Bên bờ hạnh phúc

0/08, 8:36 am Hơn 30 năm với đồ xưa, chuyện cũ

"Toàn bộ đạo cụ dùng trong 21 tập phim Sương gió biên thùy (đạo diễn Hồ Ngọc Xum, Hãng TFS) là do một tay ông nông dân cung cấp". Nghe tin này, tôi háo hức đi tìm để rồi ngỡ ngàng khi biết người đàn ông bách nghệ ấy là chủ nhân một di sản đồ sộ về văn hóa tộc người Tây Nguyên.


K’Toàn biểu diễn thổi kèn bầu 6 ống của người Châu Ro

Trót nặng nợ núi rừng

Ông là Đỗ Văn Toàn (SN 1939). Năm 15 tuổi, cậu bé Toàn theo gia đình rời Kim Sơn, Ninh Bình vào Bảo Lộc, Lâm Đồng, để rồi như có duyên tiền định, "con mèo rừng" này gắn bó trọn đời với đại ngàn Tây Nguyên kỳ bí và đầy mê hoặc.

Vốn mang dòng máu lãng tử, lại được hồn đất hồn rừng Tây Nguyên tiếp sức nên "bệnh" phiêu du của Toàn ngày một nặng. Ngay từ thời còn cắp sách, cậu đã thích thú theo các bạn người dân tộc Châu Mạ cùng lớp về buôn Con Hiên Đạ để xem người lớn đặt bẫy bắt thú, lên rừng hái rau… Lớn lên, thích làm nghề độc lập, phục vụ cho cuộc sống phóng khoáng và cái nghiệp lãng du, Toàn theo nghề thuốc Nam gia truyền, rồi làm vườn, trồng cà phê, hái chè, thợ điện. "Nghề nào cũng gắn với núi rừng, với buôn làng nên dần dà, những phong tục tập quán, những câu dân ca, những đêm kể khan quanh chóe rượu cần của đồng bào K’Ho, Châu Mạ, Châu Ro, S’tiêng… trở thành máu thịt trong tôi" – ông Toàn bộc bạch.

Tính thương người nên khi đi hái thuốc gặp đồng bào đang phát nương làm rẫy, ông cũng xắn tay vào giúp; đi trồng cà phê, gặp đám dựng nhà của bà con, ông cũng lăn vào đẽo dui, mè, buộc thanh đòn tay, lợp mái tranh; rồi ông dạy bà con cách trồng cà phê, làm chuồng heo, chuồng gà, cứu sống người bị rắn hổ cắn… Vì thế ông được đồng bào xem như người nhà. Bà con thân mật gọi ông là K’Toàn, Tư "rừng"…

Đến các buôn làng, tiếp xúc nhiều với đồng bào các dân tộc, thấy bà con, phần do cuộc sống quá khó khăn nên không quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần; phần do chưa nhận thức đúng nên học đòi theo lối sống, cách ăn mặc, lối làm nhà cửa… của cộng đồng người Kinh ở các tỉnh phía Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới. Bản sắc văn hóa tộc người bản địa ngày càng mai một. Thấy những chiếc xà gạc, khung dệt thổ cẩm, những cây kèn Mơ pút… bị bà con vứt chỏng chơ nơi góc vườn, ven đường, bên bờ suối, K’Toàn xót lắm. "Cứ đà này rồi đây chính con cháu những người dân tộc đó cũng không biết cha ông họ sinh sống, sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần ra sao chứ chưa nói đến người của các cộng đồng khác". Trăn trở như thế nên từ năm 1977, ông bắt đầu công việc nhặt nhạnh tha lôi những thứ đồ xưa, chuyện cũ.

Nhà văn hóa… nông dân

Món đầu tiên mà ông Toàn sưu tầm được là cái xà gạc của người K’Ho. Vào một ngày luồn rừng tìm cây thuốc, trên đường về ngang thôn 3, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, ông thấy một anh trung niên đang đốt một đống rác bên vệ đường. Thấy cái xà gạc đã lên màu thời gian, trông rất bắt mắt, nhưng bị chủ nhân mang "đốt đi cho đỡ chật nhà", ông Toàn hốt hoảng moi ra, xin lại rồi mang về treo lên xà nhà như một báu vật.

Từ buổi chiều định mệnh ấy, K’Toàn càng quyết tâm dấn thân vào hành trình sưu tầm để mong lưu lại những phác họa đầy đủ và đa dạng về cuộc sống, về hành trình chinh phục đại ngàn của các tộc người bản địa Tây Nguyên. Ngày thường mải miết đi làm mướn để mưu sinh, lo cho gia đình, đến thứ bảy, chủ nhật, K’Toàn lại trở về trọn vẹn với niềm đam mê của riêng mình. Ban đầu bằng xe đạp cọc cạch, đến chiếc Honda Dame, chiếc xe máy cổ lỗ sĩ Yamaha Town Mate và nay là chiếc mô tô Rebel 250 kềnh càng, ông mải miết len lỏi đến các buôn vùng sâu vùng xa: Kơi Đạ, B’Ru, B’Riêng, TânRai, Đắk Cháy, Đam Ron, Bà Đạ… để sưu tầm từ cái muôi bằng nứa của dân tộc Mạ đến kèn Mơ pút, kèn bầu 1 ống, 6 ống, tiêu, sáo Prê của người Châu Ro, bộ trống sấm của người Êđê, dàn chiêng của người Lạch…

Những hiện vật bị quăng đi như cái bễ lò rèn, khung cửi…, được ông nhặt từ những đống rác ở bìa rừng, cuối buôn, ven đường; có đồ vật ông được bà con tặng; có hiện vật như cái bẫy hổ, gấu, hươu, nai đã thất truyền kể từ khi rừng cạn kiệt, ông bỏ tiền thuê người ta làm và cẩn thận ngồi quan sát, hỏi han, ghi chép, chụp ảnh cả quá trình tái hiện ấy.


Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông Toàn vẫn say m&eci
rc; rong ruổi sưu tầm, nghiên cứu văn hóa – Ảnh: B.V

Mỗi chuyến đi sưu tầm hiện vật, K’Toàn đều chở theo hai bao tải quần áo, giày dép, sách bút… Dừng chân ở đâu, ông cũng mở đồ ra trao tặng tận tay từng đồng bào nghèo rồi mới đi nghiên cứu phong tục tập quán, tìm mua những hiện vật để làm giàu bộ sưu tập. Ấy vậy mà có kẻ xấu bụng đặt điều rằng ông mang quần áo cũ đi gạ đổi lấy hiện vật văn hóa của bà con dân tộc để mưu cầu lợi ích cá nhân. Chuyện đến tai, ông chỉ cười bảo: "Nếu tôi tráo trở như thế, liệu từ đứa trẻ lên ba đến những ông bà lão tóc bạc ở các buôn làng có xem tôi như người thân được không? Tâm địa tôi như thế, liệu có đi sưu tầm văn hóa được chừng ấy năm ròng?".

Đã có rất nhiều người lặn lội đến tận nhà K’Toàn để gạ mua bộ sưu tập của ông với giá ít nhất là 500 triệu đồng, nhưng ông nói thẳng: "Tôi bỏ công bỏ của bao năm nay đi sưu tầm hiện vật không phải để buôn bán kiếm lời mà là mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên".

* * *

Mong ước cháy bỏng của K’Toàn là được chính quyền địa phương lưu tâm mở một khu trưng bày để ông có thể mang hết gia sản tinh thần đang chen chúc trong nhà kho chỉ có 32 mét vuông ra giới thiệu đến đông đảo công chúng. Nhưng bao năm nay tâm huyết của ông chưa được thực hiện. Đắng đót, nhưng K’Toàn không nản. Ông đang tìm mọi cách biến ngôi nhà ở 387 Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng của mình thành một bảo tàng tư nhân để làm điểm dừng chân lý thú cho những ai quan tâm đến văn hóa dân tộc, cũng là thực hiện một tâm nguyện ấp ủ từ 15 năm nay: báo hiếu người mẹ quá cố – người có công rất lớn trong cuộc đời sưu tầm văn hóa của mình.

Tôi hiểu quyết tâm cháy bỏng của K’Toàn nhưng những bữa cơm đạm bạc và căn nhà tuềnh toàng của ông lại cho thấy niềm mong mỏi ấy sẽ khó lòng thực hiện được. Giá mà!…
———————————————————-
Hơn 30 năm trời ròng rã, bước chân K’Toàn đã in dấu khắp những nẻo đường của vùng đất Tây Nguyên để sưu tầm được hơn một vạn hiện vật văn hóa, hàng ngàn bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt của đồng bào, từ chuyện vót đũa, đan lờ bắt cá, dệt vải đến những nghi lễ cúng Yàng, lễ hội cồng chiêng…, hàng trăm trang tài liệu về mọi mặt đời sống của cộng đồng 8 dân tộc anh em trên vùng đất này. Số hiện vật ấy được ông chia thành 7 nhóm: đồ gia dụng, dụng cụ săn bắt trên rừng, dụng cụ săn bắt dưới nước, dụng cụ cho nghề rèn, dụng cụ nghề dệt thổ cẩm, công cụ phát nương, trồng trọt và thu hoạch, dụng cụ phục vụ đời sống tinh thần. Trong đó, đáng chú ý là cặp vòng đeo tai bằng ngà voi, bộ đàn goong tre, bộ khố cổ dài 6-7m, bộ kèn bầu đầy đủ từ 1 – 6 ống, gùi có nắp (rất quý vì ngày nay hiếm người biết đan). Các bộ sưu tập hiện vật của ông cũng rất đa dạng về chủng loại: hơn 300 con dao, gần 100 công cụ phát rừng làm rẫy, 50 trái bầu đựng nước, 20 loại cối giã gạo, 12 loại trống…
———————————————————-

Bằng Vân – Thanh niên Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *