Bên bờ hạnh phúc

Tranh vỏ tràm có nguồn gốc là tranh dân gian. Xưa kia, vào các dịp lễ hội như cúng đình, cúng chùa, nghệ nhân dân gian ở các địa phương thường sử dụng những chất liệu có sẵn trong thiên nhiên như vỏ hoặc lá cây để tạo nên những bức tranh dùng trang trí cho khung cảnh tại các lễ hội này. Đó là các loại vỏ và lá cây như vỏ tràm, lá đủng đỉnh, lá bảy màu, lá xoài khô v.v… Họa sĩ Bửu Lộc, thuộc Phân hội Mỹ thuật – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh long kể rằng, trước đây, khi còn nhỏ, chính anh đã từng chứng kiến các nghệ nhân dân gian làm tranh lá, trong đó có vỏ tràm.

Tuy nhiên, tranh lá dân gian có một hạn chế là không bảo quản, lưu giữ được lâu. Qua mùa lễ hội, thì tranh phai tàn. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của thể loại tranh lá dân gian, một số họa sĩ thuộc thế hệ mới rất muốn bảo tồn và phát huy loại tranh này. Qua nhiều lần nghiên cứu, họ nhận ra rằng, trong số các chất liệu bằng cây lá, chỉ có vỏ tràm là có khả năng chịu đựng được sự thử thách nghiệt ngã của thời gian. Ngoài ra, nó còn có khả năng chịu đựng được thời tiết lạnh, khí hậu hanh khô. Song, điều tuyệt vời nhất ở vỏ tràm chính là khả năng trở màu của nó, có nghĩa là thời gian trôi qua nhiều chừng nào thì màu vỏ càng trở nên đậm đà chừng ấy, khiến cho bức tranh nhìn càng đẹp hơn. Vậy là có một thể loại tranh mới ra đời. Đó chính là tranh vỏ tràm.

 
Đặc trưng trước hết của tranh vỏ tràm là màu sắc. Là chất liệu của thiên nhiên, một thiên nhiên hiện hữu ngay trong đời thực, tranh vỏ tràm nhìn chung rất ấm áp và gần gũi với cảm nhận của người dân ở ĐBSCL nói riêng cũng như ở vùng Đông Nam Á nói chung. Trong nghệ thuật sáng tác tranh vỏ tràm, nguyên tắc căn bản nhất là không cho phép sử dụng các loại màu vẽ thông thường, hay còn gọi là màu cơ học, để dặm vào, mà phải sử dụng 100% nguyên liệu là vỏ tràm. Nguyên tắc này có lẽ là nhằm để bảo đảm cho tác phẩm đạt đến mức độ hoàn hảo xét theo khía cạnh thẩm mỹ. Cũng chính vì vậy, màu sắc trở thành một trong số những vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đối với người họa sĩ sáng tác tranh vỏ tràm.

 
Vỏ tràm có 4 màu cơ bản, đó là các màu : trắng, vàng nhạt, nâu nhạt và nâu đậm. Vỏ tràm có cấu tạo tự nhiên khá đặc biệt, bao gồm nhiều lớp vỏ mỏng xếp chồng lên nhau. 4 màu cơ bản của vỏ tràm được phân bố theo nguyên tắc : càng vào trong thì màu vỏ càng nhạt dần. Chính vì vậy, khi phân loại màu cho chất liệu, người họa sĩ phải dùng tay cẩn thận tách từng lớp vỏ ra. Ngoài 4 màu cơ bản, thỉnh thoảng, người ta còn tìm thấy trong vỏ tràm một màu tím nhạt rất đẹp. Họa sĩ Hà Thanh, ở An giang, cho biết, cây tràm càng già, vỏ cây càng dày thì màu sắc của nó sẽ càng đẹp. Ngày nay, người ta ít khi kiếm được vỏ tràm cho màu sắc đẹp như ngày xưa, đó là bởi tuổi của cây tràm đã ngắn lại. Độ dày của vỏ tràm ngày nay chỉ bằng khoảng phân nửa của vỏ tràm ngày trước. Chính vì vậy, đôi khi, do không tìm được những màu sắc như ý trên chất liệu tự nhiên, người họa sĩ phải tìm cách để tạo ra độ đậm nhạt, hay còn gọi là độ sáng tối cho vỏ tràm để có thể dễ dàng ứng dụng vào trong sáng tác. Có một số cách để tạo màu cho vỏ tràm. Thí dụ như hơ khói để có tông màu tối, như màu đen, hay ngâm nước cà-phê để có màu cà-phê, ngâm bùn để có tông màu sáng, như màu xám nhạt v.v… Cùng với 4 màu cơ bản có sẵn của vỏ tràm, những màu sắc này sẽ góp phần tô điểm cho tác phẩm thêm rực rỡ.

Do có đặc trưng là chất liệu của tự nhiên, có thể nói, tranh vỏ tràm rất thích hợp với đề tài phong cảnh thiên nhiên, hoặc đề tài về đời sống dân dã trong chính môi trường sinh trưởng của cây tràm. Một vài tác giả có nhiều năm theo đuổi nghệ thuật tranh vỏ tràm còn thể nghiệm việc đưa đề tài lịch sử, đề tài thiếu nữ hoặc tĩnh vật vào trong sáng tác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đề tài phong cảnh thiên nhiên dường như đã chiếm được ưu thế trong thể loại này.

Họa sĩ Quốc Mỹ, hiện đang sống và làm việc tại thị trấn Cái dầu, thuộc huyện Châu phú, tỉnh An giang, là người đã mở đường cho nghệ thuật tranh vỏ tràm ở ĐBSCL. Vào những năm 80, khi còn đang làm công tác giảng dạy Mỹ thuật tại Vĩnh long, chính ông là người đầu tiên đã bắt tay vào việc thử nghiệm sáng tác tranh vỏ tràm. Xưa kia, khi còn ở tuổi ấu thơ, ông từng phụ giúp cho các nghệ nhân ở địa phương trong việc sáng tạo những mô hình nghệ thuật tranh lá dân gian, phục vụ cho các dịp lễ hội của người dân trong vùng. Về sau này, có một lần tình cờ ông tìm thấy một tài liệu đề cập đến việc có thể sử dụng vỏ tràm để làm chất liệu trong sáng tác hội họa. Vậy là khi có cơ hội, họa sĩ Quốc Mỹ liền bắt tay ngay vào việc thử nghiệm. Rồi từ ngày đó đến nay, họa sĩ Quốc Mỹ đem mình gắn bó với nghệ thuật này, sâu sắc đến nỗi chính ông cũng không ngờ rằng hơn hai mươi năm đã trôi qua. Chuyên tâm với tranh vỏ tràm, họa sĩ Quốc Mỹ đã sáng tác được hàng trăm tác phẩm. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu mà ông còn giữ được cho đến bây giờ như “Ô Tà sóc – mật khu Tỉnh ủy An giang”, “Khởi nghĩa Bãi thưa”, “Hoa sen”, “Thái sơn vẫy gọi”, “Gió lộng Trường sơn”, “Phong nha – Kẻ bàng”, “Cầu treo hình mái nhà” v.v… Họa sĩ Quốc Mỹ là người sống độc thân. Trong con mắt của người họa sĩ – nghệ sĩ như Quốc Mỹ, thiếu nữ là rất đẹp, rất nhẹ nhàng. Vậy mà ông nói, đối với ông, vỏ tràm còn đẹp, còn nhẹ nhàng hơn cả thiếu nữ. Đủ hiểu là ông đam mê nghệ thuật này như thế nào. Năm nay, Quốc Mỹ đã 72 tuổi, nhưng hàng năm, ông vẫn sáng tác tranh để tham dự các Triển lãm Mỹ thuật được tổ chức ở cả trong và ngoài tỉnh. Trong những năm vừa qua, ông lần lượt giành được các giải thưởng của Hội Văn nghệ tỉnh An giang với các tác phẩm “Trường sơn vẫy gọi”, “Phố cũ Cái dầu” và “Cầu treo hình mái nhà”.

 
Ở An giang chỉ có hai người làm tranh vỏ tràm. Ngoài Quốc Mỹ, thì người còn lại là Hà Thanh. Trung thành với phong cách truyền thống, Hà Thanh làm tranh vỏ tràm rất cẩn thận. Nhìn Hà Thanh dán tranh tỉ mẩn từng ly từng tí, bỗng nhớ họa sĩ Lâm Chiêu Đồng ở Vĩnh long khi anh làm tranh xé dán. Cũng một phong cách cẩn trọng, kỹ lưỡng trong từng chi tiết nhỏ để cuối cùng tạo nên một tổng thể hài hòa và rực rỡ. Gắn bó với quê hương, cả đời gần như chẳng mấy khi ra khỏi cái xóm nhỏ ở mãi tận Vịnh tre của Châu phú – An giang xa xôi, con mắt yêu cái đẹp của Hà Thanh gắn liền với những hình ảnh đã quá quen thuộc với anh như là phong cảnh của quê hương, cảnh sinh hoạt dân dã đời thường và đôi khi mới là đề tài về thiếu nữ và tĩnh vật hoa. Đơn giản vậy, nhưng may mắn cho Hà Thanh biết bao, đó lại chính là hồn cốt của thể loại tranh vỏ tràm. Là sự tổng hợp của cảm xúc sâu sắc về cái đẹp, cộng với đôi bàn tay khéo léo, tinh thần lao động nghệ thuật quên mình, những tác phẩm của Hà Thanh theo thời gian đang đạt đến một sự hài hòa sâu xa trong màu sắc, trong bố cục và trong kỹ thuật thể hiện. Một số tác phẩm của Hà Thanh phải nói là rất đẹp, gợi lên những cảm xúc sâu lắng.

Ở ĐBSCL hiện nay, nghệ thuật tranh vỏ tràm mới chỉ xuất hiện ở một vài nơi, thí dụ như ở Vĩnh long, Cần thơ, An giang và Kiên giang. Ở Kiên giang, nghệ thuật tranh vỏ tràm toát lên ba dấu ấn. Thứ nhất là về màu sắc. Khác biệt với vỏ tràm ở các vùng Đồng tháp, An giang chỉ có những sắc màu ấm như đã kể trên, vỏ tràm của Kiên giang còn điểm màu xanh lá của rong rêu. Các họa sĩ ở đây giải thích rằng, do rừng tràm ở U minh không bị ngập nước như rừng tràm ở các miệt trên, nên khi trời mưa, nước mưa đọng lại trên thân cây tràm, tạo thành rong rêu. Chính vì vậy, tác phẩm tranh vỏ tràm của Kiên giang có đặc trưng riêng biệt là pha màu xanh rêu, rất thích hợp cho các đề tài mô tả phong cảnh cây rừng, núi non v.v…

 
Phát triển muộn hơn những nơi khác như Vĩnh long, An giang, nhưng các họa sĩ làm tranh vỏ tràm ở Kiên giang hiện nay đang xây dựng ý tưởng thành lập một tổ hợp sản xuất tranh vỏ tràm để đưa sản phẩm ra thị trường. Người đứng đầu tổ hợp này là anh Trương Hữu Võ, một họa sĩ nghiệp dư xuất thân từ một giáo viên dạy mỹ thuật ở Trường Trung học và Nhà Thiếu nhi tại địa phương. Đam mê nghệ thuật tranh vỏ tràm, nhạy cảm với một thị trường thương mại – du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ, họa sĩ Trương Hữu Võ quyết tâm đưa nghệ thuật tranh vỏ tràm trở thành một loại sản phẩm mang đậm chất văn hóa địa phương đến với những khách du lịch ở phương xa.

Dấu ấn thứ ba, là Trần Quốc Dũng. Hoàn toàn khác biệt với một Hà Thanh cẩn trọng đến từng chi tiết, cái cách mà Trần Quốc Dũng thể hiện tranh vỏ tràm mới thật là phóng khoáng. Chưa kịp ngoảnh đi ngoảnh lại, tác phẩm đã hiện lên dưới đôi tay anh nhanh như được làm phép với những đường nét mạnh mẽ mà không kém phần ấn tượng. Nhìn anh làm tranh, lúc đầu chúng tôi cứ băn khoăn, có lẽ nào Trần Quốc Dũng làm tranh theo kiểu “trăm hay không bằng tay quen” chăng? Nhưng không! Sống ở một địa phương vùng sâu vùng xa như Giồng riềng, là quê hương anh, ở cái nơi mà tranh nghệ thuật là một nhu cầu quá xa xỉ đối với người dân, Trần Quốc Dũng chưa bao giờ lấy việc sáng tác tranh nghệ thuật làm kế mưu sinh. Mỗi một năm, Trần Quốc Dũng chỉ làm một tác phẩm duy nhất để tham dự Triển lãm Mỹ thuật do Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức. Trong 7 năm kể từ lần đầu tiên tham dự Triển lãm Mỹ thuật An giang trong năm 1999 cho đến nay thì Trần Quốc Dũng cũng mới chỉ làm có 7 tác phẩm. Trong số đó, anh đã đạt được những giải thưởng như sau : tác phẩm đầu tay “Chiều” đạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL năm 1999, giải khuyến khích do Hội Mỹ thuật Việt nam trao tặng cho các tác phẩm “Đi học” “Mùa vàng” tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL trong hai năm tiếp sau đó, tức là vào các năm 2000 và 2001. Tài hoa và yêu nghệ thuật, nếu ở một môi trường khác, sống trong một hoàn cảnh khác thuận lợi hơn, thì chắc hẳn Trần Quốc Dũng sẽ còn đi rất xa trên con đường này.

Là họa sĩ vẽ màu nước và sơn dầu, được biết đến nhiều với tư cách là một họa sĩ chuyên về tranh sơn dầu theo trường phái siêu thực, nhưng bị chi phối bởi một ký ức đầy ắp những kỷ niệm êm đềm về tranh lá dân gian, họa sĩ Bửu Lộc, hội viên Phân hội Mỹ thuật, thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Vĩnh long, vẫn luôn dành một phần trong tình yêu và lòng đam mê hội họa của anh cho tranh vỏ tràm. Làm tranh vỏ tràm từ những năm 80, họa sĩ Bửu Lộc từng có một bức tranh đạt kỷ lục về kích thước, đó chính là bức tranh mang chủ đề Cách mạng tháng Tám, có kích thước 2,5×8 m. Yêu thích những ấn tượng mạnh mẽ, họa sĩ Bửu Lộc thường thể hiện phong cách hiện đại trong khi sáng tác, kể cả trên chất liệu vỏ tràm. Ở chất liệu này, với chủ đề chính là phong cảnh thiên nhiên, các tác phẩm của anh thường đem lại ấn tượng về một không gian rộng lớn, có nhiều nắng và gió. Cách làm này cũng rất gần với phong cách của Trần Quốc Dũng ở An giang.

Hiện nay, tranh vỏ tràm đã được đánh giá ngang tầm với các thể loại truyền thống khác của hội họa đương đại như tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh bột màu v.v… Tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL cũng như Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc được tổ chức hàng năm, trong những năm gần đây, một số giải thưởng đã được trao cho thể loại tranh vỏ tràm. Còn trên thị trường, với tư cách là sản phẩm nghệ thuật, chứa đựng bản sắc văn hóa địa phương, tranh vỏ tràm được dự báo là có xu hướng để phát triển do thú hút được sự quan tâm của khách nước ngoài. Ở Vĩnh long, nhiều năm trước đây, tranh vỏ tràm cũng đã từng có mặt trên thị trường bán các mặt hàng sản phẩm văn hóa cho khách du lịch đến thăm quan Vĩnh long, được khách nước ngoài rất ưa chuộng.

Mỗi một loại hình nghệ thuật ra đời và được bảo tồn là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, những nỗ lực mà các họa sĩ ở ĐBSCL đã và đang dành cho nghệ thuật sáng tác tranh vỏ tràm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy một hình thái nghệ thuật dân gian mang đậm dấu ấn của nền văn hóa bản địa là rất đáng quý. Độc đáo với người phương xa, gần gũi với người ở địa phương, tranh vỏ tràm chứa đựng những giá trị mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ có đủ cơ hội để khám phá hết. Nếu phải sống xa xứ, giữa mùa đông tháng giá, hay đơn giản là vào những ngày gió mưa giông bão mà có bên mình một tác phẩm tranh vỏ tràm, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy ấm lòng. Không chỉ gợi lên những rung động êm đềm hoặc những hồi ức tươi sáng về một thời kỷ niệm, tranh vỏ tràm còn mang đến một cảm xúc đặc biệt mà không một chất liệu nào khác có thể mang đến, đó là cảm xúc thương nhớ đồng quê, thương nhớ miền Tây.

                                                                                                     Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *