Bên bờ hạnh phúc

Học tăng tiết, khảo bài vào ngày nghỉ, thậm chí vào lớp học cả buổi tối, các học sinh cuối cấp đang bước vào cuộc đua nước rút cho kỳ thi gần kề.

Ngay sau khi có kết quả về 6 môn thi tốt nghiệp, hầu hết các trường THPT đều lên kế hoạch học tăng cường và khảo bài cho các học sinh khối lớp 12. Học trên lớp, học thêm ở nhà khiến các em dường như không còn thời gian cho những hoạt động giải trí thường ngày.

Chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới, nhiều trường tăng tiết và khảo bài học sinh khối 12. Ảnh: Hải Duyên

Xuân Mai, nữ sinh trường Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh đang phải dốc sức cho các môn thi học kỳ để giữ được kết quả học sinh giỏi theo kỳ vọng của gia đình. Ngoài kỳ thi học kỳ, trước mắt Mai còn đợt thi thử và thi tốt nghiệp chính thức đầy cam go, khiến mỗi ngày, em rời khỏi nhà từ sáng sớm, học xong ở trường là chạy đến chỗ học thêm. Có hôm, em học tới 3 ca, về đến nhà đã 21h.

"Hôm nào còn thời gian thì mới tranh thủ về nhà ăn cơm rồi lại đi học tiếp. Còn ngày nào lịch học dày quá thì trên đường chạy từ chỗ học này đến chỗ học khác, em kiếm luôn cái gì đó ăn tạm. Thi cử ngày càng khó khăn, học sinh bây giờ, ai cũng phải như em cả", Mai tâm sự.

Ngoài lịch học thông thường, nhiều trường tăng thêm ba buổi học một tuần. Một số trường còn tổ chức ôn bài vào các buổi tối hoặc ngày nghỉ.

Trường dân lập Thanh Bình, quận Tân Bình, học sinh ở lại trường ôn bài từ 19h30 đến 22h hầu hết các ngày trong tuần. "Về đến nhà thì đã khuya. Ăn uống cũng thất thường. Nhưng vì việc học hành, chúng tôi phải chấp nhận. Thấy con đi học suốt cũng thương nhưng đành vậy, vì để cháu vào trường, có thầy cô hướng dẫn sẽ yên tâm hơn. Ở nhà, bố mẹ có biết gì đâu mà kèm cặp", một phụ huynh đón đứng đón con tan ca tối, chia sẻ.

Trao đổi về việc tăng cường lịch học, Hiệu trưởng trường Thanh Bình Lê Văn Linh cho biết, trường quy định giờ ôn bài tối đa là 22h, nhưng học sinh nào thuộc bài thì có thể về sớm.

"Chúng tôi tăng cường ôn bài cho các em, nhưng cũng cân đối thời lượng để đảm bảo sức khỏe. Em nào có dấu hiệu mệt mỏi thì nhà trường sẽ cho nghỉ. Hơn nữa, trong giờ học ban ngày, các em cũng có thể tranh thủ nghỉ ngơi trong một số tiết học trống. Hơn nữa, học ở trường, các em được thầy cô hướng dẫn một cách tập trung và giải đáp kịp thời những thắc mắc", Hiệu trưởng nói.

Một áp lực khác cho các học sinh cuối cấp năm nay là việc có tới một nửa số môn thi tốt nghiệp là các môn xã hội. Đa phần các em đều "than thở" phải học bài thuộc lòng quá nhiều ở các môn thi tự luận Văn, Sử, Địa, nhất là các học sinh thuộc các ban tự nhiên.

Tuấn Hùng, nam sinh trường Nguyễn Trung Trực, Gò Vấp cho biết: "Em vốn là dân chuyên Toán, chỉ mạnh ở các môn tự nhiên. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp năm nay có đến 3 môn tự luận. Em phải tốn quá nhiều thời gian để học thuộc lòng, dù nhiều lúc học trước lại quên sau. Chỉ hy vọng đủ điểm đậu những môn này", Hùng nói.

Ngay cả với những học sinh thuộc ban xã hội thì việc học và thi tốt cùng lúc Văn, Sử, Địa cũng không dễ dàng. Một nhóm học sinh ở PTTH Phú Nhuận cho hay, dù đã được học kỹ môn Sử từ đầu, nhưng các bạn phải tốn nhiều thời gian để cùng nhau ôn và nắm thật chắc các trình tự diễn biến sự kiện, con số, ngày giờ… "Đôi khi ngày tháng các cuộc khởi nghĩa cứ lộn tung cả lên. Tụi em chọn cách truy bài lẫn nhau. Ai mà sai quá 3 lần sẽ bị phạt khao cả nhóm", Hà Ngân, một nữ sinh trong nhóm vui vẻ nói.

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng có chút ngạc nhiên trước cơ cấu môn thi năm nay của Bộ. "Nếu các trường không định hướng cho các em học đều ngay từ ban đầu thì giai đoạn này, chắc chắn các em sẽ cảm thấy luống cuống. Nhất là học sinh thường có tâm lý học tủ, hay suy đoán rồi không để tâm những môn học nào đã được chọn thi ở năm trước", cô Hoàng Lan, một giáo viên dạy Văn ở quận 10 giải thích.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *