Ngày 23/6, Chính phủ dành 1 ngày để họp chuyên đề xây dựng pháp luật, tập trung thảo luận về các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với các nghị định quy định chi tiết điều kiện, thủ tục về hoạt động kinh doanh.
Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí thực hiện đúng tiến độ, không để “khoảng trống pháp lý” và bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, các bộ, ngành đã trình Chính phủ 49 nghị định trong tổng số 50 nghị định cần ban hành để quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Các ý kiến phát biểu làm rõ sự cần thiết hay không của các điều kiện kinh doanh để giảm thiểu những điều kiện đầu tư kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thống nhất cho rằng quy định điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện.
Không bê nguyên thông tư cũ vào nghị định mới
Hoan nghênh các ý kiến thẳng thắn, làm sáng tỏ các vấn đề đặt ra, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành thời gian qua trong công tác xây dựng thể chế, nhất là việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Các bộ đã phối hợp chặt chẽ, khi gặp vấn đề khó thì cùng trao đổi, tranh luận trực tiếp và tập trung đôn đốc, “nếu cứ giấy tờ qua lại mãi thì không ra vấn đề được”, Thủ tướng ghi nhận.
Lưu ý việc thời gian qua “các cơ quan báo chí còn phản ánh chỗ này, chỗ khác gây phiền hà, khó khăn, nhiêu khê”, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý và đặc biệt, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Quy định đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phải vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước.
“Chúng ta đổi mới, cải cách mạnh mẽ để giải phóng sức sản xuất nhưng cũng cần tăng cường quản lý, tránh sơ hở, không để bị lạm dụng cũng như bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng nên các đồng chí cần xem xét vận dụng phù hợp”, Thủ tướng nêu rõ.
Mặc dù xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ vào nghị định mới.
Đề cao vai trò của Bộ trưởng trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nhắc nhở: “Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì đồng chí Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.
Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện các dự thảo nghị định, bảo đảm tiến độ đề ra, không để “khoảng trống pháp lý”. Cần tiếp tục cập nhật và công khai các dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành, các phương tiện thông tin truyền thông để lắng nghe, kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động liên quan.
“Vẫn còn thời gian thì chúng ta hoàn thiện đến cùng, bảo đảm chất lượng, thời hạn chứ không phải vì Thủ tướng, các bộ trưởng thúc giục quá mà các đồng chí làm ào ào, chép từ thông tư vào nghị định, không quán triệt tinh thần của luật mới”, Thủ tướng nhắc nhở các vụ pháp chế, các cơ quan chuyên môn của các bộ lưu ý vấn đề này.“Chính phủ kiến tạo thì xây dựng thể chế là nhiệm vụ số một”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần quyết liệt vào cuộc, cùng các bộ, ngành để rà soát những điều bất cập của Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự thảo nghị định liên quan đến nhiều thủ tục, điều kiện như điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông, điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; điều kiện để hoạt động kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự…
Nguồn: Đức Tuân ( Chinhphu.vn )