Bên bờ hạnh phúc

Hàng năm, vào ngày mồng ba và mồng bốn tháng Giêng, bà con các nơi về Trà Ôn vui Tết và tham dự lễ giỗ quan Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820).

Ông Nguyễn Văn Tồn là người Khmer, quê làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ông tên thật là Thạch Duồng. Thuở nhỏ, ông theo chúa Nguyễn, hết lòng tận tụy trung thành nên được cho chuyển làm Cai Đội và cho phép chuyển sang mang “Quốc thích”. Từ năm 1786 đến 1789, ông theo chúa Nguyễn chạy sang Vọng Các (Băng-cốc). Khi Nguyễn Ánh khá mạnh, trở về nước, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập một đội quân người Khmer và ông lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Ông lại được lệnh theo Võ Tánh giữ thành Bình Định, bị Tây Sơn bắt. Nhưng ông hết dạ trung thành với chúa Nguyễn, tìm cách trốn về Nam.

Năm Gia Long thứ nhất (1802), ông được thăng Cai Cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang) kiêm quản phủ Trà Vinh và Măng Thít (thuộc Vĩnh Trấn). Ông có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ bảy (1808) và năm Gia Long thứ mườI (1811), hai lần, ông được triệu về kinh để nhận ban thưởng và được thăng Thống chế, tước Dung Ngọc Hầu. Công đức lớn của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng. Ngoài ra, năm 1819, ông được Thoại Ngọc Hầu phân công đốc thúc dân phu đào kênh Vĩnh Tế. Do lao tâm, lao lực, ông bị bệnh, mất đầu năm Canh Thìn (1820). Triều đình cử người đến ban cấp, điếu phúng. Ông được truy tặng Tiền quân Thống chế, được tống táng theo nghi lễ. Sau đó, triều đình còn cấp mộ phu quét dọn mồ mả, từ đường. Theo nhiều tài liệu lịch sử, vào mùa hè năm Canh Thìn (1820), nước ta bị một trận dịch lớn chết hàng vạn người. Đầu tiên, trận dịch bắt đầu từ Trấn Tây, lan qua Nam Bộ rồi lan ra tận Thừa Thiên. Trong lúc nguy ngập này, ông được người dân địa phương xem là một vị thần linh bảo hộ. Ông được người dân địa phương xem là một vị Tiền hiền (người Hoa xem ông như ông Bổn ở địa phương), được thờ cúng dưới dạng “Báo hổ tư nguyên”.

Theo Đại Nam liệt truyện, Thống chế Nguyễn Văn Tồn có một người con Yên Vy, làm Vệ úy ở đồn Tịnh Biên (Châu Đốc). Có người tố cáo Vy đã theo Lê Văn Khôi. Nhưng rồI Vy mất, Minh Mạng nghĩ tình cha con nên bỏ qua, không truy cứu. Có lẽ, do nguyên cớ ấy nên hậu duệ của ông bị suy sụp, việc hương hỏa phó mặc cho dân địa phương. Mãi đến đầu thế kỷ XX, dân địa phương nghĩ công đức, trùng tu miếu mộ và thành lập hội “Mỹ Thanh” để lo việc hương hỏa cho vị công thần này. Từ đó đến nay, Lăng Thống chế điều bát được trùng tu tôn tạo vào các năm 1937,1953, 1960, 1994 và gần đây nhất là năm 2005.

 

Lăng Ông ở giồng Thanh Bạch – ấp Mỹ Hòa – xã Thiện Mỹ – huyện Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long

Hiện nay, Lăng và mộ phần quan Thống chế điều bát cùng phu nhân ở tại giồng Thanh Bạch, ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, cách thị trấn Trà Ôn khoảng hai cây số. Toàn khu vực này ở trên khu đất trống trải, xung quanh có nhiều cây cao bóng mát và hoa quả tươi đẹp. Khu miếu thờ có ba ngôi : chính điện, võ ca và nhà khách. Tất cả các công trình kiến trúc đều làm bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách gạch. Trong Lăng thờ vợ chồng Thống chế điều bát và các danh nhân như Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây Tướng quânTrương Định, Bình Tây Phó tướng Nguyễn An (Phó tướng Trương Định, sau khi thất bại ở Gò Công, trở về tiếp tục nổi dậy và hi sinh tại Trà Ôn). Anh hùng Nguyễn Trung Trực, quan Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn được nhà Nguyễn phong Trung đẳng Thần vào năm 1944.

Phần mộ Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn và phu nhân làm theo kiểu song hồn, nằm phía sau Lăng. Xung quanh mộ có tường hoa, có bình phong, trụ liễu… trang trí hình lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng hầu. Trên rặng liễu có câu đối ngắn, thể hiện được đức độ người đã mất :

Hoa di cộng ngưỡng
Mân Quảng đồng tri ân.
(Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ
Người Phúc Kiến, người Quảng Đông đều nhớ ơn).

Hàng năm, tại Lăng Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn có các ngày lễ :

– Giỗ Tiền quân phu nhân : 16 và 17 tháng hai âm lịch.
– Giỗ Phó soái Nguyễn An, giỗTiền hiền và Hậu hiền : 20 tháng 12.

Nhưng ngày lễ quan trọng nhất là ngày giỗ quan Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn vào ngày mồng ba và mồng bốn tháng Giêng âm lịch. Trong các ngày này, hàng ngàn người Việt, Hoa, Khmer ở vùng Trà Ôn, Cầu Kè,Trà Vinh, Sóc Trăng… về tham dự. Lễ giỗ quan Thống chế mang ý nghĩa là lễ cầu phước vào những ngày đầu xuân. Ngoài ra, người dân đến lễ bái còn có ý nghĩa uống nước nhớ nguồn. Do đó, tuy là lễ giỗ, nhưng cũng có đầy đủ nghi tiết : Túc yết, Chánh tế, tế Tiền hiền, Hậu hiền, xây chầu, Đại bội và Hát bội. Ngoài ra, vì đây là những ngày đầu xuân nên bà con người Hoa thường tổ chức múa lân, bà con người Khmer trình diễn nhạc ngũ âm hoặc múa hát theo phong cách của họ. Quan Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của ba dân tộc Việt, Hoa và Khmer tại Trà Ôn.

Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định xếp hạng Lăng Ông là di tích lịch sử – văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. (Quyết định số 310-QĐ ngày 13/2/1996).

Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *