Bên bờ hạnh phúc

(TuanVietNam) – Là tuyến hàng hải thương mại và năng lượng quan trọng của thế giới, Ấn Độ Dương ngày càng có vị trí quan trọng hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc cùng bước vào thời kỳ tranh giành ảnh hưởng tại đây.

TuanVietNam xin trân trọng giới thiệu bài viết của phóng viên Robert D.Kaplan, đăng trên tạp chí Foreign Affaires số tháng 3-4/2009 về đề tài này. (Nguồn tư liệu: Viet-studies.info)

Một chiến thuyền trên Ấn Độ Dương (Ảnh: defenseindustrydaily.com)

Robert D.Kaplan là đặc phái viên quốc gia cho tờ The Atlantic và là thành viên cao cấp của Trung tâm Vì An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (CNAS) ở Washington D.C. Ông hiện đang viết một cuốn sách về Ấn Độ Dương. Ông từng là giảng viên Danh dự đặc biệt của Bộ Quốc phòng, thuộc Viện Hải quân Hoa Kỳ.

Dù tốt hay xấu, những cụm từ như "Chiến tranh lạnh" và "Sự xung đột của các nền văn minh" đều mang những ý nghĩa nhất định. Những tấm bản đồ cũng vậy. Một tấm bản đồ chính xác có thể thúc đẩy tầm nhìn bằng cách cung cấp toàn cảnh về những xu hướng quan trọng trong nền chính trị thế giới.

Thực vậy, hiểu đúng bản đồ của châu Âu đã từng mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng đối với những ai muốn tìm hiểu thế giới trong thế kỷ 20. Mặc dù những tiến bộ gần đây về công nghệ và giao lưu kinh tế đã khuyến khích lối tư duy toàn cầu, song vẫn có một số địa điểm tiếp tục thu hút sự chú ý hơn những nơi khác. Và ở một số nơi như vậy, chẳng hạn như Iraq và Pakistan, chính trị vẫn do địa lý định đoạt.

Do vậy, ở góc phần tư Trái đất nào ngày nay người ta có thể nhìn thấy tốt nhất tương lai? Do các đặc thù về địa lý, Mỹ tiếp tục tập trung vào Đại Tây dương và Thái Bình dương. Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh đã định hình quan điểm này : Đức quốc xã, đế quốc Nhật, Liên Xô và Trung Quốc đều hướng tới một trong hai đại dương trên.

Xu hướng trên thậm chí còn hiện hữu trong các quy ước vẽ bản đồ : phép chiếu Mercator có xu hướng đặt Tây bán cầu ở giữa bản đồ, tách đôi Ấn Độ dương. Tuy nhiên, những hoạt động cướp biển ở ngoài khơi Somalia và vụ tấn công khủng bố Mumbai hồi mùa thu năm ngoái đã gợi ý, Ấn Độ dương – vùng biển lớn thứ ba trên thế giới – là sân khấu trung tâm cho những thách thức của thế kỷ 21.

Trung tâm của những thách thức thế kỷ 21

Vùng Ấn Độ dương rộng lớn hơn gồm toàn bộ vòng cung Hồi giáo, từ sa mạc Sahara cho tới quần đảo Indonesia. Mặc dù người phương Tây biết tới người Ả-rập và Ba Tư chủ yếu là những dân tộc sa mạc, song, họ cũng là những người đi biển tài ba. Vào thời Trung cổ, họ đã giương buồm từ Arabia tới Trung Quốc, truyền bá tín ngưỡng của họ trên đường đi.

Ngày nay, các vùng phía Tây của Ấn Độ dương gồm Somalia, Yemen, Iran và Pakistan, tạo nên một mạng lưới thương mại năng động cũng như một mạng lưới khủng bố toàn cầu – hải tặc và buôn bán ma túy. Hàng trăm triệu người Hồi giáo – di sản của những cuộc cải giáo thời Trung cổ – sống dọc mép phía Đông của Ấn Độ dương, ở Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia và Indonesia.

Ấn Độ dương có hai vịnh khổng lồ, đó là Biển Ả-rập và Vịnh Bengal. Gần đầu của hai vịnh trên là hai trong những quốc gia bất ổn nhất trên thế giới : Pakistan và Myanmar. Sự sụp đổ của nhà nước hay thay đổi chế độ ở Pakistan sẽ ảnh hưởng tới các nước láng giềng do những phần tử li khai Baluchi và Sindhi thân Ấn Độ và Iran sẽ mạnh lên.

Tương tự, sự sụp đổ của chế độ quân sự tại Myanmar – nơi sự cạnh tranh về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang dần xuất hiện – sẽ đe dọa tới các nền kinh tế gần kề và cần một sự can thiệp nhân đạo quy mô lớn bằng đường biển. Mặc khác, một chế độ tự do hơn ở Myanmar sẽ ngầm phá hoại vị thế thống lãnh của Trung Quốc tại đó, gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ và đẩy nhanh sự hội nhập kinh tế khu vực.

Nói cách khác, Ấn Độ dương còn là một ý tưởng, chứ không đơn thuần là một đặc trưng địa lý. Nó kết hợp tính trung tâm của Hồi giáo với chính trị năng lượng toàn cầu và sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng như Trung Quốc để tiết lộ một thế giới đa cấp, đa cực. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Quốc đã được ghi nhận một cách đúng đắn, song sự phân nhánh về quân sự mạnh không kém gì kinh tế thì chưa được chú ý.

Các cường quốc với tham vọng "đảo mắt từ đất liền ra biển"

Theo James Holmes và Toshi Yoshihara, PGS chiến lược tại Đại học Naval War của Mỹ, tham vọng trở thành siêu cường của Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như công cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng của hai quốc gia này, đã buộc họ "đảo mắt từ đất liền ra biển". Sự thật rằng họ đang chú trọng tới sức mạnh biển cho thấy, họ cảm thấy tự tin nhiều tới mức nào trên đất liền. Do vậy, bản đồ Ấn Độ dương để lộ những diễn biến của chính trị trong thế kỷ 21.

Tuy nhiên, đây vẫn là một môi trường mà trong đó Mỹ sẽ phải giữ hòa bình và giúp đảm vệ các công dân của thế giới – ngăn chặn khủng bố, hải tặc và buôn lậu, cung cấp viện trợ nhân đạo, kiềm chế sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Giống như ở Iraq và Afghanistan, Mỹ không nên làm việc trên như một kẻ quấy rầy trên bộ, dựa vào những quân đoàn thiện chiến có nguy cơ bị mắt kẹt trong xung đột bè phái, mà nên đóng vai trò là một lực lượng cân bằng trên biển, chỉ ẩn hiện trên đường chân trời.

Sức mạnh về biển luôn ít đe dọa hơn sức mạnh về đất liền : như người ta thường nói, hải quân thường thăm các cảng biển, trong khi các đội quân thì xâm lược. Các con tàu phải mất một thời gian dài mới tới được vùng chiến sự, cho phép ngoại giao phát huy sức mạnh của nó.

Khi Mỹ phản ứng với sóng thần 2004 ở Ấn Độ dương, với hầu hết các thủy thủy và lính thủy đánh bộ quay trở về tàu của họ mỗi đêm, hải quân có
thể tạo ra ảnh hưởng lớn trên bờ biển trong khi để lại một dấu chân nhỏ. Mỹ càng trở thành bá chủ về biển, các nước khác càng cảm thấy Mỹ ít đe dọa hơn.

Ngoài ra, do Trung Quốc và Ấn Độ đang chú trọng tới sức mạnh về biển của họ nên công việc quản lý sự trỗi dậy hòa bình của họ sẽ thuộc về hải quân Mỹ, ở mức độ lớn. Chắc chắn sẽ có căng thẳng giữa hải quân của ba nước, đặc biệt là khi khoảng cách về sức mạnh tương đối của họ bắt đầu hẹp dần.

Tuy nhiên, ngay cả khi quy mô tương đối của Hải quân Mỹ suy giảm trong những thập kỷ tới, Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc từ bên ngoài vùng Ấn Độ dương với một sự hiện diện lớn tại đó – một vị thế độc nhất vô nhị mà sẽ tạo cho Mỹ đòn bẩy để hành động như một lực lượng trung gian giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong sân sau của chính họ. Để hiểu điều này, chúng ta nên nhìn vào khu vực này trên bình diện hàng hải.

Vị trí đắc địa cho phát triển kinh tế

Đường đi của tàu thuyền qua eo biển Malacca (dấu mũi tên) – (Ảnh: TTO)

Nhờ tính chất có thể dự báo được của gió mùa, các quốc gia ở Ấn Độ dương có mối quan hệ tốt trước kỷ nguyên của tàu hơi nước. Buôn bán trầm hương, các loại gia vị, đá quý và vải vóc đã liên kết các dân tộc dọc đường bờ biển dài trong suốt thời kỳ Trung cổ. Theo sử gia Felipe Fernández-Armest, rong suốt lịch sử, các tuyến đường biển có tầm quan trọng hơn đường bộ do có thể vận chuyển nhiều hàng hóa hơn.

"Bất kỳ ai là lãnh chúa của Malacca đều có thể thâu tóm Venice" – một câu ngạn ngữ cuối thế kỷ 19 ám chỉ sự giao thương rộng rãi của thành phố này với châu Á. Nếu thế giới là một quả trứng, eo biển Hormuz sẽ là lòng đỏ – một câu ngạn ngữ khác. Thậm chí ngày nay, trong thời đại tên lửa và thông tin, 90% thương mại toàn cầu và khoảng 65% dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển.

Toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi việc dễ dàng và không tốn kém khi vận chuyển những container trên những con tàu chuyên dụng. Và Ấn Độ dương chiếm trọn một nửa vận tải container của thế giới. Ngoài ra, 70% các sản phẩm dầu mỏ được vận chuyển qua Ấn Độ dương, trên đường từ Trung Đông tới Thái Bình dương.

Khi những loại hàng hóa trên đi theo lội trình đó, chúng sẽ đi qua các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chính của thế giới, trong đó có Vịnh Aden và Oman – cũng như một số eo biển chính của thương mại thế giới : Bab el Mandeb, eo biển Hormuz và Malacca. 40% thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca, 40% dầu thô được buôn bán trên Trái đất đi qua eo biển Hormuz.

Là tuyến đường biển thương mại và năng lượng chủ yếu của thế giới, Ấn Độ dương sẽ có vai trò quan trọng hơn nữa trong tương lai. Dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 45% trong thời kỳ 2006 – 2030 và khoảng 50% sự gia tăng về nhu cầu này sẽ tới từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã tăng gấp hai từ 1995 tới 2005 và sẽ tăng gấp đôi trong 15 năm tới.

Tới năm 2020, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 7,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 50% sản lượng dự kiến của Ả-rập Xê-út. Hơn 85% dầu và các sản phẩm dầu được vận chuyển tới Trung Quốc phải đi qua Ấn Độ dương và eo biển Malacca.

Tham vọng thâu tóm của Ấn Độ

Khu trục hạm tên lửa INS Tabar của hải quân Ấn Độ (Ảnh: vietbao.vn)

Ấn Độ, sớm trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, phụ thuộc vào dầu mỏ để đáp ứng 33% nhu cầu năng lượng. Nước này phải nhập khẩu 65% nhu cầu năng lượng. 90% dầu mỏ mà Ấn Độ nhập khẩu có thể sớm tới từ Vịnh Persian. Ấn Độ phải thỏa mãn nhu cầu cho một số dân mà tới năm 2030 sẽ là đông nhất trên thế giới.

Nhập khẩu than từ Mozambique chắc sẽ tăng mạnh, ngoài than mà nước này nhập từ các nước Ấn Độ Dương, chẳng hạn như Nam Phi, Indonesia và Australia. Trong tương lai, các tàu tới Ấn Độ cũng sẽ trở ngày càng nhiều khí hóa lỏng từ những vùng biển ở phía nam châu Phi, ngay cả khi nước này tiếp tục nhập khẩu khí hóa lỏng từ Qatar, Malaysia và Indonesia.

Khi toàn bộ vùng ven Ấn Độ dương, gồm cả các bờ biển phía Đông của châu Phi, trở thành một mạng lưới buôn bán năng lượng khổng lồ, Ấn Độ đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của nước này, từ bình nguyên Iran cho tới vịnh Thái Lan – sự bành trướng về phía Đông và phía Tây nhằm mở rộng vùng ảnh hưởng của các phó vương thời Anh cai trị Ấn Độ.

Buôn bán của Ấn Độ với các quốc gia Ả-rập tại Vịnh Perisan và Iran – những nước mà Ấn Độ có quan hệ chặt chẽ về kinh tế và văn hóa – đang nở rộ. Khoảng 3,5 triệu người Ấn Độ đang làm việc tại 6 nước Ả-rập thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và gửi về nhà 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Khi nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, giao thương của nước này với Iran và Iraq cũng sẽ mở rộng.

Iran, giống như Afghanistan, đã trở thành một sân sau chiến lược để Ấn Độ chống lại Pakistan và Iran sẵn sàng trở thành một đối tác năng lượng quan trọng. Trong năm 2005, Ấn Độ và Iran đã ký một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD mà theo đó, Iran sẽ cung cấp cho Ấn Độ 7,5 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm trong 25 năm, bắt đầu từ năm 2009.

Đã có các cuộc thảo luận về xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí từ Iran tới Ấn Độ qua Pakistan, một dự án nối Trung Đông và Nam Á cũng như có thể hướng tới việc bình ổn quan hệ Ấn Độ – Pakistan. Một dấu hiệu nữa về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ và Iran là Ấn Độ đang giúp Iran phát triển cảng Chah Bahar trên Vịnh Oman. Cảng này cũng sẽ là một căn cứ bàn đạp cho Hải quân Iran.

Ấn Độ cũng đang mở rộng quan hệ quân sự và kinh tế với Myanmar ở phía Đông. Ấn Độ không quan tâm tới việc lật đổ chính phủ quân sự của Myanmar, bởi Myanmar giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu, khí tự nhiên, than, kẽm, đồng, uranium, gỗ và thủy điện – những tài nguyên mà Trung Quốc cũng rất quan tâm. Ấn Độ hy vọng rằng mạng lưới các tuyến đường Đông – Tây và các tuyến đường ống năng lượng cuối cùng sẽ cho phép nước này kết nối với Iran, Pakistan và Myanmar.

Ấn Độ đang mở rộng hải quân với tinh thần tương tự. Với 155 tàu chiến, Hải quân Ấn Độ là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới và có thể mua thêm ba tàu ngầm hạt nhân và ba hàng không mẫu hạm vào năm 2015. Một động lực lớn cho việc gia tăng sức mạnh hải quân là do Hải quân nước này không có khả năng sơ tán các công dân Ấn Độ khỏi Iraq và Kuwait trong suốt Chiến tranh vùng Vịnh 1990 – 1991.

Trung Quốc và chiến lược "chuỗi ngọc trai"

Một động lực khác là cái mà học giả Mohan Malik thuộc Trung tâm các nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình dương tại Hawaii gọi là "Tình trạng khó xử ở Hormuz" của Ấn Độ. Nói cách khác, đó là sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hàng nhập khẩu trung chuyển qua eo biển này, gần với bờ biển Makran của Pakistan, nơi Trung Quốc đang giúp Pakistan xây dựng các cảng nước sâu.

Quả thật, khi Ấn Độ mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Đông và phía Tây, trên đất liên và trên biển, nước này đang va chạm với Trung Quốc – nước đang mở rộng ảnh hưởng về phía Nam và muốn bảo vệ quyền lợi của nó khắp vùng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phàn nàn về tình trạng khó xử của Trung Quốc ở Malacca.

Chính phủ Trung Quốc hy vọng cuối cùng có thể đi vòng một phần nào đó qua eo biển này bằng cách vận chuyển dầu và các sản phẩm năng lượng khác qua những tuyến đường bộ và ống dẫn từ các cảng trên Ấn Độ dương tới Trung Quốc. Một lý do Bắc Kinh muốn hợp nhất Đài Loan là để giải phóng sức mạnh Hải quân Trung Quốc khỏi eo biển Đài Loan và hướng về Ấn Độ dương.

Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một chiến lược "chuỗi ngọc trai" đối với Ấn Độ dương. Chiến lược này bao gồm việc thành lập một loạt cảng tại các quốc gia thân thiện ven bờ Bắc của Ấn Độ dương.

Nước này đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn và một trạm nghe ngóng ở Gwadar – Pakistan để có thể giám sát hoạt động hàng hải qua eo biển Hormuz, một cảng ở Pasni – Pakistan, cách Gwadar 120km về phía Đông.

Căn cứ này sẽ được nối với Gwadar bằng một tuyến quốc lộ mới. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu trên bờ biển phía Nam Sri Lanka và một cơ sở container thương mại và hải quân ở Chittagong – Bangladesh.

Bắc Kinh vận hành các cơ sở giám sát trên nhiều đảo nằm sâu ở vịnh Bengal
. Tại Myanmar, nơi chính phủ quân sự nhận hàng tỷ USD viện trợ quân sự từ Bắc Kinh – Trung Quốc, đang xây dựng, hoặc nâng cấp các căn cứ hải quân và thương mại, xây dựng đường bộ, đường thủy và các tuyến ống dẫn nhằm nối vịnh Bengal với tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc.

Một số cơ sở này nằm gần các thành phố ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc hơn là Thượng Hải và Bắc Kinh, do vậy việc xây dựng đường bộ và đường sắt kết nối những cơ sở này với Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch xây dựng một con kênh đào chạy qua eo đất Kran ở Thái Lan để nối Ấn Độ dương với bờ biển Thái Bình dương của Trung Quốc – một dự án với quy mô tương đương kênh đào Panama.

Dự án có thể lật ngược cán cân quyền lực ở châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc bằng cách giúp hải quân đang mở rộng cũng như hạm đội tàu buôn của nước này dễ tiếp cận với một dải đất trải dải duyên hải từ Đông Phi tới Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Tất cả những hoạt động này đang khiến chính phủ Ấn Độ khó chịu. Với việc Trung Quốc đang xây dựng các cảng nước sâu ở phía Đông và phía Tây cũng như sự vượt trội của nước này về doanh số bán vũ khí Trung Quốc cho các nước Ấn Độ dương, Ấn Độ lo ngại bị bao vây bởi Trung Quốc nếu không mở rộng tầm ảnh hưởng. Các lợi ích chính trị và thương mại chồng lấn của hai nước này đang thúc đẩy cạnh tranh và thậm chí là cạnh tranh quyết liệt nhiều hơn về hải quân so với trên bộ.

Triệu Nam Khởi, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã tuyên bố trong năm 1993 rằng : "Chúng tôi không thể chấp nhận Ấn Độ dương là một đại dương chỉ của người Ấn Độ". Ấn Độ đã đáp lại việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại Gwadar bằng cách phát triển hơn nữa một trong những căn cứ hải quân ở Karwar.

Trong khi đó, Trương Minh – một nhà phân tích hải quân Trung Quốc – đã cảnh báo rằng 224 hòn đảo mà hình thành nên quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có thể được sử dụng như một "chiếc vòng kim cô" chặn lối vào ở phía Tây của eo biển Malacca mà Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào đó. "Ấn Độ có lẽ là đối thủ chiến lược thực tế nhất của Trung Quốc".

"Ngay khi Ấn Độ làm chủ Ấn Độ dương, nước này sẽ không thỏa mãn với vị thế hiện có và sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng ảnh hưởng và chiến lượng hướng về phía Đông sẽ có tác động đặc biệt tới Trung Quốc" – Trương Minh viết. Những nhận định này có vẻ giống như ngôn từ của một người hay lo lắng từ giai cấp lý thuyết của Trung Quốc, song những lo ngại này đang tiết lộ rằng Bắc Kinh đã coi New Delhi là một cường quốc về biển.

Nơi diễn ra các cuộc đấu tranh toàn cầu của thế kỷ

Ấn Độ dương – trung tâm của các cuộc đấu tranh toàn cầu thế kỷ 21 – (Ảnh: africaarchipelago.com)

 
Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc gợi ý rằng Ấn Độ dương là nơi các cuộc đấu tranh toàn cầu sẽ diễn ra trong thế kỷ 21. Những đường biên giới cũ của bản đồ Chiến tranh lạnh đang sụp đổ nhanh chóng và châu Á đang trở thành một đơn vị hợp nhất hơn từ Trung Đông tới Thái Bình dương.

Nam Á là một bộ phận không thể chia cát của đại Trung Đông Hồi giáo kể từ thời Trung Cổ : chính bộ tộc Ghaznavids Hồi giáo ở miền Đông Pakistan đã mở các cuộc tấn công cướp phá bờ biển Tây Bắc Ấn Độ vào đầu thế kỷ 11 và nền văn minh Ấn Độ là sự kết hợp của văn hóa Hindu bản địa và dấu ấn văn hóa mà những cuộc xâm lược này để lại.

Mặc dù phải tới sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố bằng đường biển vào Mumbai tháng 11/2008 để hầu hết người phương Tây mới định vị Ấn Độ bên trong đại Trung Đông này, toàn bộ dải bờ biển Ấn Độ dương luôn là một khối được liên kết với nhau.

Điều khác biệt hiện nay là mức độ của những liên kết này. Trên một tấm bản đồ trung tâm của ngành hàng hải ở miền Nam của lục địa Âu – Á, sự phân chia đất liền nhân tạo biến mất, thậm chí Trung Á bị đất liền bao bọc cũng liên kết với Ấn Độ dương.

Chẳng hạn, khí tự nhiên từ Turkmenistan một ngày nào đó có thể chảy qua Afghanistan trên đường tới các hải cảng và thành phố ở Ấn Độ và Pakistan – một trong nhiều tuyến vận tải năng lượng có thể giữa Trung Á và tiểu lục địa Ấn Độ.

Cảng của Trung Quốc ở Gwadar, Pakistan và cảng của Ấn Độ ở Chah Bahar, Iran, cuối cùng có thể được kết nối với Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giàu dầu khí.

Chuyên gia S.Frederick Starr về Trung Á phát biểu tại một cuộc họp báo tại Washington năm 2008 rằng tiếp cận với Ấn Độ dương "sẽ góp phần định hình chính trị Trung Á trong tương lai". Những người khác đã gọi các cảng ở Ấn Độ và Pakistan là "các điểm sơ tán" đối với dầu mỏ ở biển Caspian. Vận mệnh của các quốc gia ở cách xa Ấn Độ Dương 1.900km gắn liền với nó.

(Còn nữa)
Bài viết của Robert D.Kaplan, tạp chí Foreign Affaire, tháng 3 – 4/2009. Nguồn tư liệu: Viet-studies.info.

Người dịch : Minh Sơn – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *