Bên bờ hạnh phúc

– Đối với phụ âm xát thanh hầu h- :

Có sự thống nhất giữa hai cách phát âm ở các địa phương Nam bộ đối với những tiếng như “hoa”, “huy”, “huyên”. Phụ âm h- trong những trường hợp này được phát âm là w- (wa, wi, wiêng). Ở đây, việc bỏ mất âm đệm kèm theo sự biến đổi của phụ âm h- thành phụ âm xát môi – môi không bị xem là cách phát âm nhà quê, mà được xem là cách phát âm Nam bộ chuẩn. Tuy nhiên, có thể thấy, quan niệm này đang dần dần thay đổi. Gần đây, trong cách nói của giới trẻ thường nghe “hòa”, “huy” thay vì “wà”, “wi”. Đây có thể xem như là một biểu hiện tích cực của xu hướng chuẩn hóa trong phát âm ở phương ngữ Nam bộ.

– Đối với phụ âm k-, g- và ?- :

Trên đại thể, hiện nay, âm đệm sau các phụ âm này cũng không thấy trong cách phát âm tiếng Nam bộ chuẩn. Các âm tiết như “qua”, “goa”, “oa” đều được phát âm giống nhau là “oa”. Đặc biệt, cách phát âm “cu” với một phụ âm đầu tắc gốc lưỡi dường như vẫn còn khá xa lạ với đối với người Nam bộ. Nhiều người xem tổ hợp cu- là chữ w- và âm tiết “qua” được người Nam bộ đánh vần là “wờ-a-wa”. Tuy nhiên, trong nhóm các phụ âm đang xét, g- và ?- có khả năng được phát âm gần giống như tiếng chuẩn. Một số người phát âm phân biệt “uyên” và “quyên” (?uyên/ wiêng), “góa” và “quá” (?óa/ wá).

Tóm lại, có thể xem việc du nhập trở lại âm đệm w- như là một dấu chỉ của xu hướng chuẩn hóa về ngữ âm trong tiếng Nam bộ. Đây là một quá trình diễn ra dần dần, tác động đến từng từ một, nhưng phải nói là liên tục. Có những cách phát âm được mọi người xem là “chuẩn Nam bộ” (như “hoa”, “oa” được phát âm thành “wa”) cũng đang dần dần được thay đổi theo hướng gần với tiếng chuẩn toàn dân hơn. Điều này thể hiện rõ nhất ở ngôn ngữ của lớp trẻ, có học (học sinh, sinh viên… ). Có lẽ trong tương lai, trong phương ngữ Nam bộ sẽ không còn giới hạn phân bố nào về âm đệm nữa.

2/ Sự thay đổi ở phụ âm đầu

Ở khu vực phụ âm đầu, trong tiếng Nam bộ cũng diễn ra một số biến đổi theo xu hướng chuẩn hóa. Đáng chú ý là những trường hợp sau đây :

+ Âm đầu v-

Phụ âm này trong cách phát âm Nam bộ là [y] hay [bj]. Cách phát âm [bj] phản ánh nguồn gốc là một phụ âm môi của âm v- và được nhiều người xem là cách phát âm chuẩn của Nam bộ. Có thể gặp cách nói này ở ngôn ngữ của những người trí thức Nam bộ lớn tuổi, ở ngôn ngữ nghệ thuật cải lương và ở cách phát âm của các xướng ngôn viên các đài phát thanh – truyền hình nói giọng Nam bộ. Tuy nhiên hiện nay, trong những tình huống nói năng trang trọng, người Nam bộ có xu hướng phát âm v- giống như tiếng chuẩn, là một phụ âm xát (môi – răng hoặc môi – môi). Điều thú vị ở đây là không phải nhất loạt mọi âm v- đều được phát âm là v-, mà nó lệ thuộc vào từ vựng cụ thể. Các từ thường được phát âm với v- là “về”, “vấn đề”, “vĩ (mô)”, “vi (tính)”, tức là những từ thuộc phạm vi chính trị hay khoa học kỹ thuật hay có tính chất lý luận. Còn những trường hợp khác, cách phát âm v- thành d- vẫn được chấp nhận. Có thể thấy trong cùng một câu có hai cách phát âm v- cùng song song tồn tại, chẳng hạn như : “Về vấn đề này, tôi với anh sẽ bàn tiếp vào ngày mai”. Cách phát âm v- nêu trên là một thí dụ minh họa sinh động cho cách thức biến chuyển ngữ âm nói chung : Sự chuyển biến ngữ âm của một âm nào đó không phải diễn ra tức thời, đồng loạt ở tất cả các từ có chứa yếu tố ngữ âm đó, mà nó diễn biến từ từ, thông qua con đường từ vựng. Âm v- trong cách phát âm chuẩn đang du nhập vào tiếng Nam bộ thông qua những từ chính trị, khoa học và thường được sử dụng trong những tình huống nói năng trang trọng. Trong phạm vi gia đình, cách phát âm v- thành d- vẫn còn phổ biến.

TS Nguyễn Văn Huệ – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *