Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong tháng 1/2015, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất 516.000 tấn gạo, trong đó có 120.000 tấn gạo cao cấp, đạt 8,3% kế hoạch năm, tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái, trị giá 229 triệu USD.
Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Theo kế hoạch, năm 2015 các tỉnh trong vùng xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, tăng 200.000 tấn so năm ngoái, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 3,4% so năm 2014.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới diễn biến khá phức tạp, nổi bật nhất là khó khăn về giá và áp lực cạnh tranh trong tiêu thụ không giảm.
Để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, các tỉnh cần thực hiện các biện pháp chính là nâng cao chất lượng điều hành xuất khẩu gạo theo hướng giữ vững, mở rộng tiêu thụ gạo tại các thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm thị trường mới, gia tăng xuất khẩu gạo cao cấp đáp ứng nhu cầu của khách hàng đang tăng lên, cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Các tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị nhằm tìm kiếm thêm khách hàng tại các nước EU, Bắc Mỹ, vùng Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Australia, New Zealand.
Đồng thời, các tỉnh chế biến các mặt hàng gạo xuất khẩu theo hướng đa dạng với các chủng loại 5%, 10%, 15%, 25%, 100% tấm, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng truyền thống tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương.
Cùng với đó, các tỉnh gia tăng chế biến gạo cao cấp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng “khó tính” tại các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Australia với số lượng 1,9 triệu tấn, tăng 26% so năm ngoái.
Nhằm bảo đảm có đủ gạo nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, các tỉnh đưa 4,2 triệu ha đất vào trồng lúa, trong đó có 80% diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm; thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống thủy lợi, phòng trừ sâu bệnh hại lúa hiệu quả, phấn đấu sản lượng cả năm đạt 25 triệu tấn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong vùng và cả nước đồng thời cung ứng 12,4 triệu tấn lúa hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu, trong đó có 3,8 triệu tấn lúa thơm, 8,4 triệu tấn lúa chất lượng cao và lúa thường.
Để có đủ lúa chất lượng cao, lúa thơm phục vụ xuất khẩu với số lượng tăng hơn năm 2014, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ lai tạo, tuyển chọn thêm nhiều loại giống có phẩm chất tốt, năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng sinh thái, đạt chuẩn xuất khẩu cung ứng cho nông dân đưa vào canh tác trong năm 2015, góp phần bảo đảm thành công trong cả 3 yếu tố diện tích, năng suất, sản lượng trong quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Phong Quang cho biết thêm năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, trị giá 2,8 tỷ USD, tương đương với năm 2013. Trong đó, lượng gạo tiêu thụ tại thị trường châu Á, châu Phi chiếm gần trên 80% số lượng gạo xuất khẩu của vùng, thị trường EU, Bắc Mỹ tiêu thụ 17% số lượng. Số còn lại tiêu thụ tại thị trường Trung Đông, châu Đại Dương.
So với năm 2013, lượng gạo tiêu thụ tại thị trường Philippines tăng 2,8 lần, thị trường Indonesia, Trung Đông tăng từ 28-33%.
Đáng chú ý là cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, gạo cấp thấp xuất khẩu giảm 28% về số lượng, gạo thơm xuất khẩu đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng 35% so năm 2013./.
Nguồn: