Trong tác phẩm “Thi ca châm biếm trào lộng Việt nam” do Nhà xuất bản Khai Trí xuất bản năm 1969 có viết : “ …Nhiêu Tâm cũng đã nức danh là một nhà thơ cự phách với những bài thơ trào phúng còn truyền tụng cho đến ngày nay”. Còn trong tác phẩm “Nhà thơ trào phúng của miền Nam” do Nhà xuất bản Sống Mới xuất bản năm 1957 thì viết : “ …Đứng trên phương diện văn học, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Nhiêu Tâm là một kiện tướng trong thi giới nước nhà nói chung và là một nhà thơ trào phúng xuất sắc của thi giới miền Nam nói riêng”. Năm 1992, cái tên “Nhiêu Tâm” đã được đưa vào “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” do các tác giả Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn. Vậy, Nhiêu Tâm – ông là ai? Đối với nhiều người, nhất là trong lớp trẻ thời nay, câu hỏi này còn khá mới mẻ.
Nhiêu Tâm tên thật là Đỗ Thanh Tâm. Ngoài ra, ông còn có các tên khác là Đỗ Như Tâm và Đỗ Minh Tâm. Xưa kia, có một cuốn sách thuộc loại “gối đầu giường” của các nhà nho, gọi là sách “Minh Tâm Minh Giám”. Do có tên là Minh Tâm, Nhiêu Tâm lấy luôn tên hiệu là Minh Giám. Ông sinh năm 1840, mất năm 1911. Về nguồn gốc xuất thân, có nhiều giả thuyết khác nhau, tựu trung cho rằng, hoặc ông là người cố cựu đất Vĩnh Long, hoặc là lưu dân theo phong trào “tỵ địa” mà trôi dạt từ miền ngoài vào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, từ năm 1872, tức là vào năm 32 tuổi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, ông đã sống ở làng Sơn Đông, nay là xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Nhiêu Tâm là người thông minh, học giỏi, nhưng con đường khoa bảng không thành. Vì vậy, ông lui về mở lớp dạy chữ nho và làm nghề hốt thuốc cho dân làng Sơn Đông. Người dân ở đây gọi ông là Nhiêu Tâm.
Sống ở làng Sơn Đông, ngoài việc dạy học và hốt thuốc cho dân làng, Nhiêu Tâm còn làm thơ. Với một tài thơ thiên phú đã được minh chứng qua thời gian, sự nghiệp thi ca của Nhiêu Tâm thiết nghĩ không phải nhỏ. Tiếc rằng, do chỉ được lưu giữ theo lối truyền khẩu trong dân gian nên đến nay, tác phẩm của ông chắc đã bị thất tán khá nhiều. Những người sưu tầm mới chỉ tìm thấy khoảng hơn 20 bài thơ do ông sáng tác. Dầu vậy, những bài thơ này cũng đã mở ra cho ta thấy một góc khung cảnh của đời sống xã hội thời bấy giờ, qua đó bộc lộ đời sống nội tâm với những nỗi niềm sâu kín ẩn giấu trong lòng thi nhân xưa. 20 bài thơ của Nhiêu Tâm có thể chia ra làm hai mảng chính, bao gồm mảnh thơ trào phúng và thơ trữ tình, trong đó nổi trội lên là mảng thơ trào phúng. Đề tài trong thơ trào phúng Nhiêu Tâm thật ra cũng chỉ là những sự vật hiện tượng bình thường trong cuộc sống, nhưng dưới con mắt nhìn dí dỏm, hóm hỉnh, cộng thêm bút pháp miêu tả độc đáo của nhà thơ, chúng hiện lên thành những bức tranh hiện thực đầy góc cạnh gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Nổi tiếng nhất trong số các thi phẩm trào phúng của Nhiêu Tâm là bài “Vịnh Kiều”. Xưa nay, người làm thơ vịnh Kiều chắc không hiếm, song, vịnh Kiều mà theo lối trào lộng và viết theo thể thơ vĩ tam thanh như Nhiêu Tâm thì trên thi đàn quả có một không hai. Bài thơ này một thời từng làm nên những giai thoại kỳ thú trên thi đàn miền Nam.
“Sắc tài có một, đỉnh đình đinh
khắp cả nhân gian, tiếng nổi phình
duyên chị, mà em theo lẽo đẽo
nợ chàng, rồi thiếp sạch sành sanh.
Ra đi, đầu đội muôn phần hiếu
trở lại, vai mang một chéo tình
mười mấy năm trời, nhơ rửa sạch
khúc đàn nhàn gảy, tịch tình tinh”.
Thơ Nhiêu Tâm cũng không chỉ là những tác phẩm hóm hỉnh, trào lộng một cách thuần túy. Đằng sau sự trào lộng trong mỗi tác phẩm thường ẩn giấu lòng trắc ẩn sâu xa của tác giả trước những thế sự trái ngang của cuộc đời. Điều đó giải thích vì sao thơ Nhiêu Tâm luôn chinh phục được sự ngưỡng mộ của người đọc, bản thân nhà thơ luôn được người đời truyền tụng và yêu quý. Bài thơ “Nói con chị, cưới con em” là một thí dụ điển hình.
“Xí hụt bây giờ ngẫm mới hay
vàng đôi dì nó đặng đeo tay
cười ra nước mắt là dường ấy
khóc lại hổ ngươi vốn sự này.
Ráy nấu bao lâu chưa hết sượng
gừng đâm mấy nước cũng còn cay
sắm sanh gương lược phòng nâng đỡ
tưởng đặng kêu anh, té dượng mày”.
Thơ trào phúng vốn có đặc trưng cơ bản là có tính phê phán và tính chiến đấu cao. Là nhà thơ châm biếm, những tác phẩm của Nhiêu Tâm không nằm ngoài quy luật chung đó… Nhạy cảm với thế sự, có bản lĩnh trong suy luận trước các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, ngòi bút của Nhiêu Tâm đã không ngại ngần lên tiếng giễu cợt, đả kích những thói hư tật xấu của người đời. Tiêu biểu cho loại thơ này có các bài như “Chuyện đùa ông bá hộ Nọn” và “Trẻ cha già con”, hàm ý lên án thói trăng hoa, thói đa thê của những người con nhà giàu có, hoặc của các vị quan chức đương thời. Xung quanh hai bài thơ này cũng có những cách hiểu khác nhau, song xét trên mối quan hệ giữa nhà thơ với các đối tượng được phản ánh trong thơ, tức là ông bá hộ Nọn và tri huyện Thiềng – một người đã có nhiều việc làm công đức cho xã hội, một người là bạn thân, thì theo thiển ý của chúng tôi, đây là những bài thơ chỉ mang tính chất châm biếm, giễu cợt một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không phải bao giờ ngòi bút của Nhiêu Tâm cũng có chừng mực. Trong trường hợp chẳng đặng đừng, nó trở nên rất quyết liệt. Đả kích thói kiêu căng rởm đời của những kẻ tài hèn trí thấp nhưng lại tự cho mình cái quyền được coi trời bằng vung, bài thơ “Lỡm ông thầy đồ” của Nhiêu Tâm ra đời một cách ngẫu hứng, chỉ nhân ứng khẩu mà thành thi nhưng lại trở thành một trong số những bài thơ được truyền tụng nhiều nhất cho đến nay.
“Bao tử là cha, mẹ – ruột dồi
đẻ không nên chỗ, để mày trôi
chặt chân chẳng nỡ, thây nhằm đạp
bịt mũi mà qua đã gớm rồi.
Chẳng chó, bắt mèo ngồi ngửa mặt
có tong cùng chốt rước tràm môi
lẫn thay cho lão ngồi câu quẹt
chấp chứa làm chi những giống hôi”.
Tính chiến đấu trong thơ trào phúng Nhiêu Tâm còn được thể hiện rất rõ qua bài “Bần phú luận”, một bài thơ dài tương truyền có đến 204 câu. Trên tổng thể, “Bần phú luận” là bài thơ mang tính triết lý cao do tác giả đã lấy chuyện giàu nghèo ở đời, một đề tài muôn thuở làm chủ đề chính mà luận bàn. Tuy nhiên, ẩn giấu đằng sau mỗi câu chữ chính là sự vạch trần những nỗi bất công và ngang trái trong xã hội – “Đã khắp trong luân thường đạo lý/ kẻ giàu sang vẻ mặt phương phi/ bằng đói khổ bần hàn cơ bẩn… ”, là sự lên án gay gắt lối sống thực dụng tham phú phụ bần – “Anh em nghèo lại gọi người dưng/ kẻ khác họ tới lui thăm viếng/ khi thất thời miệng đuổi tay xô/ cơn đắc thế muốn bồng muốn ẵm… ” Mặt khác, toàn bộ bài thơ đồng thời cũng hàm chứa tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc với người nghèo. Bài thơ không chỉ hay về mặt nội dung do ý nghĩa của nó luôn luôn là vấn đề thời sự trong mọi thời đại, mà còn hay trong hình thức ngôn từ thể hiện rất tiêu biểu cho phong cách thơ Nhiêu Tâm. Chỉ tiếc rằng, bài thơ này mới chỉ tìm được 114 câu. Giữa 114 câu này cũng còn nhiều chỗ bị đứt đoạn.
Không chỉ xuất sắc với mảng thơ trào phúng, Nhiêu Tâm còn có một số bài chan chứa tình có thể tập hợp lại thành mảng thơ trữ tình. Trong mảng thơ này, những bài thơ ra đời chủ yếu theo dòng cảm xúc của tác giả, được chia ra thành chùm thơ tình cùng non nước và thơ tình nhân thế. Trong chùm thơ tình cùng non nước có các bài như “Thuyền qua sông”, “Đề Văn Thánh miếu”, “Vịnh miếu Tống Quốc công” và bài “Tặng bà Trương Thị Loan”, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến bài “Thuyền qua sông”. Sống giữa buổi giao thời, tình thế hỗn loạn nhiễu nhương, là người nhạy cảm với thời cuộc, hẳn có lúc Nhiêu Tâm đã cảm thấy nỗi bất ổn của kẻ sĩ trước cơn phong ba của lịch sử, vì vậy mà ông đã viết bài “Thuyền qua sông” như là một cách để tự răn dạy, nhắc nhở mình, đồng thời cũng là cái cách mà ông bày tỏ tình yêu của mình với non sông.
“Đoàn trước qua rồi, đã vững tay
đường xa riêng sợ lớp sau này
buồm trương, ngán sóng e vì nỗi
thuyền nặng ra khơi, ngại chở đầy.
Lo soát, phải kèm tay lái bát
biết khôn, khéo giữ sợi neo thày
chờ tan giông tố, đường xưa lại
kẻo trẻ bơ thờ, khấp khởi đây”.
Bên cạnh những bài thơ này còn có một số bài như “Hoài giai nhân”, “Cựu nghĩa trùng phùng”, “Đêm nằm mơ tưởng – tưởng mơ, chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không” và bài “Đôi ta chẳng mốt thì mai, chẳng trong tháng chạp cũng ngoài tháng giêng” được viết rất trữ tình và đằm thắm, một lần nữa cho ta thấy cái tình của thi nhân xưa mới lai láng, mới chan chứa đến dường nào. Đặc biệt, bài thơ “Đôi ta chẳng mốt thì mai” không chỉ hay về mặt nội dung, mà còn độc đáo trong cách thể hiện với lối vừa gieo vần vừa chơi chữ. Cho nên, có người còn gọi bài thơ này là bài “Xô cô vô ô rô”. Tuy nhiên, đặc sắc nhất trong mảng thơ trữ tình của Nhiêu Tâm vẫn là chùm thơ tình nhân thế.
Chính vì sống gần gũi với nhân dân lao động, cảm nhận họ bằng trái tim, thương yêu họ bằng tấm lòng, nên những tác phẩm mà Nhiêu Tâm viết về nhân dân lao động bao giờ cũng thấm đượm một tình người sâu sắc. Mặc dù vẫn mang hơi hướng trào lộng cố hữu, nhưng giọng văn của ông ở đây đã khác hẳn với giọng văn như khi ông viết về tầng lớp quyền quý – danh gia vọng tộc. Một bên là sự giễu cợt, mỉa mai những thói hư tật xấu của người đời, còn một bên là nỗi xót xa cho những thân phận nghèo khổ, bần hàn hoặc những cảnh huống éo le, trớ trêu trong đời người. Không kể bài “Nói con chị, cưới con em” đã được đề cập trên đây, trong chùm thơ này còn có những bài rất hay như bài “Vợ khóc chồng chết trôi” :
“Ba chìm bảy nổi, khá thương ôi
một giấc mơ màng, vạn sự thôi
biển thẳm, trầm ai nên đến thế
sóng xao lấp ló, ối thôi rồi!
Trăm năm chẳng đặng vầy con vợ
một phút nào hay rẽ ống – nồi
đến tiết đông thiên thêm lạnh lẽo
theo loài thủy quỷ gởi hồn trôi”.
Hoặc bài “Khóc chú chệt chết” :
“ …Xưa ở dương gian còn sính sái
nay về âm phủ hết lô xô
trời Nam một phút xiêu hồn phách
đất Bắc ngàn thu lạc mả mồ”.
Mới đây, chúng tôi vừa tìm thấy năm bài thơ là các bài “Con ếch”, “Con trâu” kỳ nhất, kỳ nhì, kỳ tam và bài “Sen thơ” của Nhiêu Tâm được in trên báo “Nông cổ mín đàm” số 245 và 254, xuất bản năm 1906. Ngoài bài “Con ếch” nhằm châm biếm, giễu cợt loại người hời hợt, nông cạn ở đời, những bài còn lại đều là những bài được viết để ngợi ca nhân dân lao động, những con người thật thà, chất phác, một nắng hai sương làm việc quên mình vì người khác, và nếu chẳng may có bị xô đẩy ra giữa dòng đời đen bạc, thì với bản chất thuần hậu của những con người được sinh ra từ đất và nước, sống cùng đất và nước, họ vẫn giữ được một tấm lòng trong sạch, thanh cao như những đài sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Với 22 bài thơ, mỗi bài một vẻ mà bài nào cũng hay, Nhiêu Tâm đã đóng góp cho thi đàn Việt Nam những bông hoa quý vừa thơm vừa lạ. Không chỉ là một nhà thơ xuất sắc, giữa cuộc sống đời thường, ông còn là một nhà nho mẫu mực, suốt đời sống ngay thẳng, giản dị, thanh bạch, được học trò và dân làng Sơn Đông thương yêu và kính trọng. Năm 1911, khi ông mất, vì không vợ con quyến thuộc, thân bằng bạn hữu nên học trò và dân làng Sơn đông đã chôn cất, xây đắp phần mộ và hương khói cho ông cho đến ngày nay. Năm 2002, Sở Văn hóa – Thông tin Vĩnh Long đã xây cất lại phần mộ Nhiêu Tâm và tiếp tục triển khai đề án tôn tạo để khu tưởng niệm nhà thơ được hoàn chỉnh và trở nên đẹp đẽ hơn. Mỗi khi có dịp trở lại làng Sơn Đông, ra thăm mộ Nhiêu Tâm nằm giữa đồng làng, thắp nén nhang thơm lên mộ người xưa, rất nhiều anh em văn nghệ sĩ đã không ngăn được dòng cảm xúc dâng tràn…
Trước năm 1975, tên Nhiêu Tâm đã được đặt cho một con đường ở Sài gòn. Ngày nay, con đường này nằm ở khu vực Chợ Lớn thuộc Phường 5, Quận 5 – TPHCM. Đó là một con đường nhỏ nằm bên cạnh chợ Hòa Bình. Nơi đây có rất nhiều người dân lao động tập trung về làm ăn buôn bán, trong đó có một số là người Hoa làm gợi nhớ đến bài thơ khóc thương chú chệt năm nào. Chợt mơ một ngày sẽ có một con đường được mang tên Nhiêu Tâm trong số những con đường đang mở ra trên đất Vĩnh Long, mảnh đất vốn yêu sự học và là quê hương của biết bao bậc danh nhân hiền sĩ. Sinh thời, trong bài “Tự thán”, Nhiêu Tâm đã từng viết : “Cầu nhơn tự cổ nhơn năng đắc/ tạo vật hà tu phụ lão thành”, có nghĩa là “Từ xưa, việc nhân nghĩa thường cầu là được/ vậy mà tạo vật đành nỡ phụ ta”. Lại nhớ thi hào Nguyễn Du xưa cũng có câu : “Bất tri tam bách dư niên hậu/ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” – “Không biết ba trăm năm sau nữa/ thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Đủ biết, lòng thi nhân quả lắm đa đoan. Nhưng, lịch sử vốn rất công bằng. Với Nhiêu Tâm, những tác phẩm mà ông để lại cho đời đã đủ để lưu danh, huống chi rằng, một con người suốt đời chỉ mong điều nhân nghĩa như ông thì làm sao người sau không thương nhớ.
Thu Hà – THVL