Nếu theo dõi các buổi thời sự, chúng ta luôn được nghe các đồng chí lãnh đạo khi đi thăm các địa phương, đều nhắc nhở “ …Các đồng chí phải tính, trồng cây gì, nuôi con gì cho có lợi nhất”. Một câu dặn dò thật chí lý. Nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi. Biết bao nhiêu loại cây, loại con, không tránh khỏi việc phải lựa chọn, “phải tính”. Nhưng tính thế nào đây?

Về lý luận, chúng ta có biết bao nhiêu bản luận án "Chuyển đổi cơ cấu sản xuất và chăn nuôi ở huyện A, huyện B hoặc tỉnh C, tỉnh D… " để mang lại cho người bảo vệ (mà đại đa số là cán bộ lãnh đạo) những bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nếu chẳng có giá trị, sao lại được trao một tấm giấy chứng nhận cao nhất về học thuật?

Về mặt khoa học (và cả thực tiễn), hàng ngày, trên các báo chí, sách vở chắc chẳng thiếu tài liệu dạy về những cây nông nghiệp, cây công nghiệp, các phương pháp chế biến sau thu hoạch, cách chăn nuôi, đề phòng bệnh tật, tính toán hiệu quả kinh tế của các con, các cây…

Đặc biệt hơn nữa, sáng nào từ khi chưa ra đồng, chưa xuống chuồng trại, các nhà khoa học đã “Cùng nông dân bàn cách làm giàu” trên chương trình của VTV1. Đây là một chủ trương rất tốt, nâng cao trình độ cho người nông dân, biến họ trở thành những nhà kinh kế kiêm nhà khoa học biết tính toán trên mảnh đấy eo hẹp và lưng vốn có hạn của mình.

Tưởng như chẳng còn gì là thắc mắc. Chỉ việc "thông minh lên một tý" để thực hiện lời dặn dò “trồng cây gì, nuôi con gì” mà thôi.

Thu hoạch rong nho (nho biển) ở Nha Trang – Ảnh: Licogi1

Thế nhưng, chuyện không hề đơn giản.

Vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì là một vấn đề lớn có tầm quan trọng quốc gia, không phải tầm gia đình, thôn xóm, xã – huyện – tỉnh, kể cả khu vực. Chuyện “cây – con” ấy càng trở nên bức xúc, quan trọng, “phải tính” rất kỹ càng, thận trọng, nhất là trong điều kiện bình quân diện tích đất canh tác thuộc loại thấp nhất thế giới như ở nước ta, không thể tung tẩy, phí phạm, “cứ làm đi đã rồi rút kinh nghiệm sau” như cách chúng ta thường nói. Phải tận dụng triệt để đất đai và thuận lợi của khí hậu nhiệt đới để trên một đơn vị diện tích đạt được hiệu quả kinh tế tối đa.
Trên thế giới, dù ở các nước thị trường tự do, người ta vẫn coi việc xác định phương hướng cho nông nghiệp là việc của Nhà nước. Chính với chủ trương ấy, trong cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất vào những năm 1960 – 1970, Ấn Độ đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây lương thực, đưa giống lúa mì cao sản nhập từ Mehicô thay thế lúa nước ở một số vùng. Trong khoảng chưa đầy 10 năm, sản lượng lúa mì của Ấn Độ tăng gấp 7 lần. Đây là một yếu tố, cùng với các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp và thuỷ lợi, đã góp phần nâng sản lượng lương thực nói chung lên gần gấp đôi. Nhờ vậy, họ đã giải quyết một vấn đề rất lớn là khắc phục nạn đói triền miên của một nước có dân số trên một tỷ người.

Một nước châu Âu là Hà Lan có diện tích bình quân ruộng đất thấp như nước ta (0,038 ha/người) đã có những biện pháp cải tạo nông nghiệp rất thành công dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, đáng để coi như một gợi ý : chuyển sang một nền nông nghiệp chuyên canh hoa và cây cảnh xuất khẩu, đồng thời tập trung chăn nuôi bò sữa, chuyển 60% số nông dân thành công nhân chế biến nông sản phẩm (phần lớn nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm). Nhờ vậy đã làm cho sự chênh lệch về mức sống cũng như trình độ văn hoá giữa nông thôn và thành thị còn rất nhỏ.

Chúng ta thường tự hào là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với 4 – 5 triệu tấn mỗi năm mà không để ý đến một nghịch lý là, một nước sản xuất chất bột chỉ khoảng 500 kg/người lại xuất khẩu sang các nước có sản lượng chất bột khoảng 1.000 – 1.500 kg/người. Sở dĩ như vậy vì tại các nước đó, người ta biết “tính”, trồng những cây cung cấp chất bột như khoai tây, ngô có năng suất cao để chăn nuôi, lấy thịt (tính trung bình cứ 5 – 7 kg chất bột, thông qua chăn nuôi, mới đem lại 1 kg chất protit), nhờ vậy cân đối được khẩu phần ăn và chỉ bỏ ra một số tiền không nhiều để nhập khẩu lương thực cho người như gạo.

Theo số liệu, diện tích đất nông nghiệp ở Anh dùng để trồng cỏ làm bãi chăn thả gia súc lớn gấp nhiều lần diện tích trồng cây lương thực của họ. Điều đó nói lên một nền nông nghiệp định hướng vào chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Chắn chắn, sự chuyển đổi đó (xảy ra từ đầu thế kỷ XX) có vai trò chỉ đạo của Nhà nước, chứ không phải do người nông dân Anh tự “tính” trên mảnh đất (dù bạt ngàn) của mình.

Liệu có bao giờ chúng ta có suy nghĩ mạnh dạn mang tính cách mạng như chuyển đổi việc tập trung trồng lúa gạo sang cây khác cho có hiệu quả kinh tế cao hơn không? Có bao giờ chúng ta nghĩ đến một nền nông nghiệp lấy chăn nuôi làm chủ đạo (với một loạt biện pháp kèm theo) để thực hiện một cuộc cách mạng trắng (sữa và ngành công nghiệp chế biến kèm theo) như các nước khác đề cập đến không ?

Chắc chắn ai cũng nhận ra rằng, trồng lúa (nhất là trên diện tích đất manh mún như ở nước ta) không bao giờ có thể làm giàu được. Vậy mà việc trồng lúa gạo ở nước ta vẫn chiếm đại đa số đất canh tác, thu hút khoảng 10 triệu hộ (nếu tính một hộ nông dân có 5 người thì cũng tương đương 50 triệu người) chỉ để làm ra 33 – 35 triệu tấn thóc thôi hay sao? Nếu như trích ra trong số đó 1/6 đến 1/5 sản lượng để xuất khẩu, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, thì 7 – 10 triệu nông dân trong nước chỉ làm ra một giá trị xuất khẩu 1,3 – 1,5 tỷ đô-la. Năng suất như vậy là quá thấp so với bất kỳ ngành nào khác!!! Và tất nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trọng đại như thế vượt xa cái đầu của những người nông dân. Đó phải là một chiến lược lớn của Nhà nước.

Mở rộng quy mô chăn nuôi trên cơ sở kết hợp khoa học – công nghệ là hướng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngay cả quy mô rất nhỏ là gia đình, vấn đề “con gì, cây gì”, người nông dân cũng không thể chủ động nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã thất bại biết bao nhiêu lần do chạy theo cơ chế thị trường. Họ đổ xô vào những cây những con mà trước mắt xã hội có nhu cầu, và đến mùa vụ, khi sản lượng tăng lên, nhất là khi được mùa thì giá lại giảm xuống một cách thê thảm. Lại phá bỏ, lại tìm “cây gì, con gì” khác, để rồi cái vòng luẩn quẩn lại diễn ra. Ấy là chưa kể, có những trường hợp đã có hợp đồng trồng một cây gì đó theo yêu cầu của Xí nghiệp quốc doanh (đại diện cho Nhà nước) như trồng mía cho các Nhà máy đường chẳng hạn, nhưng khi giá đường thế giới giảm, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất để tránh thua lỗ nên không mua nữa. Qua thời vụ, mía bị “gỗ hoá”, trữ lượng đường giảm, đành phá bỏ, để rồi năm sau lại chịu đựng một thất bại mới. Những người nông dân Nam bộ đã từng chua chát nói : “Trồng gì cũng trúng, chỉ có giá là trật”.

Như vậy, chưa nói đến một chính sách rất lớn như các nước thường làm, mà trước mắt chúng ta còn chưa có khả năng “trợ giá cho nông sản phẩm”, tức là sự cần thiết phải có sự trợ giúp của Nhà nước cho những người nông dân “yếu toàn diện”. Khi được mùa, họ không có tiềm lực để giữ giá, không có cơ sở chế biến để tăng giá trị sản phẩm hay ít ra để bảo quản, không có phương tiện để chuyên chở từ nơi thừa đến nơi thiếu, không trình độ để dự báo thị trường, không có cách tiếp thị hiện đại như mạng Internet… thì sự thất bại là một điều dễ hiểu.

Một nông dân ở Hải Dương có thể trở thành triệu phú nhờ nuôi ba-ba, nhưng toàn thể nông dân Hải Dương nuôi ba-ba thì không ổn. Đó là lối thoát cho một vài gia đình chứ không phải cho một vùng hoặc một ngành chăn nuôi có triển vọng. Có thể kể đến một nhà nông thông thái và có nghị lực đã di trú thành công đàn cá sấu sinh sống vùng sinh thái nắng ấm ở miền Nam ra Hải Phòng, vùng sinh thái có gió mùa Đông Bắc và hy vọng vùng Kiến An – An Lão – Hải Phòng sẽ là vương quốc của cá sấu Bắc Bộ. Nhà nước đã giúp gì cho chính câu hỏi mà họ đặt ra là nuôi con gì khi con gì (cá sấu) có giá trị kinh tế đang sống và phát triển trong vùng sinh thái họ quản lý.

Về trồng cây gì có một thí dụ đển hình. Vải thiều là loại đặc sản của Thanh Hà (Hải Dương). Khi cây vải thiều lấy đất Lục Ngạn làm thủ phủ và phát triển thì “được mùa rớt giá” đến 500 – 600 đồng/kg bán tại gốc vì không có đầu ra.

Đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp là tính mùa vụ, nơi tiêu thụ xa nơi thu hoạch, khó bảo quản, chất lượng không đồng đều, sản phẩm đơn chất, không cân đối dinh dưỡng v.v… mà những vấn đề này thì nông dân không thể tự khắc phục, phải có công nghiệp chế biến đi kèm. Từ đồng ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng là cả một quá trình dài, mà người nông dân mới tham gia được một công đoạn tuy rất quan trọng nhưng chưa hoàn chỉnh. Nếu sản phẩm nông nghiệp cho nhu cầu tự cấp tự túc thì đạt, nhưng là sản phẩm hàng hóa của thị trường thì chưa. Giá gạo xuất khẩu bao giờ cũng thấp hơn giá gạo cùng loại của nước khác, cà-phê đứng thứ 2 về số lượng nhưng thứ 5 về giá cả.

Nông thôn Việt Nam với 70% dân số tiềm ẩn biết bao nhiêu vấn đề chưa giải quyết, hàm chứa nhiều bất cập mà một loạt bài trên Vietimes đã đề cập về việc làm, cuộc sống, giáo dục, văn hoá, môi trường… Song, chúng ta không thể phủ nhận rằng, bao giờ vấn đề kinh tế cũng là vấn đề then chốt. Giải quyết những vấn đề của nông thôn là thông qua “cây, con” làm kinh tế nông nghiệp có tích lũy để tái sản xuất mở rộng, coi đó là chìa khóa của vấn đề nông thôn hiện nay.

Huy Hà (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *