biết thêm tại Việt Nam, Trung tâm tiêm chủng VNVC đang triển khai tiêm chủng hai loại vắc xin cúm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi, gồm vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac tetra (Hà Lan) phòng 4 chủng virus thường gặp là A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong tại chương trình
Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa mắc cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm cần tiêm hai mũi, trong đó mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu một tháng, sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. Trường hợp trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi cơ bản và tiêm nhắc lại hàng năm cho hiệu quả miễn dịch có thể đến 90%.
Bên cạnh chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân nên lưu lý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho trẻ và cả gia đình. Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng, do đó nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ít mầm bệnh. Trường hợp gia đình có người mắc bệnh cần nhập viện điều trị nội trú nên chọn những bệnh viện có môi trường sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo tốt phòng chống nhiễm khuẩn chéo nhằm tránh nguy cơ bội nhiễm các virus, vi khuẩn nguy hiểm khác.
Hoài Thương