Bên bờ hạnh phúc

“Ông là một thiên tài sáng tạo, làm thay đổi cả khuynh hướng của thế giới. Chanel đem lại cho phụ nữ sự tự do, nhưng chính ông mới trao cho họ quyền lực”, nhà thiết kế lừng danh Tommy Hilfiger nhận xét về ông – Yves Saint Laurent – nhà thiết kế thời trang danh tiếng người Pháp, một trong những nhân vật tài năng nhất của thế hệ của mình.

Yves Saint Laurent

Yves Saint Laurent đã trở thành bất tử từ năm 1983, khi Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ) tổ chức triển lãm các sáng tác của ông. Trước đó, chỉ có những nhà thiết kế quá cố mới có vinh dự này.

“Quần áo hợp nhất mọi giấc mơ tôi”

Yves Saint Laurent, chàng trai cao, gầy, luôn giấu mình trong bộ vest đen trầm lặng, 18 tuổi đã làm trợ lí cho nhà thiết kế huyền thoại Christian Dior.

Yves, nhà thiết kế thời trang đã dám trình diễn những váy áo bằng chất liệu trong suốt vào thời điểm mà phụ nữ còn ngại ngùng khi mặc bikini trên bãi biển, thật ra luôn thu mình lại trong hình ảnh của một nghệ sĩ bị dằn vặt bởi những bí mật, những u uẩn không thể nói.

Trước khi cha chết, ông mới dám thú nhận với cha rằng mình là một người đồng tính luyến ái.

Với cộng sự Pierre Berge, Yves là người luôn sợ thất bại. Ông trốn căng thẳng vào ma tuý và rượu ngay khi mới khởi nghiệp, và mắc cạn với những vấn đề quẩn quanh của chính mình, dù luôn cho ra đời những bộ sưu tập kỳ diệu.

Yves Saint Laurent trong những phút trên sàn diễn

Năm 1960, khi bị buộc phải rời khỏi Dior sau hai năm làm việc để phục vụ trong quân ngũ, trong hơn một tháng sau đó, Yves đã bị quỵ ngã về thần kinh. Ông phải vào điều trị ở bệnh viện quân y tâm thần Val de Grace nhiều tháng.

Yves nhớ lại : “Tôi đã biết nỗi sợ hãi và kinh hoàng của sự cô đơn. Tôi đã vừa sống ở địa ngục… nhà tù của sự tuyệt vọng… ”. Ông cũng có thời gian phải chữa trị vì sử dụng ma tuý.

Yves ít khi xuất hiện trước công chúng và người hâm mộ. Sức khoẻ và tâm lí ông không ổn định từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều nguồn tin cho rằng ông luôn bị chứng trầm uất, đặc biệt khi công ty đóng cửa sau một thời gian thua lỗ nặng nề.

“Chúng ta phải đối diện với sự thật là công ty đã không còn khả năng vực dậy được nữa trong sự cạnh tranh khốc liệt của thế giới thời trang hôm nay. Tôi không muốn nói lời chia tay với 158 trợ thủ đã sát cánh bên mình trong những ngày sóng gió, nhưng đã đến lúc phải đặt dấu chấm hết cho một câu chuyện tình suốt 40 năm qua” – Yves đau buồn tuyên bố năm 2002.

Kể từ đó, báo chí nhiều lần đưa tin về tình trạng của ông, kèm theo những dẫn chứng về việc lạm dụng rượu và ma tuý.

Ở tuổi 70, Yves Saint Laurent, người được coi là nhà tạo mẫu vĩ đại nhất thế kỉ XX, đã bất ngờ ngã gục trên đường phố Paris trong một ngày cuối tuần.

Một nhân chứng cho biết : “Yves đột ngột khuỵu xuống. Một cú ngã vô cùng nguy hiểm” – tạp chí People đưa tin. Đó là dấu hiệu cho thấy thể trạng ông đã bắt đầu suy kiệt. Vào đêm 1/6 vừa qua, ở tuổi 71, Yves qua đời sau một thời gian dài lâm trọng bệnh.

Một trong số những bộ sưu tập thành công nhất của Yves, tên là Mondrian, được trình diễn vào năm 1965, lấy cảm hứng từ bức tranh của một hoạ sĩ Hà Lan. Bộ sưu tập thành công đến mức, sau Paris, đã được trình diễn lần thứ 2 cho những người hâm mộ Mỹ tại New York.

Mẫu thiết kế của YSL

“Quần áo hợp nhất mọi giấc mơ tôi” – ông nói sau buổi diễn – “Mọi đam mê của tôi trong tiểu thuyết, opera, những bức tranh… đó là trái tim của tôi, đều có trong tập hợp này”.

"Đế chế" của thời trang cao cấp mãi còn

Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn khẳng định, Yves Saint Laurent không chỉ là một thương hiệu, mà thực sự là một cuộc cách mạng về thời trang.

Bản thân Yves cũng tuyên bố đầy tự hào : “Thời trang không chỉ làm cho phụ nữ đẹp, mà còn đem lại cho họ sự tự tin…. Tất cả phụ nữ đều tìm đến tôi, vì họ chẳng kiếm được bộ váy ưng ý ở bất kì nơi nào khác”.

Vào năm 1992, trong một lễ kỉ niệm tại nhà ngục Baxti – Paris, bộ sưu tập của Yves được chú ý đặc biệt bởi 2.750 người hâm mộ, khi 100 mẫu thiết kế của ông dùng đến những đường nét trang phục trong ba thập niên trước.

Phóng viên Morris Bernadine của Thời báo New York ghi lại : “Điều lạ lùng trong những bộ quần áo này, là không thể nhìn được, ghi được ngày tháng”.

Là nhà tạo mẫu hàng đầu thế giới, Yves Saint Laurent đã tạo nên phong cách ăn mặc mới cho phụ nữ thế kỉ XX. Ông dùng quần áo thường ngày như trang phục nam giới, quân phục… cộng với tài năng thiết kế, lựa chọn chất liệu, biến chúng thành những bộ đồ rất cá tính dành cho phụ nữ.

Phong cách hippy, các bộ complet nữ, quần áo bó, bốt cao cổ… của nhãn hiệu Yves Saint-Laurent (với chữ viết tắt "kinh điển" YSL) nhanh chóng được nhiều phụ nữ hiện đại yêu thích và trở thành mốt. Ông tiên đoán sự thay đổi của xã hội theo cái cách mà chưa một nhà thiết kế nào làm được, và có lẽ sẽ không ai có thể làm được.

Các bộ sưu tập phản ánh sự thay đổi về vai trò của phụ nữ trong xã hội, nhấn mạnh vào sự tự tin, năng động và quyến rũ. Yves Saint Laurent cũng có lần nói : “Tôi tìm ra phong cách của tôi thông qua phụ nữ. Tôi thiết kế dựa trên thân thể người phụ nữ, từ đó mà tìm thấy sức sống và sự mạnh mẽ”.

Yves là người đi tiên phong trong giới thời trang khi đưa người mẫu da đen lên sàn catwalk. Và không chỉ chú ý đến thời trang cao cấp, Yves cũng không quên giới bình dân, với những bộ đồ may sẵn hợp thời trang, giá cả phải chăng. Hãng của ông cũng thường xuyên bán đại hạ giá để phục vụ đông đảo nhân dân. Ông đã tạo nên những bước chuyển gây kinh ngạc.

Trong xu thế thay đổi liên tục của thời trang, Yves xuất hiện và trở thành nhà thiết kế có ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài nhất, vượt qua cả thời đại của mình. Cùng với Christian Dior và Coco Chanel, Yves góp phần định hình thế giới thời trang thế kỉ XX, gây dựng nên Paris – kinh đô thời trang hoa lệ.

Tờ Independent của Anh nhận xét : “Yves đã vĩnh viễn thay đổi quan niệm về thời trang trong cách không bao giờ mang đến sự lỗi mốt”.

Đinh Phương Linh (Tổng hợp) – Theo Vietnamweek

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *