Những con nước chảy ào ào này thường cuốn theo từng đàn lạch (gần giống con lươn), con nào con nấy bụng căng đầy trứng.
Có thể chế biến lạch thành nhiều món ăn ngon, mà phổ biến là lạch um nghệ, ớt. Người thôn quê thường chuộng nghệ củ, có mùi thơm và màu vàng rực. Lạch làm sạch để ráo nước, chặt từng khúc nhỏ cho vào nồi ướp bằng muối hầm, bột ngọt, tiêu, ớt, nghệ, độ mươi phút thì bắc lên chảo um, bí quyết ở chỗ là để lửa liu riu. Đợi nước đặc lại dần theo bong bóng lụp xụp, nhấc ra, ăn với cơm nóng trong tiết trời se lạnh thì không gì bằng!
Món lạch nấu canh chua cũng ngon không kém, nhưng nếu không kể đến món cháo thì thật thiếu sót. Cháo lạch bổ và dễ ăn. Luộc lạch cho mềm, vớt ra gỡ lấy thịt, um với gia vị. Khi cháo sôi, để lửa liu riu cho gạo chín nhừ, thỉnh thoảng khuấy cháo để tránh bị dính đáy nồi gây khê. Cháo lạch phải ăn lúc còn bốc khói thơm lừng, kèm thêm ít loại rau thơm, đặc biệt, bỏ tiêu thật cay, để vừa ăn vừa hít hà và cảm nhận hết mùi vị thơm ngon của sản vật sông nước miền Trung.
Người làng tôi kể, mùa lũ xưa lạch về từng đàn, bây giờ thì hiếm lắm. Nhưng năm nào cũng vậy, như thành lệ, cứ đến mùa lũ, thế nào mẹ tôi cũng đi "săn lùng" lạch, chỉ vài con thôi cũng "thỏa nỗi mong chờ!".
Theo PNO