Sáng 21/5, tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dự phiên khai mạc và có bài phát biểu trước hơn 800 đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế Tương lai Châu Á lần thứ 15 do thời báo NIKKEI tổ chức.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Châu Á trước thử thách và những yêu cầu mới”. Chương trình nghị sự tập trung vào hai vấn đề là tình hình châu Á trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biện pháp duy trì tăng trưởng kinh tế lâu dài trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập những vấn đề mà châu Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Nguyên nhân là do kinh tế nhiều nước châu Á bị phụ thuộc vào các thị trường lớn ở Mỹ và châu Âu. Dự kiến năm 2009, kinh tế châu Á chỉ tăng trưởng 2,9%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra 6 giải pháp của Chính phủ Việt Nam. Đó là các giải pháp củng cố niềm tin xây dựng nền tảng cơ bản của sự phát triển bền vững, cần phối hợp hành động giữa các nước trong khu vực để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính, nâng cao vai trò của châu Á trong việc xây dựng khuôn khổ thương mại toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính tiền tệ khu vực, các nước châu Á cần tăng cường hơn nữa năng lực sáng tạo, xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định trong khu vực và tạo lập vị thế của một trong những nôi văn minh của loài người.
Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đẩy mạnh hợp tác phát triển các nước tiểu vùng sông Mekong, các nước chậm phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển nội châu lục, trong đó có tam giác phát triển Việt Nam – Lào và Campuchia, hành lang kinh tế Đông Tây…
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ cảm ơn sự nỗ lực của Nhật Bản cam kết hỗ trợ 20 tỷ USD giúp các nước khu vực đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và gói viện trợ ODA 900 triệu USD dành cho Việt Nam trong năm 2009.
Đề cập những nỗ lực của Việt Nam trong sự nghiệp chung khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói khẳng định: Việt Nam sẽ làm hết sức mình hợp tác chặt chẽ với các nước,thực hiện đầy đủ cam kết để cùng các nước vượt qua khó khăn hiện nay và phát triển kinh tế ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự phồn vinh của khu vực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã là thành viên của WTO, có quan hệ thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim nghạch thương mại của Việt Nam với các nước năm 2008 đạt 140 tỷ USD, tăng bình quân 20% /năm trong suốt 20 năm qua. Việt nam có hơn 10.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư trên 160 tỷ USD.
Từ đầu năm 2008, chính phủ Việt Nam đã thực hiện các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế 6,2%.
Năm 2009, để đối phó khủng hoảng ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các chính sách tài chính tiền tệ tích cực linh hoạt, bảo đảm kinh tế vĩ mô và an toàn của hệ thống ngân hàng, thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, kích thích đầu tư, tiêu dùng mở rộng thị trường nội địa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và đạt được kết quả trong các lĩnh vực khác.
Sớm triển khai dự án đào tạo y tá cho Việt Nam
Bên lề chuyến thăm làm việc và dự Hội nghị "Tương lai châu Á", ngày 21/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thượng Nghị sĩ Nhật Bản Nakamura Hirohiko.
Tại buổi tiếp, ông Nakamura cho biết Nhật Bản đã mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách khoa và mong muốn tiếp tục đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo y tá tại nước ta sang làm việc tại Nhật Bản.
Ông Nakamura cho rằng ngoài 2 Trung tâm văn hóa Nhật – Việt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai nước cần tạo điều kiện để tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này, nhất là giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Ông Nakamura khẳng định sẽ tích cực vận động sự ủng hộ để tăng hơn nữa ODA cho Việt Nam, đặc biệt là ODA đầu tư cho giáo dục, đào tạo, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường,…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại,… đồng thời đánh giá cao thiện chí của ngài Nakamura trong việc xây dựng trung tâm đào tạo y tá tại Việt Nam và khẳng định sẽ giao cho các bộ, ngành chức năng phối hợp với Nhật Bản triển khai sớm nhất dự án này.
Thủ tướng cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa hai nước đã được Việt Nam phê chuẩn và phía Nhật Bản cần sớm hoàn tất thủ tục để hiệp định có hiệu lực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, trong đó có lĩnh vực đào tạo y tá Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của ngài Nakamura đối với Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt – Nhật, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như lao động, y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời mong muốn ngài Nakamura sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Quốc hội, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế và lao động.
Theo VOV